Trao đổi với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đỗ Năng Hoạt - Giám đốc BQL Dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp cho biết: Với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng được huy động từ nguồn xã hội hóa, Tháp Thái Bình khi hoàn thành sẽ là công trình đa chức năng, điểm nhấn trong kiến trúc, cảnh quan của tỉnh.
Theo ông Đỗ Năng Hoạt, công trình đã được Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất về chủ trương đầu tư với mục tiêu tạo điểm nhấn của tỉnh tại TP Thái Bình về kiến trúc cảnh quan, lịch sử, văn hóa, du lịch và dịch vụ. Nguồn vốn đầu tư được xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước.
Điểm nhấn kiến trúc
“Ban Thường vụ Tỉnh ủy có kết luận số 270 ngày 13/2/2017 và được HĐND thống nhất chủ trương ngay sau đó. Dựa trên căn cứ này, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư. UBND tỉnh đã công khai 3 phương án thiết kế tại các bảng điện tử ở khu vực công cộng và chuyển tới cấp xã, phường để người dân góp ý. Căn cứ từ ý kiến của nhân dân, UBND tỉnh với vai trò là chủ đầu tư mới quyết định lựa chọn phương án nào” - ông Hoạt cho biết.
“Trước đó, có ý kiến tại sao không xây trường học hay các công trình phúc lợi khác mà lại tiêu tốn hàng trăm tỷ vào dự án này, trong khi tỉnh còn khó khăn, tôi xin giải thích, đây là một dự án thương mại của địa phương, góp phần phát triển kinh tế xã hội, tạo điểm nhấn trong diện mạo đô thị hiện đại. Trường học hay các công trình phúc lợi, Thái Bình vẫn làm và làm rất tốt. Chúng tôi khẳng định, tỉnh cam kết không dùng tiền ngân sách để xây dựng tháp”- Chánh văn phòng UBND tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn chia sẻ.
Cũng theo ông Hoàn: Tháp Thái Bình là dự án xã hội hóa, có sự đóng góp của những người con thành đạt từ quê lúa nên nó còn có ý nghĩa thể hiện tình yêu quê hương của những người con Thái Bình. Có thể, do tên gọi nên mọi người nghĩ Tháp Thái Bình đơn thuần mang tính biểu tượng, lãng phí nhưng thực tế đây là một công trình được tính toán công năng rất kỹ.
Tháp gồm 25 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng 15.000m2, tổng chiều cao khoảng 125,04m. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 288 tỷ đồng.
Về công năng sử dụng, từ tầng 1 đến tầng 7 bố trí dịch vụ, thương mại; từ tầng 8 đến tầng 12 là không gian triển lãm; từ tầng 13 đến tầng 19 phục vụ dịch vụ văn hóa, du lịch; tầng 20 là tầng kỹ thuật; tầng 21 và tầng 22 là tháp chuông thông tầng và không gian tham quan; từ tầng 23 đến tầng 25 trưng bày phục vụ du lịch, văn hóa.
Tháp Thái Bình được xây dựng trong khu công viên sinh thái phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình, kết nối quảng trường Thái Bình với tượng đài “Bác Hồ với nông dân” tạo thành quần thể các công trình kiến trúc, tạo điểm nhấn mang tính biểu tượng của Thái Bình, là điểm du lịch, thương mại, dịch vụ văn hóa và tâm linh của nhân dân.
Đơn vị thiết kế đã cố gắng chuyển tải những nét tiêu biểu nhất của Thái Bình vào kiến trúc bên trong, như phần thân tháp có biểu tượng bông lúa thể hiện cho nền kinh tế nông nghiệp của tỉnh trọng điểm sản xuất lúa gạo; ngọn tháp mang hình chiếc bút hướng lên nền trời thể hiện ý chí, khát vọng trong sự nghiệp…
Dự kiến đầu năm 2019 hoàn thành
Theo ông Hoàn: UBND tỉnh đã thành lập Ban vận động xây dựng công trình, ban hành quy chế giao cho BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh huy động, quản lý và sử dụng kinh phí xã hội hóa xây dựng công trình.
Hiện tại, tỉnh đã huy động được 35 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân là con em Thái Bình thành đạt đóng góp xây dựng quê hương.
Ngoài ra, một doanh nghiệp đã cam kết tài trợ toàn bộ xi-măng để xây công trình. Có hai hình thức ủng hộ là ủng hộ không điều kiện và ủng hộ có điều kiện (được sử dụng diện tích trong toà tháp để làm dịch vụ). Đến nay các phương án huy động vốn về cơ bản đã đảm bảo để dự án triển khai.
Trên thực tế, Dự án vẫn đang ở giai đoạn thẩm định, phê duyệt. Sau khi thông qua phương án thiết kế, UBND tỉnh Thái Bình sẽ thuê 1 đơn vị thiết kế nước ngoài uy tín để thiết kế chi tiết. Khi hoàn thiện, sẽ tổ chức đấu thầu công khai theo quy định.
Đến thời điểm hiện tại, công tác thu hồi, đền bù đất nông nghiệp phục vụ cho dự án được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật. Toàn bộ công trình này nằm trên đất nông nghiệp thuộc phường Hoàng Diệu, một phần xã Đông Hòa (huyện Đông Hưng).
“Theo dự kiến, quý 3 năm nay, công trình sẽ được khởi công xây dựng và sẽ hoàn thiện đưa vào khai thác thác, sử dụng vào đầu năm 2019.”- ông Hoàn cho biết.