Aa

Thái Nguyên: Nhiều quan chức “góp sức” cho dự án chết yểu?

Thứ Ba, 19/03/2019 - 15:30

38ha đất “bờ xôi ruộng mật” ở "Thủ đô gió ngàn" bị bỏ hoang mấy vụ mùa, gây thiệt hại không chỉ về kinh tế cho người dân, mà cả tư tưởng, niềm tin và nhiều thứ khác!

Nguyên nhân do đâu? Phải chăng do những người có trách nhiệm của tỉnh Thái Nguyên còn non kém về nghiệp vụ, thậm chí có dấu hiệu “góp sức”, “điểm phấn, tô son” hồ sơ, để giúp một doanh nghiệp chưa đủ năng lực tài chính, Chủ tịch HĐQT đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự được chấp thuận chủ trương thực hiện dự án 1.337 tỷ đồng? 

Liên quan tới hai đời chủ tịch tỉnh

Tháng 4/2015, UBND tỉnh Thái Nguyên nhận được tờ trình của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng Hồng Long (Công ty Hồng Long), về việc đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án khu nhà ở xã hội, trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp Hồng Long (sau đây gọi là Dự án), ở xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên.

Hơn 3 tháng sau (ngày 10/7/2015), Thường trực Ban Chỉ đạo một cửa liên thông, có Văn bản số 909/SKHĐT-MCLT, do Phó trưởng ban Thường trực, Giám đốc Sở KH&ĐT Đặng Xuân Trường ký, gửi UBND tỉnh Thái Nguyên về việc đề nghị báo cáo Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương về Dự án.

Một góc Dự án

Một góc Dự án khu nhà ở xã hội, trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp Hồng Long ở xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Tại văn bản này, một viễn cảnh đẹp như mơ được vẽ ra: Dự án có tổng mức đầu tư 1.050 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích khoảng 29ha; bao gồm 8 tòa nhà ở xã hội, mỗi tòa 6 tầng, dạng nhà ở chung cư, với diện tích khoảng 1.500m2/sàn; một trung tâm thương mại tại trung tâm Dự án, với diện tích sàn khoảng 5.000m2; nhà hàng, khách sạn 5 tầng phục vụ nhu cầu các chuyên gia phục vụ tổ hợp Samsung Thái Nguyên cùng nhiều hạng mục khác.

Sau khi hoàn thiện, đưa vào sử dụng, dự kiến Dự án sẽ cung cấp khoảng 600 căn hộ nhà ở xã hội, 50 căn biệt thự và khoảng 200 lô đất phục vụ nhu cầu nhà ở cho Khu công nghiệp Yên Bình; tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động trong lĩnh vực xây dựng trong và ngoài thị xã Phổ Yên; góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, đồng thời góp phần tạo nên một quy hoạch đồng bộ của khu vực thị trấn Ba Hàng, cũng như quy hoạch chung của thị xã Phổ Yên.

Báo cáo về chủ đầu tư, ông Đặng Xuân Trường nói rất... hay: “Công ty Hồng Long là công ty có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thi công xây dựng dân dụng... Hiện tại, công ty đã ký hợp đồng vay vốn tín dụng trị giá 60 triệu USD với Tập đoàn The Tree Group LLC của Hợp chủng quốc Hoa kỳ, và đã được Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông - Chi nhánh Thăng Long có cam kết bảo lãnh tại Văn bản số 92/CV-OCB ngày 16/5/2015. Công ty đã được Sở Tài chính thẩm định, có Văn bản số 1130/STC-QLG ngày 15/5/2015, nhất trí về chủ trương thực hiện dự án”.

Từ những thông tin này, một dự án chết yểu, liên quan tới 2 đời chủ tịch tỉnh Thái Nguyên, đã xuất hiện. Cụ thể, ngày 22/8/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Ngọc Long đã ký, ban hành Quyết định số 2195/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương cho Công ty Hồng Long đầu tư Dự án.

Ông Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên tại một cuộc họp. Nguồn: http://thainguyen.gov.vn

Ông Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên tại một cuộc họp. Nguồn: http://thainguyen.gov.vn

Gần 6 tháng sau (ngày 16/2/2016), ông Hoàng Thái Cương, Phó trưởng ban Thường trực một cửa liên thông, Giám đốc Sở KH&ĐT, ký Văn bản số 160/SKHĐT-MCLT gửi UBND tỉnh, đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, nâng tổng mức đầu tư lên khoảng 1.337 tỷ đồng, tổng diện tích xây dựng khoảng 38ha. Việc điều chỉnh này được ông Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên thông qua ngày 18/3/2016, thể hiện tại Quyết định 537/QĐ-UBND.

Trải qua gần 3 năm, với hàng loạt văn bản được UBND thị xã Phổ Yên, các sở và UBND tỉnh Thái Nguyên gửi Công ty Hồng Long, cùng với đó là hàng loạt cuộc họp yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết. Song giấc mơ về một khu đô thị hiện đại chỉ là “miếng bánh vẽ”, mới được triển khai thực hiện trên giấy.

Trả lời phóng viên Reatimes, ông Vũ Hồng Bắc cho biết: “Cuối năm 2018, UBND tỉnh Thái Nguyên đã quyết định thu hồi dự án”. Lý do theo ông Vũ Hồng Bắc là nhà đầu tư đã vi phạm các quy định của Luật Đầu tư, vi phạm quy định tại Quyết định số 2195/QĐ-UBND ngày 28/8/2015 và Quyết định số 537/QĐ-UBND ngày 18/3/2016 của UBND tỉnh Thái Nguyên. Nhà đầu tư vi phạm các cam kết, nội dung trong Biên bản họp giữa các sở, ngành, thị xã Phổ Yên và nhà đầu tư.

Đáng buồn hơn nữa, người đề xuất thu hồi dự án và người ký quyết định thu hồi dự án chính là ông Hoàng Thái Cương và ông Vũ Hồng Bắc.

Những vụ mùa ai oán!

Xã Hồng Tiến những ngày này, lúa đã xanh rì khắp các cánh đồng. Song đâu đó ở khu vực Dự án vẫn còn những bờ tre, gốc rạ; những đống đất, đống gạch trơ trọi cùng “tuế nguyệt”; những vệt cày oằn nên sự đau xót do ruộng đồng nhiều năm bị bỏ hoang, không canh tác. Đi cùng với đó là những giai thoại về những vụ mùa ai oán...

Theo người dân nơi đây, khi Dự án được UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương đầu tư, một cuộc vận động lớn đã nổ ra: chi bộ họp, đầu ngành họp, những gia đình có đất nằm trong khu dự án họp… để nghe phổ biến. Chỉ trong vòng 2 tháng, gần 200 gia đình có đất và tài sản nằm trong vùng Dự án đã bỏ ra ngót nghìn công để kê khai, kiểm đếm xong từng thửa ruộng, đất bãi, mảnh vườn và từng ngôi mộ… 

Trao đổi với phóng viên Reatimes, ông Bùi Xuân Đức, Trưởng thôn Đông Sinh nhớ lại: Các anh bên giải phóng mặt bằng làm việc rất nhiệt tình, thường xuyên đi sớm, về muộn, có hôm làm việc thông trưa, suốt từ tháng 11/2015 đến đầu năm 2017 thì xong. Ngay sau đó, thông báo niêm yết phần đất của từng gia đình được dán công khai tại nhà văn hóa thôn, trụ sở UBND xã. Sau 20 ngày, nếu không có kiện cáo sẽ được nhận tiền bồi thường...

“Nhưng càng chờ càng mất. Mãi tới tháng 5/2017, tôi nhận được văn bản của Công ty Hồng Long, yêu cầu thông báo bà con không được cấy lúa vụ mùa, xóm có người chết cũng không được chôn vào nghĩa địa nằm trong dự án. Tới tháng 7, tháng 8/2017 công ty sẽ chi trả tiền đền bù. Nếu không, công ty sẽ hoàn trả sản phẩm vụ hè thu. Và từ đó đến nay, công ty biệt tăm không trở lại”, ông Bùi Xuân Đức nói.

Theo ông Bùi Xuân Đức, từ khi UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt chủ trương thực hiện dự án đến nay, 5 vụ mùa người nông dân không canh tác, với diện tích khoảng 50% tổng diện tích dự án quy hoạch, thiệt hại vô cùng lớn về vật chất, tư tưởng, lòng tin của người dân...

Mặt trái sự thật

Như Reatimes đã thông tin ở bài “Chuyện lạ ở Sở KH&ĐT TP. Hà Nội”, “Thái Nguyên: Dự án nghìn tỷ chết yểu, dân tan nát niềm tin”. Tất thảy những gì về Công ty Hồng Long được các sở, ngành tỉnh Thái Nguyên báo cáo ở trên chỉ là mặt trái của sự thật.

Cụ thể, theo tìm hiểu, Công ty Hồng Long là một công ty chưa đủ năng lực tài chính. Văn phòng công ty chỉ rộng khoảng 15m2, nằm ở tầng 6, số 21 - 23 Nguyễn Công Hoan, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP. Hà Nội. Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, để có tiền triển khai dự án, công ty đã ký kết hợp tác với một số đơn vị, trong đó có Công ty Cổ phần Bất động sản Hải Long Land.

Trong một diễn biến khác, Dương Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Hồng Long còn đang bị truy tố về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, làm giả tài liệu, hồ sơ của tổ chức từ năm 2010. Tại phiên tòa phúc thẩm lần 2 ngày 23/5/2018, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội tuyên Dương Văn Quang 6 năm tù.

Sau khi xâu chuỗi lại diễn biến, có thể dễ dàng nhận thấy một số cán bộ có trách nhiệm của tỉnh Thái Nguyên non về nghiệp vụ, thậm chí có dấu hiệu "góp sức", “điểm phấn, tô son” hồ sơ, nhằm qua mặt Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, để một doanh nghiệp không có năng lực tài chính, có người đứng đầu đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự được chấp thuận chủ trương thực hiện dự án cả nghìn tỷ đồng.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top