Gác Trịnh ở Huế
Những ngày ở TP. Huế, nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn sống ở số 203/19 dãy nhà C khu tập thể đường Nguyễn Trường Tộ. Tại đây, người nhạc sĩ họ Trịnh đã sáng tác những ca khúc đầu tiên.
Một nhóm anh em văn nghệ sỹ Huế vừa sửa soạn lại căn gác này, biến thành không gian lưu trữ rất nhiều kỷ niệm của một thời.
Gác Trịnh mở của từ 1/4/2013 và đã trở thành địa điểm quen thuộc của những người yêu nhạc Trịnh Công Sơn ở Huế, không gian quán gợi nhớ tới người nhạc sỹ đại tài của nền tân nhạc Việt Nam.
Gác Trịnh nằm ở tầng 2, số nhà 203/19, dãy nhà C, khu tập thể Nguyễn Trường Tộ. Căn gác nhỏ từng là “một chốn đi về” của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Tại đây ông đã sáng tác những bản nhạc đầu tiên của mình.
Nơi đây còn lưu giữ lại những kỷ vật của ông, cùng tranh ảnh lưu niệm bạn bè, gia đình ông tặng lại. Chính những kỷ vật ấy đã làm nên một “không gian văn hóa Trịnh” có một không hai. Trong đó có những kỷ vật quý như ảnh của danh ca Khánh Ly gửi tặng, hay lá thư tình ông viết cho Dao Ánh…
Căn gác ở cuối nhà, nơi khung cửa sổ nhỏ là bộ bàn ghế ông từng ngồi để sáng tác những tình khúc bất hủ. Khách ghé có thể ngồi uống cafe ngay tại đây.
Gian nhà giữa quán là nơi treo nhiều tranh ảnh kỷ niệm của ông. Căn gác nhỏ không chỉ là kỷ niệm, đó còn là nỗi nhớ, niềm thương về một cố nhạc sĩ tài hoa một thời.
Trịnh Công Sơn như vẫn còn ở đâu đó, trong không gian nhỏ, đậm chất Huế này, hay trong ca từ giản dị của những bài hát mà người quản lý vẫn mở mỗi khi khách ghé thăm.
Lá thư tình ông viết cho “Ánh-tuổi-nhỏ” được bà Dao Ánh tặng lại cho Gác Trịnh. Từ ngữ mượt mà năm xưa từng làm rung động trái tim cô nữ sinh Huế :“Anh nhớ Ánh lắm mà ngôn ngữ thì quá chật hẹp, quá cũ kỹ không chuyên chở nổi sự nhớ nhung này. Nên anh đã nói đã nhắc mãi mỗi ngày mà vẫn chưa đỡ nhớ tí nào.”
Đúng vậy, ngôn từ của ông chật hẹp, căn gác cũng không mấy rộng rãi. Nhưng trái tim ông rộng lớn vô cùng.
Trịnh Công Sơn từng nói “cái chết chẳng qua chỉ là sự đùa cợt sau cùng của cuộc sống”. Sau sự đùa đợt cuối cùng ông ra đi, nhưng tình yêu mà người nghe nhạc và nhóm nghệ sỹ Huế dành cho ông vẫn ở đấy, nơi căn Gác nhỏ.
Lan can bên ngoài bày hai bộ bàn ghế, khách đến có thể ngồi trên đây ngắm xuống phố Nguyễn Trọng Tộ. Đây cũng là nơi mà Trịnh Công Sơn ngồi ngắm hình bóng “Diễm” dưới hàng cây long não, mỗi lần “Diễm” tan học về.
Căn phòng nhỏ của Trịnh Công Sơn sống nhìn ra lan can tầng 2, phía dưới là con đường Nguyễn Trường Tộ đầy cây xanh lá
Ngôi nhà 47 C Phạm Ngọc Thạch
Đây là nơi cố nhạc sĩ "Đóa hoa vô thường" sống những ngày ở Sài Gòn.
Như hàng năm, vào ngày giỗ của Trịnh Công Sơn (1/4), ngôi nhà 47C Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TP HCM - nơi ông gắn bó lúc sinh thời - mở cửa từ sáng đến 16h để đón khách đến thắp hương tưởng nhớ nhạc sĩ.
Tại nhà Trịnh Công Sơn, khán giả còn có dịp xem lại những tư liệu, hình ảnh kỷ niệm về ông.
Một khán giả ái mộ gửi tặng gia đình cố nhạc sĩ bức tranh họa chân dung ông bằng than chì.
Gia đình nhạc sĩ cũng mở cửa gian phòng lúc sinh thời Trịnh Công Sơn dùng để tiếp khách, bạn bè. Gian phòng này gần như giữ nguyên hiện trạng kể từ sau ngày ông mất.
Gian phòng nhỏ của Trịnh Công Sơn có rất nhiều sách về âm nhạc, mỹ thuật.
Tượng chân dung cố nhạc sĩ đặt ở sân nhà luôn có hoa tươi.
Hôm nay đã tròn 16 năm ngày mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhưng những ca khúc đầy chiêm nghiệm, sâu lắng của ông lúc nào cũng sống mãi trong lòng người hâm mộ. Những hình ảnh về ông vẫn không phai trong trái tim người yêu nhạc Trịnh.