Biến động mạnh
Sau khi tăng nóng, giá vàng bất ngờ quay đầu giảm mạnh trong phiên giao dịch sáng ngày 26/6. Mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 26/6, giá vàng thế giới giao dịch tại thị trường châu Á ở mức 1.414,7 USD/ounce, giảm gần 10 USD, tương đương mức giảm hơn 0,6% so với phiên giao dịch đầu giờ của ngày trước đó ở mức 1.410 USD/ounce. Trong khi đó, chỉ số giá USD sáng 26/6 tăng nhẹ 0,1% lên mức 96,1 điểm.
Đối với thị trường trong nước, giá vàng SJC cũng quay đầu giảm mạnh trong sáng ngày 26/6. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã điều chỉnh giảm giá từ mức 200.000 - 250.000 đồng/lượng.
Sở dĩ giá vàng thế giới ngừng tăng bởi kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm mạnh lãi suất. Cạnh đó, giá vàng từng được kỳ vọng sẽ xô đổ mọi kỷ lục nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra và bất ổn tại khu vực Trung Đông tiếp tục leo thang, nhưng mọi chuyện vẫn chưa tới mức căng thẳng.
Các tác động này đã khiến vàng mất đi động lực hỗ trợ cho đà tăng giá và lao dốc trong ngày 26/6, dù đã từng chạm ngưỡng 1.442 USD/ounce. Đồng thời, giá giao kỳ hạn tháng 8/2019 trên thị trường New York hiện được chốt ở mức 1.418,70 USD/ounce - mức đóng cửa cao nhất của giá vàng giao hợp đồng tính từ ngày 28/8/2013 tới nay.
Trước đó, giới đầu tư và chuyên gia kinh tế đã tin vào khả năng hạ lãi suất cơ bản USD trong tháng 7/2019 và vàng thường hưởng lợi từ việc chính sách kinh tế được nới lỏng.
Giá vàng trong nước luôn chịu tác động theo chiều hướng của vàng thế giới. Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng thế giới và giá vàng trong nước ở mức âm gần 650.000 đồng/lượng, tính theo theo tỷ giá quy đổi tại Ngân hàng Vietcombank ở mức 23.360 đồng/USD sáng ngày 26/6.
Vì thế, trước biến động mạnh của giá vàng thế giới thời gian này, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, nhà đầu tư cân nhắc kỹ lưỡng khi rót vốn vào mặt hàng kim quý này - vốn được xem là hầm trú ẩn an toàn.
Cân nhắc đầu tư
Cũng theo Chủ tịch VGB, giá vàng tăng mạnh đến đâu cũng sẽ đến lúc chững lại và điều chỉnh nên nhà đầu tư cần tỉnh táo. Dự báo về diễn biến giá vàng trong thời gian tới, ông Trần Thanh Hải cho rằng, mặt hàng kim quý này còn có nhiều cơ hội tăng giá. Nhất là khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa thể sớm kết thúc.
Theo kế hoạch, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Nhật Bản vào cuối tuần này và sẽ nối lại đàm phán thương mại. Tuy nhiên, giới phân tích tài chính cũng cho rằng, khó có khả năng đạt được thỏa thuận thương mại một cách nhanh chóng, nên vàng vẫn là cơ hội cho hầm trú ẩn an toàn,
Nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, ông Trương Văn Phước cũng nhận định, vàng hay bất cứ một tài sản tài chính nào đó tăng giá quá nhanh, quá mạnh sẽ đến thời điểm chững lại và điều chỉnh.
Theo ông Phước, xu hướng tăng giá nhanh, mạnh của vàng hiện nay phản ánh thực tế từ những căng thẳng của tình hình thế giới và quan điểm nhất quán của chính quyền Mỹ về việc duy trì USD yếu đi. USD đã giảm giá mạnh trong ngày 25 - 26/6 ở châu Á trong khi đồng Yên Nhật tăng khi căng thẳng gia tăng ở Trung Đông thu hút nhu cầu trú ẩn an toàn.
Chỉ số USD index, theo dõi đồng bạc xanh so với rổ các loại tiền tệ khác, đã giảm xuống 95,9 điểm, thấp nhất trong 3 tháng trở lại đây.
Dự báo được đưa ra từ giới phân tích vàng cho thấy, mức giá vàng trung bình sẽ rơi vào 1.359 USD/ounce cho quý III/2019, đạt 1.300 USD/ounce cho quý IV/2019 và trung bình cả năm 2019 sẽ là 1.367 USD/ounce.
Dẫu vậy, giới phân tích cũng cho rằng, biến động của giá vàng còn phụ thuộc vào tình hình địa chính trị trên thế giới. Vàng sẽ quay trở lại với những lỗ hổng nào có ở đó, nhưng cũng không ít cơ hội để “bùng” lên khi USD giảm.