Aa

Tham vọng dẫn đầu năng lượng tái tạo

Thứ Hai, 10/12/2018 - 23:30

Từ mấy năm qua, Arập Xêút đã lên kế hoạch đầy tham vọng phát triển năng lượng thay thế dầu mỏ. Điểm lại vài nét tình hình phát triển năng lượng tái tạo tại quốc gia dầu mỏ lớn nhất thế giới này.

Đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo

Theo dự báo, công suất lắp đặt của năng lượng mặt trời toàn cầu vào cuối năm 2023 có thể tăng 2,5 lần so với năm 2017, lên tới 1.050-1.100GW. Bước nhảy vọt của sự phát triển năng lượng tái tạo dẫn đến sự suy giảm không thể tránh khỏi về nhu cầu nhiên liệu của các nền kinh tế phát triển. Do đó, các nước vùng Vịnh Ba Tư giàu dầu mỏ và khí đốt đã bắt đầu phân phối lại số tiền thu được từ việc bán dầu và bổ sung vào danh sách các nước đang phát triển năng lượng mặt trời.

Sản xuất tấm pin mặt trời ở Riyadh

Sản xuất tấm pin mặt trời ở Riyadh

Theo chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhà nghiên cứu người Arập Muhammed al Jalud, đến năm 2030, Arập Xêút sẽ vươn lên vị trí hàng đầu về năng lượng tái tạo trên thế giới. Quỹ đầu tư công của Arập Xêút và Softbank của Nhật Bản có kế hoạch đầu tư 200 tỉ USD để sau 10 năm nữa sẽ tạo ra 200GW năng lượng mặt trời, gấp khoảng 2,5 lần so với toàn bộ công suất của các thiết bị lắp đặt của ngành công nghiệp điện ở Arập Xêút hiện nay (dưới 80GW). Arập Xêút sẽ là một trong những nước dẫn đầu thế giới về năng lượng tái tạo. Chỉ trong năm 2018, trong lĩnh vực này đã được đầu tư 7 tỉ USD. Điều này sẽ thay đổi hoàn toàn hệ thống năng lượng của Arập Xêút.

Chuyên gia Muhammed al Jalud lưu ý rằng, phía tây bắc của Arập Xêút rất thích hợp cho việc lắp đặt các trang trại điện gió. Công ty Năng lượng quốc gia Arập Xêút KSA (National Grid SA) đứng thứ 13 trên thế giới về tiềm năng phát triển năng lượng gió. Có thể Nga và Arập Xêút sẽ hợp tác trong lĩnh vực này. Riyadh có tiềm năng lớn cho sự phát triển năng lượng thay thế, vì vậy nhiều công ty toàn cầu quan tâm đến các dự án chung và đầu tư.

Phó giám đốc KSA, kỹ sư Walid al Saadi nói rằng, các kỹ sư Arập Xêút đã thiết kế nhà máy điện di động đầu tiên trên thế giới, sẽ truyền tải điện 380kW. Năm sau, nhà máy sẽ được vận chuyển đến Bỉ. Đây là một giải pháp tuyệt vời cho các tình huống bất ngờ và khẩn cấp. Theo ông Walid al Saadi, sáng chế này sẽ làm tăng đáng kể mức độ an toàn của toàn bộ hệ thống năng lượng của Bỉ.

Giám đốc bộ phận quản lý tài sản của KSA, kỹ sư Abdel Rahman al Gihab cho biết, nhà máy sẽ hiện diện ở Bỉ vào tháng 1/2019. Sau khi lắp đặt và kiểm tra công việc, nhà máy sẽ ngay lập tức được kết nối với mạng năng lượng của Bỉ. Khả năng di động của nhà máy là một giải pháp tuyệt vời cho các vấn đề tiềm ẩn và các tình huống bất thường.

Một trong những lý do chính khiến chính quyền Arập Xêút bắt đầu phát triển năng lượng mặt trời là mong muốn tăng xuất khẩu dầu, nguồn thu nhập chính của đất nước. Ngày nay, Arập Xêút dùng khoảng 3,4 triệu thùng 1 ngày cho các nhu cầu trong nước, bao gồm cả sản xuất điện và khử mặn nguồn nước. Theo dự báo, trong 10 năm tới, con số này có thể tăng lên 8,3 triệu thùng.

“Mục tiêu lớn sẽ đạt được bằng những bước nhỏ, mục tiêu cuối cùng sẽ đạt được dần dần. Nhiệm vụ của chúng tôi là 9,5GW từ thiết bị năng lượng mặt trời vào năm 2023, đáp ứng 10% nhu cầu của đất nước” - chuyên gia Muhammed al Jalud cho biết.

Arập Xêút cũng đang hướng tới phát triển năng lượng hạt nhân và dự định xây dựng 2 lò phản ứng với tổng công suất 2,8GW.

Kế hoạch thoát ly dầu mỏ

Giá dầu thấp kéo dài đòi hỏi các nước cần thúc đẩy việc đa dạng hóa nguồn thu. Arập Xêút là quốc gia đi đầu trong vấn đề này với kế hoạch tầm nhìn kinh tế 2030 cho giai đoạn hậu kỷ nguyên dầu mỏ.

Tháng 4/2016, Arập Xêút công bố kế hoạch chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế từ phụ thuộc vào dầu mỏ sang các ngành kinh tế phi dầu mỏ. Trọng tâm của kế hoạch trên là tập trung vào các cải cách kinh doanh và đầu tư. Trong đó, tỉ trọng đóng góp của nguồn thu dầu mỏ vào ngân sách sẽ giảm từ 72% xuống còn 16%. Ngoài ra, Arập Xêút cũng đề ra các mục tiêu như: Giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng cường vai trò của ngành kinh tế tư nhân và nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động.

Kế hoạch trên sẽ được hỗ trợ bởi một quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, với quy mô 2.000 tỉ USD. Một phần số tiền này đến từ việc phát hành cổ phiếu ra công chúng của Aramco - tập đoàn dầu mỏ quốc gia của Arập Xêút. Giới chức Arập Xêút tin tưởng với kế hoạch đầy tham vọng này, đến năm 2030, Arập Xêút có thể tồn tại mà không cần dầu mỏ.

Để thực hiện được kế hoạch đó, Arập Xêút sẽ tiến hành tái cấu trúc chính phủ một cách toàn diện và liên tục dựa trên các kế hoạch ưu tiên. Theo đó, Arập Xêút bắt đầu nâng cao hình ảnh bộ máy chính phủ bằng cách xóa bỏ Ủy ban Tối cao và thay vào đó là Ủy ban Chính trị - an ninh và Ủy ban Kinh tế phát triển.

Arập Xêút sẽ tổ chức lại và giải quyết vấn đề chi tiêu không hợp lý trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Bản kế hoạch có đoạn: “Chúng tôi hướng đến việc cắt giảm 50% chi tiêu nhập khẩu thiết bị quân sự bằng phương thức địa phương hóa. Một số ngành sản xuất ít phức tạp đã bắt đầu được triển khai như sản xuất phụ tùng, xe bọc thép và đạn dược cơ bản. Chúng tôi hướng đến mở rộng sản xuất những thiết bị phức tạp và có giá trị cao như máy bay quân sự”.

Đến năm 2030, Arập Xêút sẽ vươn lên vị trí hàng đầu về năng lượng tái tạo trên thế giới. Quỹ đầu tư công của Arập Xêút và Softbank của Nhật Bản có kế hoạch đầu tư 200 tỉ USD để sau 10 năm nữa sẽ tạo ra 200GW năng lượng mặt trời.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top