Aa

Thánh đường đơn sơ mà hiện đại

Thứ Ba, 03/01/2017 - 21:01

Cuối năm, trong chuyến đi công tác dài ngày về vùng sâu miền sơn cước cao nguyên Lâm Viên - Lâm Đồng, nơi các buôn người Churu, Chil, Mạ sinh sống rải rác, lâu đời dưới chân các triền núi của một nhánh dãy đông trường sơn, thuộc địa phận huyện Đơn Dương. Điều khiến tôi ngạc nhiên và cảm kích bởi một ngôi Thánh đường (nhà thờ) đơn sơ - giản dị, song lạ lẫm, tọa lạc ngay bên cạnh các buôn người dân tộc bản địa sinh sống nhiều đời, phản phất nét sơ khai - hoang dã!

Thấy chúng tôi đến ngơ ngác tìm hỏi, quan sát, một người đàn ông tầm thước, tóc hoa râm, từ trong Thánh đường thong dong tiến về phía chúng tôi, và từ tốn hỏi: Các bạn muốn tìm hiểu!? Tôi nói liền: Chúng tôi muốn gặp cha xứ? Ông nhanh nhảu: Tôi là Ngọc - Nguyễn Văn Ngọc, linh mục giáo xứ vùng Ka Đơn này. Mời các bạn vào trong Thánh đường.

Một Thánh đường có kiến trúc lạ lẫm.

Một Thánh đường có kiến trúc lạ lẫm.

Chúng tôi theo cha xứ đi một vòng khuôn viên nhà thờ, bước vào cửa chính diện Thánh đường. Một khung cảnh trang nghiêm hiện ra trước mắt chúng tôi: gian thờ chính chỉ mỗi một cây thánh giá nhỏ bằng gỗ, dưới sảnh mấy hàng ghế gỗ ngo (thông) đơn sơ trong một khoảng trống rộng thoáng mát để mọi con chiên có thể đứng - ngồi hành lễ.

Từ trong Thánh đường không mở đèn nhưng ánh sáng bên ngoài hắt vào nhìn thấy mọi ngóc ngách, trông rõ con chữ, đọc sách như ngoài trời. Và từ mọi nơi trong Thánh đường nhìn ra ngoài thấy rõ quang cảnh đến tận xa xa. Đây là kiểu kiến trúc-xây tường hoàn toàn mới mẻ, bởi thay vì tường gạch, nhà thiết kế - thi công dùng những thanh gỗ ngo mảnh mai dựng thẳng đứng gần đụng mái ngói, bên ngoài lắp ráp một lớp kính mỏng chắn gió. Những cây cột trụ và dàn kèo đan chống mảnh dẻ, tinh xảo đến độ người xem không trông thấy vướng vấp, tạo nên khoảng không gian thông thoáng, mát mẻ vào mùa hè và ấm cúng vào mùa đông.

Toàn bộ khu Thánh đường rộng khoảng 300m2 không có vách ngăn, mà chỉ thấy tứ bề là ánh sáng từ bên ngoài lẻn vào, đặc biệt khi ông mặt trên nhô lên, hoặc chiều xuống, những tia nắng xuyên qua tường soi cả vào mắt tượng chúa Jesus. Dưới nền, các nhà thiết kế - xây dựng cho lát một loại gạch nung bản địa, thoáng giống như chất liệu (gạch) của các tháp cổ Chămpa. Có lẽ tác giả muốn sưởi ấm lòng người bằng cách hâm lại kỷ niệm xa xưa của một vương quốc phù hoa, mà người Mạ + Churu vốn gốc tích từ dân tộc Chămpa trôi dạt từ các tỉnh nam Trung bộ, Ninh Thuận, Bình Thuận về đây an cư!

Phía bên hông Thánh đường, một khoảng cách biệt vừa đủ, cha Ngọc cho làm một dãy nhà nhỏ bằng vật liệu thô của người bản địa, trông dân dã, khiêm tốn… (không gây ảnh hưởng đến kiến trúc của ngôi Thánh đường). Nhưng chúng tôi vô cùng bỡ ngỡ bởi bên trong là những cổ vật của người dân tộc bản địa có niên đại hàng trăm năm. Tại vùng lãnh thổ này, tôi-người viết bài này đã từng theo bước chân của các đoàn khảo cổ đi du thực và khai quật, tìm ra nguồn cội của người Mạ, Churu, Cil… nhưng không đâu đầy đủ như nơi này.

Bên trong Thánh đường

Bên trong Thánh đường

Cha xứ thổ lộ:

- Khi tôi đến giáo xứ này thì bất ngờ phát hiện trong các gia đình đồng bào bản địa có lưu giữ nhiều cổ vật quý hiếm. Tôi đến từng nhà động viên bà con giáo dân, cả người ngoại đạo gìn giữ và tặng cho nhà thờ. Sau nhiều năm sưu tầm, tôi cho dựng gian nhà này làm nơi bảo tồn hiện vật. Bà con rất thích và tự nguyện truy tầm hiện vật, góp sức làm nên nhà bảo tàng mi ni như hôm nay.

Những cổ vật trưng bày trong nhà thờ Ka Đơn.

Những cổ vật trưng bày trong nhà thờ Ka Đơn.

Trước khi chia tay cha Ngọc, chúng tôi dạo quanh khuôn viên nhà thờ, một lần nữa nghía ngắm ngôi nhà có một không hai nằm giữa chốn hoang vu, mà vợ chồng KTS Vũ Thị Thu Hương - Nguyễn Tuấn Dũng thiết kế, xây dựng trong khuôn viên và không gian mang màu sắc của núi rừng Tây Nguyên dưới sự đồng hành nhiệt thành của người quản xứ - Nguyễn Đức Ngọc. Đây cũng là công trình đoạt giải nhì Quốc tế về kiến trúcThánh tại Ý hồi tháng 6/ 2016 của đồng tác giả Nguyễn Tuấn Dũng - Vũ Thị Thu Hương.

Trời về chiều, phía xa xa ngôi Thánh đường mới - cách điệu và hiện đại, vẫn những buôn làng xưa, vẫn lối cũ điệu con về. Sương buông từ trời cao sa xuống quyện với khói lam chiều tạo nên khoảng không loang lổ, nhấp nhô mái nhà xưa nơi buôn vắng, và xa hơn là những cánh đồng rau màu, rừng cà phê trĩu quả, báo hiệu một mùa tốt tươi; và trong tôi chợt nghĩ bâng quơ đến câu kinh thánh: Lạy cha cho chúng con hàng ngày vừa đủ…

                                           Đà Lạt - Đơn Dương, một ngày cuối năm Bính Thân.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top