Theo Bộ Tài chính, mức dự toán thu ngân sách nhà nước trong những năm tới phải tích cực, nhưng trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng các yếu tố, đảm bảo chủ động linh hoạt trong điều kiện kinh tế có nhiều biến động.
Tính toán tác động khi lập kế hoạch thu ngân sách
Theo Thông tư số 51/2023/ TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2024 - 2026, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn về lập kế hoạch thu NSNN 3 năm 2024 - 2026.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương khi lập kế hoạch thu phải căn cứ khả năng phát triển kinh tế cả nước, từng ngành nghề, lĩnh vực và địa phương trong năm 2024 - 2026 phù hợp với Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương phải tính đến các yếu tố thay đổi về năng lực đầu tư, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ, phát triển sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu của từng năm; các yếu tố tác động của quá trình hội nhập quốc tế và thay đổi chính sách của các nước trên thế giới như thuế tối thiểu toàn cầu.
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương phải tính đến các yếu tố dự kiến làm tăng, giảm, dịch chuyển nguồn thu do điều chỉnh chính sách thu, bổ sung mở rộng cơ sở tính thuế, tăng cường quản lý thu theo các quy định đã ban hành; thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo cam kết hội nhập; một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp.
Tiếp tục có giải pháp về chính sách tài khóa tháo gỡ khó khăn
Những biến động kinh tế gần đây cũng đặt ra yêu cầu phải tiếp tục có giải pháp về chính sách tài khóa tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì đà phục hồi và phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương phải tính toán đến tác động thu ngân sách từ việc điều chỉnh giá, phí các dịch vụ sự nghiệp công theo lộ trình kết cấu đủ chi phí vào giá dịch vụ sự nghiệp công quy định của pháp luật.
Giai đoạn 2025 - 2026, phấn đấu tốc độ tăng thu nội địa (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước) và tốc độ tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu không thấp hơn mức tăng các khoản thu này năm 2024. Mức tăng thu cụ thể của từng địa phương có thể cao hơn hoặc thấp hơn, tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương.
Nếu thu vượt sẽ dành cải cách tiền lương, giảm bội chi
Việc tính toán thận trọng để dự toán thu - chi NSNN cho những năm sau là hết sức cần thiết. Do ngân sách còn eo hẹp nên phải “liệu cơm gắp mắm”. Trong năm 2023 này, dù tiến độ thu ngân sách vẫn đảm bảo, nhưng nhiều khoản thu quan trọng bị sụt giảm dẫn đến số thu giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, để thực hiện dự toán NSNN 2023, Chính phủ tiếp tục tập trung vào các nhóm giải pháp quan trọng; trong đó, tiếp tục nhất quán mục tiêu ưu tiên giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng.
Đồng thời, ngành Tài chính chủ động triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng. Bộ Tài chính quyết liệt thực hiện các giải pháp tăng thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ở mức cao nhất; tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững…
Dự toán chi tiêu công cho các năm sau luôn được Quốc hội cho ý kiến và quyết định. Có một số ý kiến cho rằng, dự toán còn thấp so với thực hiện. Còn nhớ, thời điểm năm 2022 khi đang làm dự toán cho năm 2023, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, đúng là dự toán thu năm 2023 còn thận trọng so với ước thực hiện năm 2022.
Tỷ lệ huy động NSNN so với GDP cũng ở mức thấp. Nhưng khi phân tích sâu từng yếu tố thì mức dự toán trên phù hợp với những dự báo về bối cảnh kinh tế - xã hội trong và ngoài nước năm 2023. Với bối cảnh hiện nay, các yếu tố khó khăn xuất hiện ngày càng nhiều. Để chủ động trong điều hành, việc xây dựng dự toán thu NSNN năm 2023 chắc chắn, phù hợp với khả năng của nền kinh tế là cần thiết.
Trên thực tế, một số khoản thu phụ thuộc lớn vào môi trường bên ngoài có xu hướng suy giảm do nhu cầu, thị trường bị thu hẹp, như khoản thu dầu thô phụ thuộc vào năng lực khai thác dầu thô trong nước và giá dầu thô trên thị trường thế giới. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ngoài việc phụ thuộc vào thị trường, giá cả, cung cầu hàng hóa của thế giới, thì còn phụ thuộc vào lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế về thuế.
Với tác động khách quan đó, Bộ Tài chính cho rằng, mức dự toán thu NSNN trong những năm tới phải tích cực, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng các yếu tố, đảm bảo chủ động linh hoạt trong điều hành trong điều kiện kinh tế có nhiều biến động. Trong tổ chức thực hiện, trường hợp thu ngân sách vượt so với dự toán sẽ ưu tiên bố trí nguồn để thực hiện cải cách tiền lương, giảm bội chi ngân sách theo nghị quyết của Quốc hội.
Cơ cấu thu ngân sách đã dần bền vững hơn
Quốc hội quyết định mức dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) cho năm sau chính là chỉ tiêu pháp lệnh phải thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, Bộ Tài chính luôn giao chỉ tiêu phấn đấu cho tất cả các đơn vị. Khi thu NSNN tăng sẽ có thêm nguồn lực để giảm bội chi NSNN, chi cho an sinh xã hội và các nhiệm vụ cấp bách phát sinh.
Để làm được điều đó, bên cạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, Bộ Tài chính đã tăng cường công tác quản lý thu NSNN, tập trung tăng thu từ các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam.
Quan điểm của Bộ Tài chính là đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản phát sinh; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp; quyết liệt xử lý, thu hồi nợ đọng thuế; đôn đốc thu đầy đủ, kịp thời các khoản phải thu vào NSNN theo kết luận của cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước.
Thu ngân sách là “hàn thử biểu” của tăng trưởng kinh tế. Có những thời điểm khó khăn như năm 2021 khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, nhiều nước trên thế giới kinh tế suy giảm mạnh, căn cứ trên cơ sở tăng trưởng kinh tế lúc đó, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra dự toán thu NSNN cho năm 2022, do đó thời điểm năm 2022 thu ngân sách vượt dự toán ở mức cao khi nền kinh tế dần hồi phục.
Có được kết quả đó cũng phải kể đến về cơ cấu thu NSNN của nước ta đã dần bền vững hơn. Thu nội địa, tức là thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước ngày càng chiếm vị trí chủ đạo. Thêm vào đó, Bộ Tài chính đã áp dụng hóa đơn điện tử, số hóa, công khai, minh bạch trong công tác quản lý thu ngân sách, bởi vậy số thu NSNN đã tăng so với dự toán.