Thái Hương - tia lửa bùng cháy
Người ta nói chị Thái Hương là người “thay đổi diện mạo miền Tây xứ Nghệ; là “người đàn bà sữa quyền lực nhất châu Á”, là người đưa sữa Việt Nam “go global”. Tiếp xúc với chị, điều gây ấn tượng cho mọi người chính là nguồn năng lượng – năng lượng tích cực lan toả một cách mạnh mẽ và một sự khát khao làm việc, cống hiến đến hết mình.
Hôm nay, chị được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Thật khó đong đếm những gì chị đã làm cho đất nước, nhưng dưới góc nhìn của PGS. TS. Trần Đình Thiên, có nhiều điều thú vị được gợi mở ra từ dấu mốc này.
Ông Thiên gọi đó là tọa độ định hướng cho các doanh nghiệp phát triển, hợp thành từ ý chí mạnh mẽ, khát vọng to lớn và cách làm sáng tạo.
Theo cách nhận thức đó, danh hiệu Anh hùng được trao tặng cho chị là sự đương nhiên. Nhưng có điều còn quan trọng hơn cả danh hiệu Anh hùng là sự phong tặng đóng vai trò định vị. Nó cho thấy đất nước này đang thực sự khuyến khích, đang cần những năng lực, phẩm chất, sự nỗ lực như của TH và của tất cả các doanh nghiệp doanh nhân tư nhân Việt Nam. Đất nước đang cần những con người như Thái Hương! Đừng để qua một lần phong tặng danh hiệu này, chị Thái Hương trở nên đơn độc!
Ông Thiên ví chị Thái Hương như tia lửa bùng lên trên đồng cỏ rộng. Tia lửa đó cần được nuôi dưỡng, được tiếp sức, để không bị lụi tàn mà tiếp tục bừng lên và lan tỏa mạnh mẽ, góp phần làm rạng rỡ Thương hiệu Việt Nam.
- Cách đây tròn 30 năm, Anh hùng Phạm Tuân là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này bay vào vũ trụ từ Liên Xô (nay là Liên Bang Nga). Năm 2018, Tập đoàn TH tổ chức Lễ Khởi công Nhà máy chế biến sữa TH công suất 1.500 tấn/ngày - nhà máy có công suất chế biến sữa lớn nhất nước Nga, thuộc Tổ hợp chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa công nghệ cao có tổng vốn đầu tư 2,7 tỷ USD – dự án lớn nhất của Việt Nam đầu tư sang Nga tính đến thời điểm này.
Hôm nay, chị Thái Hương được phong Anh hùng. Có điểm tương đồng giữa hai nhân vật này, đó là cả 2 đều bước vào lĩnh vực mà Việt Nam còn non trẻ: Vũ trụ và nông nghiệp công nghệ cao. Và cả 2 đều rất dũng cảm, anh hùng làm nên những kỳ tích?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Nước Nga, một đất nước được người Việt Nam yêu mến là điểm kết nối câu chuyện của hai con người nổi tiếng này. Có lẽ sẽ có nhiều điểm thú vị khi triển khai câu chuyện theo góc độ này. Mỗi người góp phần vinh danh Việt Nam theo những cách khác nhau. Một người thì bay lên vũ trụ từ đất Nga, bằng tàu vũ trụ của Nga. Còn người kia, một phụ nữ, thì đầu tư vào nước Nga bằng ý chí, vốn liếng và trí tuệ Việt, để giúp nước Nga lúc khó khăn, khi đang lâm vào tình thế bị cấm vận của phương Tây.
Nhưng phải nói rõ rằng việc TH đầu tư vào Nga chỉ là một phần, dù là phần rất quan trọng và nổi bật, trong bảng thành tích để chị Thái Hương được phong Anh hùng Lao động.
Như tôi biết, với chị Thái Hương, ý đồ mang sản phẩm Việt Nam chinh phục thị trường thế giới đã được ấp ủ từ lâu. Có thể nói nó đã được hình thành và nuôi dưỡng ngay khi chị khởi sự TH, khởi nghiệp chăn nuôi bò sữa ở Nghệ An từ hàng chục năm trước. Có hai trụ cột xuyên suốt sự phát triển của TH. Đó là đẳng cấp cao cho sản phẩm – gồm đẳng cấp công nghệ, tính đặc sắc và chất lượng sản phẩm – và định hướng toàn cầu.
Cả hai trụ cột này đều là phản ánh tính tiên phong trong cuộc đua phát triển. Tính tiên phong này có thể hiểu theo nhiều góc độ khác nhau, trong đó, nổi bật nhất là coi doanh nghiệp tư nhân là lực lượng chủ công để giải quyết vấn đề phát triển của khu vực nông nghiệp, nông thôn. Ý tưởng này thoát hẳn cách tiếp cận cũ, vẫn nặng tư duy bao cấp, dựa vào quan hệ xin cho với nhà nước và lấy hợp tác xã “dong công phóng điểm” làm phương thức chủ đạo để đưa nông thôn – nông dân “lên chủ nghĩa xã hội”.
Đầu tư sang Nga là sự hiện thực hóa định hướng đó ở một tầng cấp khác – tiếp cận và chinh phục thị trường thế giới, khẳng định vị thế của sản phẩm và doanh nghiệp Việt. Đó là hành động cực kỳ có ý nghĩa. Theo tôi, chỉ cần điều đó cũng đủ để chị Thái Hương xứng đáng được phong Anh hùng.
Mấy chục năm gần đây, nông nghiệp, nông thôn bao giờ cũng tiên phong trong đổi mới. Nhưng đổi mới thế nào thì cũng chỉ đến mức chia đất cho nông dân để họ tự chủ hơn. Họ vẫn không là người nông dân cá thể có đầy đủ quyền sở hữu đối với đất đai, tư liệu sản xuất quan trọng nhất của sản xuất nông nghiệp. Ruộng đất họ canh tác vẫn thuộc “sở hữu Nhà nước”.
Nhưng khi sản xuất nông nghiệp được đẩy lên một phương thức hoạt động khác – đưa doanh nghiệp tư nhân vào dẫn dắt quá trình phát triển, theo định hướng công nghệ cao và thị trường sản phẩm quốc tế như TH, thì thân phận và vị thế của chính người nông dân thay đổi sâu sắc. Đánh giá theo logic này thì cách lựa chọn lĩnh vực khởi nghiệp và phương thức hành động của Thái Hương là đặc biệt can đảm và có ý nghĩa.
Nếu có điều gì cần nhấn mạnh về phẩm chất Anh hùng của chị Thái Hương, thì tôi cho rằng đó là phẩm chất vượt thoát khỏi những giới hạn cũ. Cũ hàng nghìn năm chứ không ít đâu nhé.
- Chúng ta đã thắng mọi kẻ thù xâm lược – hầu như đều là những đế quốc mạnh nhất thế giới ở mỗi thời. Nhưng cho đến giờ chúng ta vẫn cứ “là chúng ta thôi”. Có phải vượt qua chính mình mới là thách thức lớn nhất, khó vượt qua nhất của chúng ta?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Chiết tự một chút. Trong khái niệm “anh hùng” thì “hùng” là “thắng người”, còn “anh” là “thắng mình”. “Anh” khó hơn “hùng”. Anh hùng không chỉ là hơn người, thắng người mà quan trọng hơn là biết mình và “thắng” mình. Thắng mình được thì mới thắng được người. Anh hùng đúng nghĩa là vậy.
Thử xét trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để trả lời câu hỏi đó. Khi Đổi mới, chúng ta ca ngợi bác Kim Ngọc – sự lóe sáng ghê gớm thời kỳ đó. Sau đó đến “Khoán 100” ở Hải Phòng và “Khoán 10 – khoán hộ” vào đầu và cuối thập niên 1980. Tuy nhiên, tất cả những lóe sáng đó vẫn giới hạn trong khuôn khổ cơ chế cũ, chưa thoát khỏi hệ thống cũ. Vượt qua tồn tích nền kinh tế nông dân mấy ngàn năm thật sự là không dễ dàng.
“Từ trong hang đá chui ra
Vươn vai đứng dậy rồi ta chui vào”.
Thế đấy.
Chúng ta có 9 năm làm một Điện Biên, giải phóng dân tộc; có 20 năm đánh Mỹ để thống nhất đất nước, giành và giữ giang sơn 4000 năm.
Nhưng sau 35 năm Đổi mới, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa xây dựng xong nền kinh tế thị trường “đầy đủ”. Trong nền kinh tế, cơ chế xin cho, tình trạng phân biệt đối xử các chủ thể kinh tế vẫn còn đè nặng; địa vị phụ thuộc của người nông dân, lực lượng doanh nghiệp tư nhân yếu kém - nghĩa là phương thức sản xuất cũ - vẫn ngự trị. Phương thức sản xuất mới vẫn chưa đủ mạnh để giải phóng thực sự nền kinh tế “cũ”.
Chấp nhận và tạo lập cái mới, tức là “vượt qua khỏi mình”, khó đến như vậy đấy.
TH là một thử nghiệm vượt qua hệ thống cũ. Lập doanh nghiệp tư nhân, đưa doanh nghiệp vào kinh doanh nông nghiệp – để tạo nên sự thay đổi nền kinh tế nông nghiệp manh mún, lạc hậu– nông thôn, cách đây mấy chục năm, là một hành động đột phá, khác thường, đến mức có thể gọi là “điên”.
Nếu không “điên” thì chắc không có Thái Hương Anh hùng ngày hôm nay... (cười).
Nói lại, khái quát lại thì to tát như vậy. Nhưng suy nghĩ và hành động thực tiễn của chị Thái Hương lúc đó chắc đơn giản hơn nhiều. Mà phải đơn giản thì mới thắng được.
Khi chị Thái Hương lựa chọn “cách chơi” như vậy, dù không ý thức đầy đủ, rõ ràng hệ quả hoạt động của mình, quả thực, đã góp phần tạo lập đẳng cấp phát triển mới cho một lĩnh vực bị nén, bị chèn ép nhất, nghèo và khó thay đổi nhất trong nền kinh tế. Khi TH làm được điều đó, sẽ ít ai có lý do biện minh cho sự trì trệ ở bất cứ nơi nào, lĩnh vực nào khác trong nền kinh tế.
- Nghĩa là từ đường hướng kinh doanh của chị Thái Hương đã góp phần làm bộc lộ và phát triển những phẩm chất rất khác của doanh nhân Việt Nam?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Riêng trường hợp chị Thái Hương đầu tư sang Nga, có một khía cạnh khác, tôi đã có lần đề cập, xin được nhắc lại: Người Việt Nam rất nhạy bén, thông minh. Với một doanh nhân chí lớn, khát vọng mạnh, gặp thời cơ là đọc ra “trò chơi” được ngay.
Không phải chị Thái Hương tình cờ đầu tư vào Nga. Đây là tọa độ mà chị đã nung nấu xâm nhập từ lâu. Vì thế, khi có cơ hội là chị “chớp” được ngay.
Khi bị cấm vận, nền nông nghiệp Nga có đủ lợi thế tự nhiên và nhu cầu thị trường để phát triển. Nhưng thiếu một yếu tố: Đó là doanh nhân sẵn sàng làm ra sữa chất lượng cao, đủ sức thay thế nguồn sữa nhập khẩu từ Tây Âu. Nên nhớ sữa tươi và các chế phẩm sữa là mặt hàng thiết yếu bậc nhất trong đời sống người Nga. Sự khan hiếm gây ra nguy cơ cho xã hội nhưng cũng tạo ra cơ hội cho nhà đầu tư. Thái Hương tóm bắt được nhu cầu đó, và nỗ lực biến cơ hội thành lợi ích đầu tư – lợi ích cho người dân Nga và cho TH. Nhờ đó, người dân Nga hết lòng ủng hộ, chính quyền Matxcơva tạo điều kiện tốt nhất để TH thành công.
Tôi đánh giá cao khả năng chớp thời cơ theo nghĩa lóe sáng, giống như một tia lửa nhỏ bùng lên đốt cháy cả một đồng cỏ rộng. Nhưng phải có sự nung nấu, khao khát, có định hướng chín muồi bên trong. Không có cái đó thì sẽ không có tia lửa, không có sự lóe sáng nào cả.
Thái Hương không phải là người Việt đầu tiên đầu tư sang Nga. Đã có nhiều người Việt làm ăn và thành đạt tại mảnh đất này. Nhưng chị là người tiên phong làm ăn lớn trong lĩnh vực nông nghiệp tại đây. Sau Liên bang Nga, TH còn có dự án nông nghiệp hàng trăm ngàn héc-ta tại Australia, một cường quốc nông nghiệp hàng đầu. TH đã và đang chứng nghiệm nhiều sản phẩm nước uống, thực phẩm chức năng tại Mỹ với lý lẽ rằng sản phẩm được chấp nhận tại thị trường Mỹ nghĩa là đủ sức chinh phục thị trường thế giới.
Tôi gọi đó là cách chơi “Thái sơn áp đỉnh” – nghĩa là “chinh phục đỉnh cao”, là dùng đẳng cấp cao để chinh phục thị trường. Nhưng đẳng cấp cao nhất cũng có nghĩa là khó nhất.
Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh là danh hiệu Anh hùng khó đạt được nhất là ở chính Việt Nam, chứ không phải là bất cứ đâu. Khó nữa là danh hiệu Anh hùng thời đổi mới. Có quá nhiều thách thức và rủi ro phải vượt qua. Còn nếu có thêm danh hiệu Anh hùng mở cửa – hội nhập nữa thì chắc chị Thái Hương cũng xứng đáng được nhận (cười).
- Thời điểm Mỹ và các nước châu Âu thực hiện lệnh cấm vận tại Nga, đồng rup mất giá, người Việt buôn bán ở Nga mua hàng bằng USD, bán hàng bằng rup nên càng bán càng lỗ - nhiều khi phải giữ hàng, không dám bán. Nhiều doanh nhân rời khỏi Nga, song chị Thái Hương lại làm ngược lại, lên kế hoạch đổ tới 2,7 tỷ USD vào Nga làm nông nghiệp. Theo ông, liệu chị Thái Hương có phải chịu bất lợi nào từ tình thế của nước Nga?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Tôi không biết rõ câu chuyện kinh doanh của TH tại Nga, nhưng khi tham quan dự án của TH và tham khảo ý kiến các chuyên gia và nghe ý kiến của chị Thái Hương, tôi hiểu rằng, tình thế nước Nga lúc đó đã tạo ra cơ hội và chính nó cung cấp các tạo điều kiện “khởi nghiệp” cho TH. Đây là khía cạnh quyết định. TH được sự ủng hộ của chính quyền sở tại. Tỉnh Matxcơva đã cung cấp hàng chục ngàn héc-ta đồng cỏ màu mỡ mênh mông cho TH nuôi bò và hỗ trợ tối đa các điều kiện thể chế. Nước Nga cung cấp thị trường tiêu thụ lớn khi đang khát sữa...
Chị Thái Hương cũng nhấn mạnh một điều cực kỳ có ý nghĩa đối với những nhà đầu tư, trong võ học gọi là “nguyên lý đánh mượn sức”: TH mượn đất, mượn vốn của Nga để nuôi bò, làm sữa và cung cấp cho thị trường Nga. Phương Tây có nguyên lý “đi xe miễn phí”. Triết lý đó, vận dụng vào nước đi sau, đẻ ra khái niệm “lợi thế đi sau”. Đây là giải pháp đặc biệt quan trọng để giải quyết vấn đề “tụt hậu phát triển” cho các nước đi sau như Việt Nam. Đối với doanh nghiệp thì cũng vậy.
Trong trò chơi kinh doanh, chị Thái Hương có tài mượn sức, mượn thời cơ. Rất lạ là chính quyền Matxcơva lúc đó còn bảo lãnh hỗ trợ tài chính, cho TH vay dài hạn lãi suất thấp. Đã có những chính sách mạnh mẽ từ Chính phủ của ông Vladimir Putin, nhất là khi tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp để tự chủ nguồn hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản trong nước bằng các chính sách ưu đãi đặc biệt cho phát triển nông nghiệp trong đó có sữa. Nền kinh tế Nga bị đóng kín nhưng nội lực của họ rất mạnh. Việc của chị Thái Hương là đưa doanh nghiệp (có năng lực) vào, kết hợp với tất cả những thế tự nhiên và kinh tế rất mạnh đang nằm yên, đang bị trói buộc của nước Nga để bung ra.
Chị Thái Hương có kể chuyện ông Putin và chính quyền cấp dưới đã tạo điều kiện về đất, vốn và thể chế để TH đầu tư. Đó là những yếu tố đảm bảo thành công, TH chỉ còn làm một việc: Chớp thời cơ để thực sự thành công.
Một điểm nữa cũng cần nói: Đóng góp phát triển của TH không đơn thuần chỉ ở khía cạnh kinh tế, tiền bạc. Khi định hình giá trị thương hiệu sữa Việt ở Nga, TH đã làm khăng khít hơn, ấm áp hơn tình hữu nghị Việt – Nga. Tôi cho rằng, đó là một biểu tượng mang tính động lực rất có ý nghĩa. Tình hữu nghị không thể chỉ nói suông mà được. Tất nhiên, phải có bắt tay, ôm hôn, cùng nhau hát những bài hát nồng nàn. Nhưng về lâu dài, thực chất, nó phải được nuôi dưỡng bằng những quan hệ lợi ích.
Điều này, chúng ta còn thấy rất rõ qua các các hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ của Vingroup, của ông Phạm Nhật Vượng đối với nước Nga, Ukraine. Hành động đó giúp củng cố những điều tốt đẹp đã có giữa hai nước, cùng sẻ chia để tạo thêm cơ hội cho tương lai.
- Nhiều người cũng đặt câu hỏi, nước Nga từng là cường quốc trong nông nghiệp, vì sao khi chính phủ tái cấu trúc, doanh nghiệp trong nước không làm mà lại là một doanh nghiệp ở đất nước xa xôi tới đây làm? Liệu rằng, chị Thái Hương có cạnh tranh được khi thị trường này xuất hiện nhiều doanh nghiệp tầm cỡ?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Lúc TH đầu tư vào Nga, nền kinh tế nói chung, nền nông nghiệp nói riêng của nước Nga đang khó khăn. Trong thời kỳ chuyển đổi, nguồn lực của nước Nga tập trung vào những chỗ “ăn” lớn, ngon như tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước, khai thác khoáng sản… Đa số doanh nhân lớn của Nga “phất” lên từ đó. Nông nghiệp ít được chú trọng, tài nguyên nông nghiệp bị bỏ quên. Nông thôn Nga lúc đó vất vả lắm và bị khủng hoảng nghiêm trọng về mặt cấu trúc.
Những người có đủ tầm thế và sẵn sàng đầu tư phát triển nông nghiệp Nga như chị Thái Hương lúc đó chắc rất ít. Họ cũng ít được hỗ trợ. Về xu hướng, nền nông nghiệp Nga vốn nặng tính quảng canh, khó cạnh tranh khi mở cửa với thị trường nông sản Tây Âu. Khi nhập khẩu hàng nông sản từ phương Tây bùng nổ thì nông nghiệp nội địa Nga càng bị “đứt gãy”, càng dễ bị bỏ rơi, bị phụ thuộc bên ngoài.
Sự xuất hiện của TH tại Nga lúc thị trường bị cấm vận, vì thế, không có tính cạnh tranh đối đầu với các chủ thể nông nghiệp Nga mà chủ yếu là bổ sung, cung ứng và liên kết hợp tác. Đối thủ càng không có.
Tôi nghĩ không cần bàn luận nhiều về khía cạnh này. Nếu bàn thì nên quan tâm đến một góc độ khác, bởi dù nước Nga lúc đó dẫu có nhiều doanh nghiệp thì cũng không đáp ứng được nhu cầu sữa đang bị thiếu trầm trọng. Trong khi sữa là mặt hàng thiết yếu bậc nhất, thực lực nông nghiệp Nga dù có mạnh đến đâu mà không đáp ứng được nhu cầu thì sự hiện diện của TH là quá đúng lúc, tuyệt đối phải được khuyến khích.
- Thời điểm chị Thái Hương làm trang trại sữa ở Nghệ An ấy, thị trường sữa Việt Nam dường như đã phân chia thị phần khá rõ ràng, nhất là hàng loạt hãng sữa bột ngoại nhập khẩu tràn vào nước ta. Thi trường sữa nước trong nước tới 92% nhập khẩu sữa bột về pha lại… Khả năng thất bại của TH được nhiều người nghĩ đến nhiều hơn là thành công.
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Ở đây phải nhìn nhận cho công bằng. Lúc chị Thái Hương quyết định làm sữa, thị trường sữa ở Việt Nam đang cạnh tranh khốc liệt. Đặc biệt là các hãng sữa nước ngoài, chia nhau “ăn” lớn. Với thế mạnh thị trường, tài chính, đặc biệt là công nghệ và chất lượng sữa, họ áp đảo cái gọi là sữa bột “hoàn nguyên”, sữa “chất lượng cao”. Phần lớn các hãng sữa nước ngoài hay quảng cáo quá đà về sữa bột hoàn nguyên; sữa bột pha lại (mà giờ gọi là sữa tiệt trùng). Thị trường bị thống trị bởi các hãng sữa ngoại. Ngay cả Vinamilk lúc đó cũng không phải là một thế lực đủ mạnh để tạo thế cạnh tranh nội – ngoại. Còn sữa Ba Vì, Mộc Châu chỉ là sữa bán lẻ dọc đường, không phải là kênh cung ứng đáng kể cho thị trường.
Ấy vậy mà TH, doanh nghiệp tư nhân “mới toe”, lại xông vào làm sữa, với ý chí tạo lập thương hiệu cạnh tranh Việt, thì quả thật là “điên”. Nhưng sự “điên” đó làm ta liên tưởng đến hình ảnh “con nghé mới sinh không kinh gì hổ”.
Sự lựa chọn của TH hay ở chỗ: Tạo sản phẩm có đẳng cấp vượt trội bằng công nghệ vượt trội, để cạnh tranh thị phần. Đó không phải là cách cạnh tranh giành thị phần kiểu “đánh lấn” – mở rộng thị trường bằng cách tăng số hộ mua sữa hàng ngày, từ làng này sang làng khác, mà đánh thắng theo nguyên lý, bằng đẳng cấp và thương hiệu, trên phạm vi toàn thị trường. Đó là cách hành động cực kỳ can đảm, thậm chí liều lĩnh. Đã làm là phải thắng, phải tợn lắm, liều lắm và tin chắc vào mình, chứ không ai ngu gì nhảy vào lửa để tự chết cháy. Khi nhảy vào lửa rồi phải tin là mình thoát ra được, không chỉ không bị chết cháy mà còn phải trở thành phượng hoàng.
Khi TH – doanh nghiệp tư nhân tham gia vào cuộc chơi lớn, họ tin vào cách chơi, đẳng cấp và thị trường. Điều này kể lại sẽ rất dài dòng, và có lẽ chỉ chị Thái Hương mới kể được thôi (cười). Nhưng có một điều rõ ràng: TH, cùng với sữa Việt Nam, đã thắng và đang thắng.
Minh chứng là sự ra đời của TH đã đặt nền móng cho ngành sữa tươi Việt Nam, góp phần thay đổi căn bản bản chất ngành sữa, thị trường sữa từ con số 92% nhập sữa bột về pha lại (năm 2008) giờ giảm còn chưa tới 60% và tỷ lệ sử dụng sữa tươi mỗi năm sẽ tăng lên. TH bước vào ngành sữa khi ngành sữa Việt Nam chưa có tên trên bản đồ thế giới. Sau 5 năm, TH đã ghi dấu ấn với Cụm trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung công nghệ cao lớn nhất Châu Á.
TH đã lôi kéo những doanh nghiệp cùng ngành nghề cùng thi đua với nhau để sản xuất những dòng sữa tươi sạch cho người tiêu dùng. Sữa tươi sạch đã trở thành một hiệu ứng lôi kéo xã hội hướng tới chữ “sạch” trong ngành thực phẩm.
- Nhưng chị Thái Hương không chọn nơi có khí hậu phù hợp để chăn nuôi bò sữa, mà lại chọn vùng đất có khí hậu khắc nghiệt là Nghệ An. Ở cái nơi gió Lào hầm hập thổi ấy, làm gì có chuyện đồng cỏ mênh mông hiện hữu, càng khó có những con bò cho ra dòng sữa ngọt lành…
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Đúng là Nghệ An có khí hậu không thuận, nhưng vùng đất mà chị Thái Hương chọn để làm có mấy nông trường cực kỳ tốt. Đó là những nông trường quốc doanh trồng cam, café, chè, nhưng đang bị để hoang phế khi nền kinh tế tiến hành đổi mới. Lúc đầu tôi cũng nghĩ Nghĩa Đàn, nơi TH chọn để phát triển đồng cỏ và nuôi hàng trăm nghìn con bò sữa giống New Zealand, là vùng nghiệt ngã gió Lào, đất cằn sỏi đá như cách người ta vẫn nói về xứ Nghệ. Nhưng thực ra không hoàn toàn như vậy. Đất Nghĩa Đàn rất tốt, lại có quy mô lớn. Khí hậu nóng nhưng có lẽ không đến mức bị gió Lào rang cháy như người ta vẫn nghĩ. Khắc nghiệt là nói ở khía cạnh mưa bão, lũ lụt, hạn hán và giao thông kết nối.
Cách chọn của chị Thái Hương, đúng vào thời điểm những nông trường quốc doanh ở Nghĩa Đàn bắt đầu vỡ, có nguy cơ phá sản. Tình thế đó giúp TH “lấy” được quỹ đất rộng lớn mà không phải đi vận động bồi thường, đền bù cho từng hộ nông dân. Nếu chị Thái Hương không nhìn ra và không tận dụng được cơ hội đó, cứ phải đi “dân vận” từng hộ nông dân, hộ nông trường viên thì có lẽ cũng bó tay, không có TH ngày nay.
Tỉnh Nghệ An lúc bấy giờ có đội ngũ lãnh đạo ủng hộ TH mạnh mẽ. Họ ủng hộ cách làm mới, muốn Nghệ An “đổi vận”, xứng danh quê Bác Hồ. Không có lãnh đạo Tỉnh ủng hộ thì chẳng có doanh nghiệp nào khởi nghiệp được ở cái đất này, nhất là khi đụng đến ruộng đất của nông dân. Nguy cơ tai tiếng khủng khiếp lắm.
Thực ra, lúc TH đang đà lên, chị Thái Hương cũng bị mang tai tiếng về đất không ít. Nhiều người dị nghị “Thái Hương chiếm đất của dân, của nhà nước, trở thành bà địa chủ chiếm hàng chục ngàn héc-ta đất”. Bị dùng những từ ngữ mang tính giai cấp, thành phần như vậy là cực kỳ rủi ro, nguy hiểm.
- Đối với người nông dân và trong lĩnh vực nông nghiệp, chính quyền có vai trò quan trọng để làm truyền thông cho người dân, để đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp giải tỏa, giải nguy cho doanh nghiệp khi gặp sự cố. Đặc biệt, chính quyền giúp tạo ra sự yên tâm hơn cho người nông dân khi doanh nghiệp đầu tư?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Lãnh đạo tỉnh Nghệ An hiểu được điều đó, bởi cách làm của chị Thái Hương là trồng ngô, trồng cỏ, nuôi bò, tạo cơ hội làm ăn cho người nông dân, giúp họ đổi đời thực sự. Cách làm đó không phải tước đoạt việc làm và thu nhập của họ mà chuyển đổi mục đích sử dụng, đóng góp nâng cao đời sống của người nông dân.
Lúc bấy giờ, tôi có nói với lãnh đạo tỉnh Nghệ An là Nghệ An không cần “đua” với Hà Tĩnh có Fomosa, với Thanh Hóa có Khu Kinh tế Nghi Sơn đang bùng lên dữ dội. Những điểm bùng nổ đó có thể giúp tỉnh “ăn” lớn về ngân sách, nhưng môi trường sẽ có vấn đề, thu nhập người dân chậm được cải thiện. Nghệ An không việc gì phải sốt ruột. Tôi đã phát biểu điều đó khi chưa xảy ra “sự cố” Fomosa. Và tôi nói, cách phát triển lệ thuộc vào một doanh nghiệp công nghiệp “đời cũ”, tập trung phát triển công nghiệp kiểu cũ quy mô lớn chứa đựng nguy cơ rất tiềm tàng. Thực tế đã chứng minh điều đó.
Trong khi đó, Nghệ An có hình mẫu rất hay, đó chính là TH – phát triển nông nghiệp, gắn với đất đai, giải phóng người nông dân, do doanh nghiệp dẫn dắt, theo định hướng áp dụng công nghệ cao, để xử lý các vấn đề thời tiết, khí hậu khắc nghiệt. Trước đó, bò của Nghệ An to hơn con dê tí chứ mấy. Nhiều con bé tí, chỉ bằng con dê Bách Thảo hơn 1 tạ thôi (cười).
Tôi cho rằng việc TH đưa công nghệ Israel và giống bò sữa New Zealand vào, rồi hệ thống quản lý bò sữa tiên tiến nhất thế giới Afifarm của Israel; Quy trình quản lý dịch bệnh, thú y của New Zealand; Quy trình, thiết bị xử lý nước, chất thải của Nhật, Israel, Hà Lan… chính là gợi ý một mô hình phát triển hợp với xu thế thời đại, với điều kiện đặc thù của Nghệ An. Và là gợi ý cho nhiều địa phương khác nữa.
Thêm vào đó sự ủng hộ mạnh mẽ, cũng rất can đảm của chính quyền tỉnh Nghệ An. Thế là TH thành công, đặc biệt là bước đầu. Ở những bước sau, còn nhiều chuyện vất vả, phức tạp. Xúc xiểm, dèm pha đủ kiểu, bởi vấn đề dính đến ruộng đất, đến nông dân. Quan hệ lợi ích mà, theo nhóm, lại trên nền tiểu nông, nên vô cùng phức tạp.
- Chị Thái Hương phải chịu những áp lực đó như thế nào, thưa ông?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Có lần, chị ấy đã tâm sự với tôi rằng: Khó lắm anh Thiên ạ. Em là người Nghệ An, nhiệt huyết với Nghệ An như thế này, chỉ mong cho quê hương mình tốt lên mà vẫn gặp, phải chịu những khó khăn, phức tạp không đáng có. Thậm chí phải bật ra, tìm miền đất mới ngoài Nghệ An. Dự án bò sữa ở Nghệ An vẫn triển khai, vẫn tiến lên nhưng không thể làm hết sức được.
Cách làm của chị Thái Hương đã trở thành một hình mẫu. Phụ nữ can trường lắm mới làm được như thế. Và ở đất Nghệ An, khó chiến đấu lắm chứ không dễ đâu (cười). Nghệ An thuộc hàng khó nhất nhưng chị Thái Hương vẫn làm được như thế! Tôi muốn nhấn mạnh: Anh hùng là ở chỗ đó!
Đến giờ, hình mẫu ấy đang tiến triển, được nhân rộng, tuy hơi chậm.
Tất nhiên, hình mẫu không thể một lúc “ăn” ngay được, nhất là khi những trói buộc chung của thể chế, chưa được tháo gỡ triệt để. Nền kinh tế sẽ còn phải vật lộn nhiều với các trói buộc thể chế về đất đai, lao động, về thủ tục hành chính, về phân cấp phân quyền. Đó là chưa kể chúng ta còn thiếu một môi trường công khai, minh bạch.
Cái hay là nếu cấp tỉnh giúp doanh nghiệp tháo gỡ thì nhiều chuyện sẽ thuận lợi. Nhưng lơi lỏng kỷ cương, dung túng xin cho, mở rộng tinh thần sân sau là hỏng ngay. Mà có phải chỉ ở cấp tỉnh đâu. Hôm trước, khi họp Tổ tư vấn của Lãnh đạo tỉnh Nghệ An, có ý kiến nói rằng, cấp tỉnh “mở, thoáng, tích cực, quyết liệt” nhưng cấp sở, cấp huyện “vẫn đóng và trói lắm”. Doanh nghiệp hãy còn nhiều vất vả.
Tôi muốn nhấn mạnh thế này: Doanh nhân Thái Hương mở nhiều mặt trận, để tận dụng cơ hội bùng nổ và tối đa hóa sử dụng năng lực. Chị luôn luôn tìm cách mở biên đầu tư, táo bạo nhưng thận trọng. Nhưng dù mở mặt trận nào, Thái Hương cũng chọn cách chơi đẳng cấp cao và hướng tới thị trường thế giới - để thoát khỏi những giới hạn cũ.
Con đường chi đã đi gặt hái được nhiều thành công ngoài mong đợi. Vì thế, với hình mẫu Anh hùng của chị, hãy bằng cơ chế chính sách để thổi bùng xu thế này, để Việt Nam cất cánh.
- Chị Thái Hương từng chia sẻ với tôi rằng, chị muốn đề xuất đưa ra bộ chính sách cho các doanh nghiệp đặc biệt, thúc đẩy họ lôi kéo cả xã hội đi lên. Đó cũng là cách tốt nhất để tôn vinh họ. Không ai đưa nông dân Việt Nam đi lên được ngoài doanh nghiệp. Trong nông nghiệp, cùng với chủ thể truyền thống là người nông dân, giờ phải nạp thêm biến số mới, quyết định là doanh nhân – doanh nghiệp?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Lần này phong Anh hùng cho một số doanh nghiệp, doanh nhân, tôi muốn nhắc lại một điều: Các hình mẫu doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam đều chứa đựng tinh thần đổi mới, vượt thoát cái cũ rất mạnh. Nhưng nguy cơ và rủi ro cho họ lại cũng rất lớn.
Vấn đề là nhìn câu chuyện “xé rào” thế nào để có cách xử lý đúng. Nước ta cần gì - cần đổi mới hơn, cần vượt bỏ cái cũ hơn hay “giữ vững” cái cũ? Cần xác định rõ ưu tiên. Nếu không, khó lòng mà có các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo…
Một vế khác cũng cần được nhấn mạnh là phải coi những doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tư nhân ấy là thành tố quan trọng cấu thành nên “trục cốt lõi” của lực lượng doanh nghiệp Việt Nam. Không có những thế lực đó không thể tạo nên lực lượng doanh nghiệp quốc gia mạnh thực sự. Lịch sử cho thấy cường quốc kinh tế chỉ được tạo lập với các trụ cột là những doanh nghiệp quốc gia bản địa.
Đối với Việt Nam lúc này, càng mở cửa hội nhập, càng phải có những doanh nghiệp Việt vững vàng, làm cột trụ để các doanh nghiệp nhỏ và vừa bám vào, tạo thành chuỗi sản xuất Việt Nam, mang thương hiệu Việt, như TH đang làm rất thành công với các chuỗi sản phẩm sữa, nước giải khát và thực phẩm chức năng, dược liệu, nhất là những loại cây thuốc bảo vệ được rừng.
Tôi được biết, TH đã và đang khai thác triển khai dự án trồng dược liệu và thảo dược trên toàn quốc với diện tích trên 15.000ha. Với định hướng chiến lựơc và tầm nhìn sâu rộng, TH đang góp phần tạo dựng, lưu giữ hệ sinh thái rừng và làm kinh tế dưới tán rừng theo 2 phương cách: Bảo tồn và canh tác các thảo dược theo hướng hữu cơ dưới tán rừng, cải thiện sinh kế cho người dân các vùng sâu, vùng xa bằng cách làm kinh tế dưới tán rừng...
Về nguyên tắc, các doanh nghiệp tư nhân lớn – TH, FPT, Viettel, Vingroup, Trường Hải, v.v. đang định hình nền kinh tế Việt Nam theo cách đó, tạo nên những chuỗi ngành hiện đại.
Theo cách tiếp cận như vậy, không nên chỉ tuyên dương chỉ một số ít cá nhân với ý nghĩa biểu dương cá nhân. Phải coi họ là những biểu tượng của cả lực lượng doanh nhân Việt, những người đang góp sức đưa đất nước vươn lên ngang tầm thời đại.
Theo nghĩa đó, tới đây, cần và có thể phong thêm các Anh hùng – doanh nhân Việt. Doanh nhân kinh doanh đâu phải vì danh hiệu Anh hùng. Nhưng phong họ Anh hùng không chỉ là để đánh giá công lao của riêng họ mà còn là cho đất nước này, cho cả lực lượng doanh nghiệp Việt Nam anh hùng. Nên coi việc phong tặng danh hiệu Anh hùng là để tạo động lực, không nên để lọt vào đó cơ chế xin – cho, với đủ thứ hồ sơ, quy trình xét duyệt quá phức tạp, nhiều khi che lấp, lấn át các phẩm chất anh hùng của họ.
- Cách đây vài tháng, tôi có trò chuyện với TS. Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An ở Hà Nội. Ông có chia sẻ, đến giờ chị Thái Hương vẫn chưa được phong Anh hùng, bởi chị ấy không chịu làm báo cáo thành tích. Phải đi chọn những người xứng đáng được phong Anh hùng, chứ sao lại căn cứ vào đề xuất, vào báo cáo thành tích?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Doanh nghiệp làm tốt, cần được thưởng xứng đáng. Thưởng không có nghĩa là ban ơn. Phải thưởng cả danh hiệu, lẫn thưởng thật, bằng tiền, tương xứng với công lao đóng góp cho xã hội của họ. Ý tôi muốn nói là khi doanh nghiệp làm lợi cho xã hội, cho Nhà nước thì họ phải được hưởng một phần lợi ích vật chất xứng đáng; không nên chỉ ngân sách Nhà nước được lợi, còn doanh nghiệp chỉ được khen thưởng mang tính tượng trưng.
Ví dụ, doanh nghiệp làm dự án, khoán cho 100 tỷ, người ta hoàn thành tốt, vượt thời hạn và bảo đảm chất lượng, mà chỉ chi phí hết có 70 tỷ - hay chi hết 100 tỷ nhưng làm lợi cho xã hội và ngân sách Nhà nước 30 tỷ - thì phần vượt 30 tỷ đó nên dành một phần xứng đáng, 10–15 tỷ chẳng hạn, thưởng cho doanh nghiệp. Sức mạnh khuyến khích doanh nghiệp sẽ lớn gấp bội so với chỉ thưởng bằng một danh hiệu gì đó. Nó còn giúp tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh. Mà đây mới là cái đáng kể nhất của kinh tế thị trường.
Các dự án phối hợp công tư PPP nên triển khai theo cách tiếp cận lợi ích này, phát huy tác dụng sẽ rất mạnh.
- Chị Thái Hương, trong những lần tôi tiếp xúc, hoặc trên truyền thông, thường nhắc đi nhắc lại chuyện ở Việt Nam vẫn còn thiếu bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về sữa. Vì sao ta vẫn lừng khừng, mãi chưa chịu làm?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Câu chuyện quy chuẩn, tiêu chuẩn về sữa, Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đã từng dành cả một buổi thảo luận riêng với chị Thái Hương.
Nhân danh xã hội, thị trường đòi hỏi mọi sản phẩm phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn. Đòi hỏi này càng nghiệt ngã trong thời đại hội nhập quốc tế và công nghệ cao. Đối với doanh nghiệp, đây là yêu cầu mang tính sống còn. Điều này thể hiện qua cạnh tranh thị trường, qua mỗi lần Việt Nam đàm phán hiệp định thương mại với bên ngoài.
Ta còn nhớ sự kiện TV Asanzo cách đây chưa lâu, tranh cãi quyết liệt thế nào là sản phẩm Việt, rằng Asanzo có lừa khách hàng Việt không khi bán “TV made in Việt Nam” nhưng chỉ có 4-5% giá trị được tạo ra tại Việt Nam. Trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập, chuỗi sản phẩm trải khắp thế giới, Việt Nam chỉ giỏi môn lắp ráp, đóng góp giá trị sản phẩm không nhiều, tiêu chuẩn định nghĩa sản phẩm Việt Nam lại không có nên khó bắt bẻ được Asanzo. Khi không có tiêu chuẩn thì đành chịu vậy thôi (cười).
Không có tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm, trên thị trường, sản phẩm sẽ dễ bị làm giả, còn người tiêu dùng và cả doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng rất khó được bảo vệ. Có quy chuẩn, tiêu chuẩn, có thể doanh nghiệp vẫn làm giả, nhưng sẽ phải khác đi, hạn chế hơn rất nhiều. Vì họ đối diện với luật lệ, với sự nghiêm minh của pháp luật, phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn của chính các tiêu chuẩn, quy chuẩn, thông qua các doanh nghiệp khác và người tiêu dùng.
- Không có tiêu chuẩn, quy chuẩn thì cãi bằng trời…
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Nếu như thế, sẽ có vấn đề rất lớn về thể chế, về việc thiết lập cuộc chơi.
Ngay từ đầu đã tiếp cận chuẩn mực quốc tế, nhất là sữa tươi sạch, nên TH đòi Chính phủ phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn sữa Việt sớm và rõ. Chị Thái Hương nói với tôi đây không phải là đòi cho riêng TH, cũng không riêng cho ngành sữa, mà cho cách chơi thị trường theo thông lệ quốc tế của sản phẩm Việt Nam.
Việt Nam có 10 sản phẩm quốc gia thì ít nhất phải có 10 bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm. Gạo phải có tiêu chuẩn của gạo, nước mắm phải có tiêu chuẩn của nước mắm, chứ lơ mơ cả thì bát nháo, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng sẽ tràn lan.
Có một ví dụ điển hình gắn với chủ đề này là Chương trình sữa học đường do chị Thái Hương là (một trong những) người khởi xướng. Nhiệm vụ của Chương trình là cung cấp sữa tốt cho học sinh cấp 1, có mục tiêu là nâng cao tầm vóc và trí lực trẻ em Việt. Nhưng muốn đáp ứng được yêu cầu đó thì sữa học đường phải tốt, phải có tiêu chuẩn, tiêu chí cao. Rất tiếc, quy tắc này không được tôn trọng đầy đủ khi Chương trình triển khai.
Sau này, báo chí đưa tin ở nhiều trường, phụ huynh phản đối sữa cung cấp cho học sinh không bảo đảm chất lượng. Đây là một ví dụ rõ ràng về tầm quan trọng của tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm quốc gia, nhất là đối với những sản phẩm có tầm quan trọng chiến lược quốc gia, dân tộc.
Cái hay là khi có tiêu chuẩn, quy chuẩn rồi, Nhà nước sẽ đỡ rất nhiều trong khâu kiểm soát. Khi đó, doanh nghiệp phải “dễ” tự chịu trách nhiệm về sản phẩm mình đăng ký. Bởi phải đúng chuẩn thì mới được đăng ký. Nếu sai, doanh nghiệp sẽ “đi ngay”, mà là “đi rất xa” chứ không phải chỉ chịu phạt chơi chơi.
Khi có hệ tiêu chuẩn sản phẩm rõ ràng, doanh nghiệp cơ bản là tự chịu trách nhiệm. Họ sẽ có trách nhiệm và công cụ để phát hiện đối thủ làm hàng giả, vi phạm tiêu chuẩn, quy chuẩn, nhiều khi không cần đến Nhà nước.
Cách tiếp cận đó sẽ làm cho thị trường minh bạch hơn. Rất tiếc là cho đến nay, câu chuyện chưa tiến triển được bao nhiêu.
Có lẽ, do Nhà nước bận nhiều thứ quá, có nhiều thứ quan trọng hơn chăng? Từ góc độ chức năng Nhà nước với thị trường, tôi không biết có thứ nào quan trọng hơn tiêu chuẩn, quy chuẩn. Nhưng tôi nghĩ đây là vấn đề thể chế quan trọng bậc nhất rồi. Lĩnh vực giáo dục là một ví dụ điển hình.
Do thiếu tiêu chuẩn đo lường, đánh giá thực chất chất lượng giáo dục, nên chất lượng sẽ không được định hướng ưu tiên, dẫn tới tình trạng “bằng thật - học giả”, “bằng giả - học thật” lẫn lộn. Mà khi sản phẩm giả thì sẽ đến người cũng giả. Cùng một cơ chế mà. Phải có tiêu chuẩn chứ nếu không, sản phẩm hỏng, người cũng hỏng.
- Lý do thực sự của việc chậm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn đó là gì?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Phải thấy rằng, nền kinh tế của Việt Nam còn quá manh mún, li ti và đẳng cấp thấp. Bây giờ, nếu đưa ra bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn đó, nhiều ông cũng “xiêu vẹo”. Tôi đã nhiều lần nói như TH, hay như VinFast, là những doanh nghiệp đặt mục tiêu làm sản phẩm với chuẩn công nghệ thế giới, thậm chí, cao nhất thì có gì họ phải sợ. Nhưng với các doanh nghiệp nhỏ, hoặc những doanh nghiệp làm ăn không chân chính, thì sẽ thốt lên: Nếu thế thì em chết, em mà theo chuẩn WTO và EVFTA thì em gay, thư thư chút đã, v.v… (cười)
Nhà nước khó làm là bởi thế. Nhưng đó là việc phải làm. Phải đặt ra lộ trình xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn cho từng loại sản phẩm. Trước hết, phải ưu tiên cho các sản phẩm trọng điểm quốc gia, ví dụ, sau 3 năm phải xong, rồi đến các sản phẩm khác, 5 năm, 7 năm sau. Mà phải làm ráo riết, nếu không sản phẩm Việt Nam sẽ bị loại khỏi sân chơi thế giới.
Ở ta, hệ tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm quốc gia chưa được đặt thành mục tiêu thể chế ưu tiên quyết liệt, vì thế lộ trình không xác định, cứ à uôm mãi. Doanh nghiệp Việt Nam chậm lớn bởi sống trong môi trường tương đối “thoải mái”, thật giả lẫn lộn.
Không thể nào nhân nhượng được mãi với tình trạng đó. Dứt khoát phải làm, trong 3 năm, 5 năm hay 10 năm, phải xong, nếu không đạt là “ăn đòn”.
Như câu chuyện thải loại xe máy cũ ra khỏi lưu thông. Phải đặt ra mục tiêu cụ thể, theo tiêu chuẩn “tuổi xe”, có lộ trình cấm dùng từng bước chứ không phải cấm theo kiểu “đánh đùng”. Sau 5 năm, những xe máy nào có niên hạn sử dụng trên 10 năm hay 15 năm là phải cho “nhập kho”, thải loại. Nhưng cách làm của ta thường theo lối “đánh đùng”, “ngay và luôn” nên thường bị dân phản đối, dễ trở nên vô hiệu. Chỉ có một số loại cấm như vậy được thôi, như đốt pháo chẳng hạn. Đa số còn lại phải theo chuẩn và có lộ trình.
Phải có lộ trình để thích nghi. Người Việt Nam thích nghi giỏi, nhưng ta lại hay hành động giật cục, dễ gây bất ổn và mất lòng tin. Cách xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm cũng phải như thế. Không nên nhân nhượng quá lâu với sự yếu kém, càng không được thỏa hiệp với cái sai, cái giả. Lộ trình đó phải đi kèm với những biện pháp mạnh cao, người dân sẽ tự giác chấp nhận hơn.
- Trong quá trình Tổ tư vấn của Thủ tướng làm việc với chị Thái Hương, rồi sau đó chắc chắn sẽ có những kiến nghị lên Thủ tướng, còn có điều gì giằng xé về mặt lợi ích giữa các doanh nghiệp không, thưa ông?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Nếu có, thì điều đó thường gắn với những ý kiến đề xuất của các Hiệp hội sản phẩm, ngành hàng. Tuy nhiên, ý kiến từ phía Hiệp hội dễ nghiêng theo những kiến nghị, đề nghị hoãn, lùi, kéo dài, hơn là thúc đẩy nhanh việc xây dựng và thực thi các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế.
Tôi cảm thấy có ý tứ lợi ích nhóm, nhưng nhân danh bảo vệ cộng đồng yếu kém khi các Hiệp hội hành động như vậy. Lý do đó dễ được chấp nhận và cũng có những cơ sở hợp lý. Những không thể cứ nê theo đó mà lùi mãi được.
Tôi nhấn mạnh rằng, Việt Nam đi sau, chuẩn mực của thế giới có rồi, ta chưa đạt được chuẩn mực cao nhất thì cứ “nới” một chút về thời hạn, ví dụ 10 năm sẽ đạt thay vì 7-8 năm, chia làm 3 nấc, cứ 3 năm tăng 1 bậc. Cứ thế tiến như vậy, tuy chậm nhưng chắc chắn sẽ đạt chuẩn mực cao. Tại sao không làm như vậy? Có lộ trình giám sát, có chuẩn thực thi thì các doanh nghiệp làm thật sẽ tự bảo vệ được mình, sẽ góp phần phát hiện ra những doanh nghiệp làm sai. Đó cũng là cách để Nhà nước thực hiện được trách nhiệm bảo vệ môi trường kinh doanh.
- Từ hàng chục năm trước, chị Thái Hương đã kiêu hãnh và tự tin nói rằng, mình… không có đối thủ. Và rằng, sữa của TH là sữa sạch. Cả thị trường như “lên đồng” sau phát ngôn ấy. Bởi nếu sữa của TH là sữa sạch, không nhẽ sữa của người khác là bẩn? Mà thương hiệu vừa ra, nói không có đối thủ chẳng phải là quá tự mãn hay sao?...
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Tôi thấy cái lý sự “sữa của chị là sữa sạch, không nhẽ sữa của người khác là bẩn” đã tạo ra một thế cạnh tranh đối đầu không đúng và không đáng. Khẳng định “sữa của tôi sạch” không có nghĩa phủ nhận các loại sữa khác, cho rằng chúng đều không sạch.
Khẳng định đó chỉ đưa ra một thách thức rất thị trường: Phải dám khẳng định và hãy chứng minh sữa của mình là sạch! Thách thức đó ngược lại với tư duy cạnh tranh truyền thống của Việt Nam.
Trong tư duy cạnh tranh “truyền thống” của Việt Nam, mục tiêu cạnh tranh không phải chủ yếu để vươn lên, thắng đối thủ bằng cách vượt họ mà là kéo đối thủ xuống thấp hơn mình, chí ít cũng phải xuống thấp ngang mình.
Thấy nhà hàng xóm có đàn gà tốt mà gà nhà mình cứ èo uột thì ghen tỵ, chỉ mong cho đàn gà nhà hàng xóm mắc dịch, hay tìm cách phá.
Bản chất không phải là cạnh tranh vươn lên, mà là hạ đối thủ xuống. Tư duy đó vẫn nặng lắm, chưa gột bỏ được đâu.
Thay đổi cách tư duy này quan trọng lắm.
Làm sao tinh thần đua tranh vượt lên, mong muốn trở thành người giỏi nhất phải thấm đẫm trong giáo dục nhà trường và trong cạnh tranh thị trường của Việt Nam trong giai đoạn tới.
- Cơn khủng hoảng sữa nhiễm melamine đã thúc đẩy chị Thái Hương quyết chọn “khởi nghiệp” với ngành sữa. Và khi mà không ít doanh nghiệp Việt chọn cách “đánh quả”, dốc tiền vào đất đai, bất động sản để thu lời nhanh thì chị lại chọn con đường nông nghiệp công nghệ cao, cũng gắn bó với đất nhưng theo một cách khác, cũng rủi ro nhưng rất khó thu lời. Đến nay, chị đã khẳng định thành công bước đầu. Thưa ông, điều này đã tạo nguồn cảm hứng thế nào cho các doanh nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp ngày nay?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Tôi không biết cảm hứng đó có mạnh không, nhưng hình ảnh một doanh nghiệp can đảm, tiên phong như TH là rất đáng kỳ vọng, có thể và cần được tạo thành một hình mẫu cho tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp sáng tạo.
Tất nhiên, phải nói rằng, TH là hình ảnh tốt. Nếu được chính quyền cũng như truyền thông khai thác khía cạnh tích cực, đầy đủ hơn, thì sức cổ động hình ảnh của TH, của chị Thái Hương và của tất cả những tấm gương kinh doanh tốt sẽ tốt hơn rất nhiều.
Hiện nay, tôi cho rằng phần cổ động đó còn yếu. Vì nhiều lý do, chúng ta còn e ngại các tấm gương làm giàu.
Dĩ nhiên, không nên lăng xê quá lố, cũng không nên tập trung cổ động cho một người, rủi ro lắm.
Thật ra, đây là câu chuyện văn hóa chứ không phải là ác ý. Việc cổ động cho doanh nghiệp – doanh nhân ngày nay, cho các tài năng kinh doanh, cho những người giàu, cho năng lực sáng tạo cần phải bắt đầu trên một nền tảng mới, từ thái độ thiện chí đối với doanh nghiệp tư nhân, nghĩ về người giàu cởi mở, không coi họ là những kẻ làm giàu bất chính, bóc lột tàn ác, đáng bị loại bỏ. Xã hội phải coi giàu có là một tiêu chuẩn cần phấn đấu để đạt đến; người giàu phải được kính trọng và yêu mến. Đảng ta cũng phấn đấu cho “dân giàu” mà.
Tất nhiên, cũng phải nói làm giàu dễ có vết bẩn, đặc biệt là nếu cơ chế xã hội méo mó, lệch lạc. Để khắc phục điều này, vận hành xã hội chí ít phải có hai yếu tố. Một là cơ chế công khai, minh bạch, để làm giàu có thể là đàng hoàng và chính đáng. Khi đó, điểm thứ hai: Xã hội sẽ coi làm giàu đúng nghĩa là vinh quang - chứ không phải là nghèo khó.
Giàu có là điều kiện để con người phát triển nhân cách. Mình phải tạo ra môi trường để sự làm giàu đó là xứng đáng. Chỗ này tinh tế lắm. Ta chưa thoát khỏi chuyện kỳ thị, phân biệt đối xử giàu – nghèo. Người nghèo còn đông, mà người giàu thì còn quá ít, trong khi như từ xưa đến nay, “thâm căn cố đế” ta vẫn cứ sống với luận điểm “người giàu bóc lột người nghèo”, với cái tâm lý thù địch, đối địch, đối kháng giữa người giàu và kẻ nghèo.
Kinh tế thị trường khuyến khích mọi người làm giàu. Nhưng Nhà nước phải tạo ra cơ chế bảo đảm sự làm giàu đàng hoàng, không nhờ xin – cho, không bằng “trấn lột”.
Ngay khái niệm lao động thông thường vẫn dễ bị hiểu phiến diện. Ta chủ yếu nói lao động chân tay; còn lao động quản lý, điều hành, chỉ huy bị liệt vào loại “ăn trên, ngồi trốc”, cơ bản thuộc “thành phần bóc lột”. Giờ đây, khi đã chuyển sang kinh tế thị trường, sang thời đại công nghệ cao, sống dựa chủ yếu vào trí tuệ, vào năng lực sáng tạo, làm giàu dựa nhiều vào tài năng chiến lược và quản trị điều hành thì cách nhìn về giá trị lao động phải thay đổi, không thể thiên về cách nhìn cũ.
Để tạo ra sức mạnh cổ động thì phải từ những nền tảng như vậy, chứ không thể chỉ tuyên truyền “suông”, ra sức giả thích “đạo lý làm giàu chân chính”, nhiều khi phản tác dụng. Phải bắt đầu từ những khái niệm nền tảng. Và đó là câu chuyện đất nước này mắc nợ tương lai, phải làm thật sớm, nếu không tương lai sẽ đến muộn. Người ta sẽ tiếp sợ làm giàu, không dám làm giàu, và rất khó làm giàu chính đáng.
Cách tuyên truyền tốt nhất là tạo ra cơ chế công khai, minh bạch. Công khai minh bạch để người ta làm giàu một cách đàng hoàng, mọi người đều có quyền tiếp cận cơ hội.
- Cùng là một hộp sữa tươi, nhưng hai vị Tổng thống của cường quốc được coi là hình mẫu của ý chí, sáng tạo và khởi nghiệp Israel, lại chứng kiến hai dấu mốc lớn của nữ doanh nhân Thái Hương.
Năm 2011, vị tổng thống đoạt giải Nobel hòa bình Simon Peres đã thích thú cầm hộp sữa tươi sạch TH true MILK thưởng thức. Giữa trụ sở của tập đoàn TH, ông nhận định: “Tôi đi 52 nước trên thế giới nhưng dự án sữa của tập đoàn TH là ấn tượng nhất. Dự án TH true MILK đã khởi xướng cuộc cách mạng sữa tươi tại Việt Nam”. Năm 2017, cũng tại Hà Nội, ngay trước mặt hàng chục quan chức, báo chí, sau khi cầm và uống hộp sữa tươi sạch TH do chủ tịch Thái Hương mời, vị Tổng thống đương nhiệm Israel - Ngài Reuven Ruvi Rivlin đã cười rất tươi và nói ngắn gọn: “Tuyệt vời”.
Những lời đánh giá từ hai vị Tổng thống của Israel gợi cho ông suy nghĩ gì?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: 6 năm, sữa TH true MILK có thêm nhiều sản phẩm định dạng. Trong 6 năm đó, TH đã có những bước tiến dài trên con đường phục vụ sức khỏe người Việt, nâng cao tầm vóc – trí lực người Việt và cả đáp ứng nhu cầu thế giới. Cũng chỉ mất 6 năm từ ngày đặt viên gạch xây dựng đầu tiên (2009), TH true MILK đã vươn lên đỉnh châu lục bằng việc xác lập kỷ lục "Trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn nhất châu Á". 6 năm, từ một người hầu như không có một chút kiến thức nào về sữa, trở thành người tiên phong tạo ra cuộc cách mạng sữa tươi và lọt vào danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á của Forbes. Còn hôm nay, thêm một dấu mốc nữa: Danh hiệu Anh hùng lao động của Việt Nam.
Đó là chân dung Thái Hương – đi qua quãng thời gian ngắn giữa hai lời nhận xét của hai vị Tổng thống Israel.
Với sự nhận diện đó, tôi chỉ muốn nói rằng Việt Nam đã cung cấp thêm một xác nhận tuyệt vời cho một nguyên lý phát triển hiện đại: Đi sau, có thể vượt trước, miễn là… Và chính Thái Hương là người xác nhận sự “miễn là” đó.
Không chỉ sở hữu chiếc chìa khóa vàng trong nông nghiệp, chị Thái Hương còn tra vào ổ khóa vàng trong lĩnh vực y tế bằng cách hợp tác với Israel. Bắt tay với Israel, không chỉ là bắt tay với đất nước sở hữu công nghệ cao, mà còn được truyền cảm hứng từ những người có khát vọng và ý chí ghê gớm, giống hình ảnh “cây thông sống trong điều kiện rất khắc nghiệt, vẫn sống hiên ngang, xanh tốt” như ví von của Ngài Tổng thống Reuven Ruvi Rivlin trong Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Israel.
Có lẽ, người Việt Nam nhận diện Israel như một đối tác hoặc như một hình mẫu khởi nghiệp cũng sớm chứ không phải riêng chị Thái Hương, riêng TH. Nhưng quả thật, TH làm điều ấy một cách có ý thức và bài bản, ý thức về công nghệ cao, ý thức về học tập, tiếp thu. Đi sau học hỏi để vươn lên và học thì chỉ có thể học người giỏi nhất.
Chị Thái Hương chọn giống bò tốt nhất thế giới, của NewZealand, rồi kinh nghiệm khởi nghiệp của Israel, mời chuyên gia Israel về tận nơi và trả tiền cao. Cũng vì thế mà chị Thái Hương nhận được sự tài trợ rất ý nghĩa từ Israel.
Cần nói thêm đôi lời về Israel – đất nước được người Việt Nam nhận diện là một đối tác đáng tin cậy, một hình mẫu phát triển - khởi nghiệp nhất thiết phải học. Không phải riêng chị Thái Hương, riêng TH làm như vậy mà là nhận thức chung của người Việt Nam. Nhưng có một khác biệt thực tiễn ở đây: TH học Israel và làm thật, một cách có ý thức và bài bản, với sự hỗ trợ trực tiếp về vốn, công nghệ và nhân lực của Israel.
Có lẽ đây là nguyên nhân vừa trực tiếp, vừa sâu xa giải thích sự thành công của TH. Không phải tự nhiên và tình cờ mà hai vị Tổng thống đến Việt Nam thăm TH, làm việc với TH với tư cách là người bảo trợ.
Tôi cho rằng, ít nhất, những hành động như của chị Thái Hương hay Đặng Lê Nguyên Vũ cũng đã góp thêm một tiếng nói có ý nghĩa trong sự lựa chọn tiên phong đúng đắn ở Việt Nam. Cùng với họ và tiếp sau họ, nhiều người Việt Nam đã đi thăm, hợp tác với Israel và học được nhiều điều có ý nghĩa.
Cần phải phát huy điều này lên hơn nữa, lên tầm cấp cao nhà nước chính thức. Khi đó, sức cổ động và hiệu quả thực tiễn còn tăng lên gấp bội.
Việt Nam và Israel có lịch sử khá đặc biệt. Từ năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng đầu tiên của Israel David Ben Gurion đã gặp gỡ tại Paris (Pháp) và cùng chia sẻ những hoài bão, ước mơ về giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Và rồi, Bác Hồ và Thủ tướng Ben Gurion đã trở thành những người bạn.
Sau này Tổng thống Israel đã sang Việt Nam hai lần, nhiều đoàn của Israel cũng sang thăm Việt Nam và ngược lại. Nhưng Việt Nam, cấp cao thì mới chỉ là Ủy viên Bộ chính trị.
Tôi nghĩ, theo đúng nghĩa tiếp cận đỉnh cao của phương thức phát triển thì cách này rất hay: Phát triển giữa vòng vây các nước lúc đầu thù địch và giờ hóa giải được hết.
Việt Nam phải có những biểu tượng có tính quốc gia, định hình rõ nét, như cách làm của TH thì sẽ hay hơn.
- Không chỉ đầu tư ở Nghệ An, chị Thái Hương còn tới Sơn La, Lâm Đồng, tới Hà Giang, Thái Bình, rồi Phú Yên… Chị bảo, căn bếp cần có gì, thì TH sẽ cung cấp cái đó. Rau quả có, gạo có, mắm muối có… Bởi nếu Việt Nam là bếp ăn của thế giới, thì chị muốn là một “người nội trợ tử tế”, cung cấp những sản phẩm tốt nhất, tươi ngon nhất cho người tiêu dùng Việt. Rằng “vòng đời” của con người cần gì, chị sẽ làm cái đó.
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Đấy là triết lý vì con người, vì đất nước Việt. Ý tưởng đó, tôi không biết có định hình từ đầu không, nhưng gần đây, khi tiếp xúc với chị Thái Hương, tôi thấy chị hay nói đến điều đó.
Với tôn chỉ vì cuộc sống các gia đình, vì con người, TH đang cung cấp nhiều loại thực phẩm, dược phẩm chất lượng cao. Bây giờ tôi thấy đa số những thứ bếp ăn một gia đình cần, TH đều có thể cung cấp, toàn thứ chất lượng cao. Các loại sữa, rồi men tiêu hóa… đều là những thứ đặc biệt. TH không chỉ giúp mọi người ăn mà còn giúp họ tiêu hóa (cười).
Tôi từng sang Dubai, khi tham quan Hội chợ triển lãm nông sản quốc tế, đã chứng kiến một người khách Ả Rập đi khảo sát, đánh giá hàng hóa nông sản để ký kết hợp đồng mua bán. Ông khách này khá khó tính. Ông vào khu trưng bày hàng Việt Nam, trong đó có các sản phẩm sữa TH. Tôi đứng xem, thấy ông khách xem xét và nếm thử các loại sản phẩm Việt. Mỗi sản phẩm ông nếm một tý. Riêng món sữa chua men sống tốt cho hệ tiêu hóa của TH, tôi nhận thấy ông ta đặc biệt thích thú, ăn hết lọ này đến lọ khác, chứ không phải nếm thủ cho biết. Sau đó, ông ta khen ngon. Sau này, khi có dịp hỏi chị Thái Hương, tôi mới được biết, đó dòng sữa chua sử dụng men tiêu hóa thuộc loại tốt nhất mà TH rất tự hào.
Giờ TH còn sản xuất nhiều loại nước uống thảo dược, nhiều loại thực phẩm chức năng có tác dụng tốt cho sức khỏe. Gần đây, TH còn khôi phục và phát triển giống lúa huyết rồng đặc biệt, trồng ở Yên Thành, Nghệ An. Cách đây mấy hôm, chị Thái Hương còn tiết lộ sắp làm thêm nước mắm, còn nói đùa sẽ biếu vài chai ăn thử trước (cười). Đại loại là, tất cả những sản phẩm mà TH phát triển, đều hướng tới phục vụ con người, tốt cho sức khỏe con người, vì sức khỏe của cộng đồng. Mà sức khỏe cộng đồng sẽ góp phần nâng tầm vóc và sức mạnh của dân tộc.
Tôi nói không phải quảng cáo nhưng đúng là cách hành động của chị Thái Hương rất đáng tin cậy.
- Tôi từng tiếp xúc với chị Thái Hương vài lần, có cảm nhận rằng, chị là người có lòng thương người, hay đồng cảm với người khác. Nhưng đó cũng là người thẳng thắn, cương trực và quyết liệt. Nghĩa là đầy “chất Nghệ”. Là đồng hương với chị Thái Hương, cùng là thành viên của Tổ tư vấn của lãnh đạo tỉnh Nghệ An, “gần” chị Thái Hương như vậy, ông cảm nhận ra sao về điều này?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Chị Thái Hương là người thẳng thắn, nhiệt huyết, trong sáng và đàng hoàng. Lại có năng lực và bản lĩnh. Đó là những phẩm chất để thành công. Chị còn có pháp danh Diệu Huệ, với tâm hướng Phật.
Ở đây, tôi muốn cung cấp thêm một góc nhìn thế này: Tất cả hoạt động kinh doanh đều để làm giàu, nhưng để làm giàu được thì phải phục vụ con người. Chị Thái Hương không làm giàu bằng mọi giá, không chà đạp lên các giá trị; trên tinh thần phục vụ xã hội, phục vụ con người nhưng không phục vụ theo kiểu nói suông mà là phục vụ đầy tinh thần trách nhiệm.
Làm từ thiện nhiều nhưng triết lý cốt lõi là: Làm sản phẩm tốt vì con người mới là cốt lõi từ thiện.
Chị tài trợ đội bóng, chị giúp nông dân, tài trợ cho các hội nghị, hội thảo, cứu trợ đồng bào lũ lụt… Có thể nói rằng, tính nhân văn trong hoạt động của TH, trong bản thân con người chị Thái Hương là rất đậm.
Tôi nghĩ rằng, đa số doanh nhân Việt Nam hiện nay đều có đậm phẩm chất này.
Nhưng tôi muốn chúng ta nhìn nhận điều này ở một góc độ khác. Tôi thấy doanh nhân, doanh nghiệp bị huy động để “tài trợ” nhiều quá. Có tình trạng lạm dụng doanh nghiệp để kiếm tài trợ, bào mòn thực lực và làm cạn kiệt nguồn lực cần cho phát triển của họ. Điều gì cũng phải có giới hạn. Lạm dụng tài trợ của doanh nghiệp là không nên.
Phải tạo điều kiện để họ lớn nhanh, trở thành thế lực cạnh tranh quốc gia, thực hiện sứ mệnh góp phần đưa đất nước thoát nhanh tụt hậu. Đó mới là điểm mấu chốt.
Doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam có sứ mệnh gay gắt, khó khăn lắm. Họ phải làm trụ cột của một nền kinh tế đi sau, yếu kém, chủ lực cạnh tranh với thế giới. Phải tập trung cho họ để hoàn thành sứ mệnh chính trị - xã hội lớn lao đó, thay vì tận thu nguồn “từ thiện” của họ. Tất nhiên từ thiện là quý, nhưng doanh nghiệp làm từ thiện quá sức sẽ chậm trưởng thành, khó lớn dậy, khó có sức mạnh cạnh tranh quốc tế, mục tiêu lực lượng doanh nghiệp Việt mạnh sẽ trở nên xa với hơn. Mà đây mới đích thực là điều quan trọng nhất ở tầm chiến lược quốc gia.
Làm từ thiện là nhân văn. Nhưng phải giúp doanh nghiệp lớn nhanh, để làm trụ cột cho đất nước phát triển, tạo nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động – đó đích thực là nhân văn cao nhất.
Tôi nghĩ rằng, các doanh nhân Việt Nam nên ý thức chuyện đó một cách sâu sắc. Họ nên khước từ những hành vi “nạo vét” từ thiện, vì lợi ích chung, vì đại cục (cười).
- Tại hội nghị “Cải thiện năng suất lao động quốc gia” năm 2019, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Việt Nam đang có tốc độ tăng năng suất lao động nhanh và cao hơn so với các nước trong khu vực. Trước đây, trong cơ cấu lao động, lĩnh vực nông nghiệp chiếm tới 70-75%, nhưng hiện nay chỉ còn chiếm 35-37%. Nông nghiệp vẫn là lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế, do đó bên cạnh việc giảm bớt số lượng lao động, điều tối quan trọng để duy trì vị thế của nông nghiệp Việt Nam là phải cải thiện năng suất. Thủ tướng nhận xét: “Muốn nông nghiệp phát triển, năng suất cao, chúng ta cần 100 nhà làm nông nghiệp như bà Thái Hương”. Lời nhận xét này hàm ý điều gì, thưa ông?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Câu nói đó xác nhận tư thế của Thái Hương, nhưng là để thể hiện ý chí, mong muốn của Thủ tướng.
Đúng là Việt Nam có những điều kiện để trở thành một “cường quốc nông nghiệp”, nhưng phải là cường quốc hiện đại. Khi đó, giá trị cách làm làm của Thái Hương, vị thế của TH sẽ được định hình, có lẽ đúng như Thủ tướng xác định. Việt Nam có đặc sản, đặc hữu và thế mạnh để phát triển nông nghiệp. Nhưng Việt Nam cũng cần công nghệ cao, cần doanh nghiệp có ý chí và khát vọng toàn cầu để trở thành một “cường quốc nông nghiệp hiện đại”. Lúc đó, việc cần 50 hay 100 nhà làm nông nghiệp như chị Thái Hương sẽ dễ hình dung hơn.
Sẽ không phải là doanh nghiệp nông nghiệp nói chung mà phải là doanh nghiệp công nghệ cao. Nông nghiệp Việt Nam hiện tại chỉ chiếm có 15% GDP. Tới đây, phần đó còn giảm xuống. Nhưng khi đó, nông nghiệp sẽ hòa vào công nghiệp – công nghệ cao, gắn bó với du lịch, dịch vụ. Doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp, vì thế, cũng sẽ biến đổi, đa dạng hóa, toàn cầu hóa và đẳng cấp hóa, đúng theo cách như TH hiện đang trở thành.
Có lẽ ý Thủ tướng nói cần 50-100 doanh nghiệp như TH có nghĩa như vậy.
Nhưng làm sao để có 50 hay 100 doanh nghiệp đó mới thực sự là vấn đề.
- Quay trở lại câu chuyện của ngày hôm nay. Quả thật, phẩm chất anh hùng trong mỗi cá nhân tiềm ẩn trong bản ngã của họ – khi hoàn cảnh xã hội thúc bách, nó sẽ được tỏa sáng. Chị Thái Hương – người được hun đúc lên từ những thời khắc khốc liệt, sẽ luôn mong muốn tỏa sáng và được chia sẻ cùng cho xã hội.
Ông muốn nói điều gì khi ngày hôm nay, chứng kiến chị Thái Hương được phong Anh hùng?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Việc phong tặng danh hiệu Anh hùng cho chị Thái Hương, định vị một tọa độ định hướng cho các doanh nghiệp phát triển. Đó là cách làm, ý chí, khát vọng phát triển phải được lan tỏa và nhân rộng. Phải khích lệ, cổ động tư duy, cách thức làm nông nghiệp - công nghệ cao và thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0, tư duy kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Đừng quan trọng hóa quá mức tên tuổi riêng của TH hay của chị Thái Hương. Nhưng cần làm cho những phẩm chất và năng lực của chị Thái Hương trở thành tọa độ định hướng cho việc phát triển doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn kinh tế tư nhân.
Đó là thứ mà đất nước đang cần có, phải được khuyến khích và thúc đẩy. Đất nước đang cần những con người như chị Thái Hương, những doanh nghiệp như TH! Nhưng hãy đừng để qua một lần phong tặng danh hiệu này, các bậc anh hùng trở nên "đơn độc" hơn!
Điều đó hàm ý là, từ câu chuyện của TH, của chị Thái Hương, ở cả khía cạnh thúc đẩy chính sách và bình diện xã hội, cần nhiều hơn nữa những doanh nghiệp, doanh nhân có khát vọng và cùng đồng hành với chị Thái Hương nâng tầm vóc của dân tộc Việt Nam.
- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này. Và xin được chúc mừng nữ Anh hùng lao động Thái Hương!