Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và Báo cáo nghiên cứu tiền khải thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường vành đai 3.
Trên cơ sở kết quả thẩm định, UBND TP. Hà Nội hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của hai dự án, trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định pháp luật về đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan.
Về Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, theo kế hoạch, Hà Nội sẽ xây một cây cầu có kết cấu tương tự cầu Vĩnh Tuy hiện nay, cách mép cầu cũ 2m, dự kiến triển khai từ năm 2019 và hoàn thành vào năm 2022. Trong giai đoạn 2 này, cầu Vĩnh Tuy sẽ được xây dựng rộng tương tự giai đoạn 1, mặt cắt ngang 19,25m với 4 làn xe, trong đó có 2 làn xe cơ giới, 1 làn xe buýt, 1 làn tổng hợp và dải đi bộ.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sẽ có tổng chiều dài là 3.504m, không phải giải phóng mặt bằng, do việc này đã được thực hiện khi thi công giai đoạn 1. Theo dự kiến, quý III/2020, Hà Nội sẽ lựa chọn nhà thầu, thi công trong hơn một năm và hoàn thành dự án vào tháng 12/2022.
Hà Nội dự kiến bố trí quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư vào khoảng 440 ha đất trên địa bàn các phường Long Biên, Cự Khối, Bồ Đề, Thạch Bàn (quận Long Biên) và xã Đông Dư (huyện Gia Lâm), thuộc khu vực đất bãi ngoài đê tả sông Hồng, nằm trong ranh giới quy hoạch phân khu đô thị N10 (khoảng 320ha) và phân khu đô thị sông Hồng hiện đang quy hoạch, để thanh toán cho dự án và dự án nút giao khác mức giữa vành đai 3,5 với đại lộ Thăng Long.
Về Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường vành đai 3, thì trước đó, UBND TP. Hà Nội đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung đoạn tuyến đường 70 kéo dài từ QL 1 đến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vào dự án Đầu tư xây dựng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT để đầu tư bằng nguồn vốn của dự án, đảm bảo phân luồng phương tiện giúp giảm tải cho vị trí đầu tuyến giao cắt với Vành đai 3.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ nghiên cứu bổ sung thêm trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, vị trí dự kiến tại Km 185+000 để các phương tiện có thể dừng nghỉ nếu lương lượng đầu tuyến quá đông, có thể dãn lưu lượng và giảm bức xúc của người dân.