Thanh Hóa: Cơ chế đặc thù và cơ hội “có một không hai” của nhà đầu tư

Thanh Hóa: Cơ chế đặc thù và cơ hội “có một không hai” của nhà đầu tư

Thứ Bảy, 11/09/2021 - 17:35

 

Mới đây, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV theo quy trình một kỳ họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội được xây dựng nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 58-NQ/TW về việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Thanh Hóa bảo đảm tính tương đồng với các thành phố lớn khác, trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước.

Dự thảo quy định ngân sách tỉnh Thanh Hóa được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất; được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi ngân sách tỉnh.

Trong đó, HĐND tỉnh Thanh Hóa được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ 20ha trở lên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định và phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ 20ha trở lên được thực hiện như trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 10ha; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng dưới 20ha theo quy định của pháp luật về đất đai.

HĐND tỉnh cũng được quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất từ 50ha đến 1.000ha bảo đảm nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo đúng quy định.

Đối với điều chỉnh quy hoạch chung khu chức năng, cục bộ quy hoạch đô thị, trên cơ sở đồ án quy hoạch chung khu chức năng, quy hoạch chung đô thị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ các quy hoạch trên theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tạo cơ chế đặc thù cho tỉnh Thanh Hóa là điều cần thiết và hết sức quan trọng nhằm tạo động lực cho địa phương phát triển.

Cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh Thanh Hóa rất kỳ vọng về Nghị quyết số 58 NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ làm thay đổi căn bản về nền tảng kinh tế, xã hội và sớm đưa tỉnh nhà hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng. Điều này cũng cho thấy rằng, Bộ Chính trị đã trao một “cơ hội đặc biệt” cho Thanh Hóa để tăng tốc phát triển – điều mà không phải địa phương nào cũng có được.

Phát triển tỉnh Thanh Hóa

Thanh Hóa được xác định là cực tăng trưởng thì cũng cần có chính sách đặc thù, tương xứng tiềm năng, lợi thế của địa phương. Nếu Quốc hội thông qua Dự thảo Nghị quyết quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Thanh Hóa về đầu tư, tài chính – ngân sách nhà nước và phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch lâm nghiệp, được xem là giúp địa phương đặt những viên gạch đầu tiên trên chặng đường đưa Nghị quyết 58 vào cuộc sống.

Việc đề xuất thí điểm cơ chế đặc thù đối với tỉnh Thanh Hóa cũng trả lời cho câu hỏi, tỉnh Thanh Hóa chọn cái gì để tạo ra bước đột phá trong thu hút đầu tư nói riêng, phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nói chung. Nó cũng “đánh” trúng tâm lý của nhà đầu tư, doanh nghiệp rằng, họ cần gì, được hưởng lợi gì khi đầu tư vào Thanh Hóa.

Nói đơn giản hơn là, chúng ta đã “gãi đúng chỗ ngứa” của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, bởi lâu nay, khi thực hiện dự án, nhà đầu tư rất vướng ở thủ tục đất đai, quy hoạch.

Ví dụ, trước đây, khi nhà đầu tư tiếp cận một dự án có sử dụng đất với quy mô lớn thì địa phương thường phải xin ý kiến của Trung ương để thông qua. Trung ương quyết thì địa phương mới được làm. Điều này sẽ kéo dài thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan tới công tác đầu tư dự án có sử dụng đất. Thế nhưng, nếu tỉnh Thanh Hóa được trao quyền quyết định các vấn đề trên sẽ giảm được khá nhiều thời gian giải quyết thủ tục hành chính có liên quan.

Rõ ràng, nếu cơ chế đặc thù này được thông qua sẽ là tín hiệu tốt đối với các nhà đầu tư, bởi “đất lành chim đậu”. Các nhà đầu tư khi được áp dụng cơ chế đặc thù trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình đầu tư dự án thì họ sẽ có sự lựa chọn và tiếp cận dự án một cách tốt hơn.

Bên cạnh đó, nếu cơ chế cho phép tỉnh Thanh Hóa được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công sẽ làm tăng thêm nguồn lực cho tỉnh để tái đầu tư, tạo ra nguồn lực mới làm động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội.

Phát triển tỉnh Thanh Hóa

Tuy nhiên, cơ hội luôn đi đôi với thách thức. Thách thức ở đây chính là tư duy quản lý, vận hành bộ máy nhà nước phải thay đổi, phù hợp với cơ chế, chính sách đặc thù.

Có được cơ chế đặc thù về tài chính, đất đai, quy hoạch, nhưng nếu không có đột phá về tư duy phục vụ hành chính công, dịch vụ công để tạo điều kiện cho các nguồn lực được khai phóng thì cũng không mang lại nhiều lợi ích.

Do vậy, trong quản lý nhà nước, cán bộ cần có tư duy đột phá thì hành động mới đột phá được. Cán bộ phải có tư duy, năng lực trình độ chuyên môn và kỹ năng trong giải quyết công việc. Quan trọng hơn là cán bộ cần linh hoạt trong việc giải quyết thủ tục hành chính phải trên tinh thần đúng là phục vụ, hỗ trợ theo tinh thần việc gì có lợi cho dân, cho doanh nghiệp thì làm, chứ không phải… làm khó.

Nếu làm được điều này, sẽ tạo ra tâm lý yên tâm, khơi dậy hứng khởi cho các nhà đầu tư trong.

Phát triển tỉnh Thanh Hóa

Nếu được Trung ương tạo cơ chế đặc thù đồng nghĩa với việc tỉnh Thanh Hóa được trao thẩm quyền nhiều, tự chủ nhiều hơn trong vấn đề quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và nguồn tài chính. Đây là một bước đi đầu tiên nhưng rất quan trọng trong việc mở cánh cửa phát triển kinh tế của địa phương trong thời gian tới. Có thể thấy, lãnh đạo tỉnh đã đề xuất cơ chế đặc thù rất đúng trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn đúng và trúng các lĩnh vực cần thiết phải đề xuất cơ chế, chính sách, tạo đà cho phát triển trong thời gian tới.

Nếu được thông qua về cơ chế tài chính (được hưởng 50% khoản tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền với đất…) sẽ tăng tính chủ động về nguồn tài chính của địa phương, giảm sự phụ thuộc vào ngân sách Trung ương, góp phần vào cơ cấu các khoản thu, chi tiêu, đầu tư công đối với các lĩnh vực có khả năng xã hội hóa. Hay nói cách khác, tỉnh Thanh Hóa sẽ có thêm nguồn lực mới để phát triển nhanh, bền vững hơn. Điều này là phù hợp với sự phát triển kinh tế của địa phương và tư duy phát triển kinh tế nói chung.

Liên quan tới quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trước đây có những dự án phải trình Chính phủ, Quốc hội duyệt mới được triển khai thực hiện. Điều này nhiều khi làm lỡ nhịp đầu tư của các nhà đầu tư, bởi có những dự án mất vài ba tháng, thậm chí cả năm mới được thông qua. Nhưng nếu trao quyền quyết định cho tỉnh về việc này, thì địa phương và nhà đầu tư có thể chủ động hơn về kế hoạch tài chính, đồng thời rút ngắn thời gian về việc hoàn thất thủ tục đầu tư dự án.

Tuy nhiên, trao thêm quyền cũng đồng nghĩa với việc trách nhiệm sẽ lớn hơn. Do vậy, cần thay đổi tư duy quản lý nhà nước để phát huy hiệu quả trong việc khai thác, tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Phát triển tỉnh Thanh Hóa

Phải nhận thức rõ rằng, cơ chế đặc thù không đồng nghĩa với việc trao quyền cho một cá nhân hay một nhóm người nào đó để làm việc riêng, mà phải coi đó là động lực để phát triển vì sự thịnh vượng chung.

Việc tạo cơ chế đặc thù để Thanh Hóa phát triển là điều cần thiết để địa phương phát triển, đặc biệt là khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 58. Bởi lẽ, chỉ có địa phương mới biết rõ những lợi thế của mình, từ đó để đưa ra mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội phù hợp. Tất nhiên, mục tiêu đó phải phù hợp với sự phát triển tổng thể về kinh tế, xã hội của quốc gia.

Có cơ chế đặc thù là tốt, nhưng việc vận dụng và phát huy lợi thế đã được “trao tặng” phụ thuộc nhiều vào năng lực, trách nhiệm của lãnh đạo địa phương.

Phát triển tỉnh Thanh Hóa

Do đó, phải xác định rõ, cơ chế đặc thù đó sẽ mang lại nguồn lực, lợi ích như thế nào cho địa phương để đầu tư phát triển? Vấn đề này cần có kế hoạch cụ thể và phải được lượng hóa bằng những con số, chi phí đầu tư cụ thể. Việc kiểm soát nguồn lực tài chính khi địa phương được áp dụng các cơ chế đặc thù cũng là cách kiểm soát tốt nguồn lực phát triển, từ đó xác định được việc sử dụng ngân sách đó để phục vụ cho các mục tiêu cụ thể.

Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ, cơ chế đặc thù này có vai trò, ý nghĩa và tác động như thế nào tới trụ cột tăng trưởng kinh tế trở nhất là khi Thanh Hóa đặt mục tiêu trở thành một cực tăng trưởng mới cùng Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển kinh tế phía Bắc.

Các mục tiêu về trụ cột tăng trưởng kinh tế đã được xác định rõ, căn cứ vào những tiềm năng, lợi thế của Thanh Hóa. Điều này cũng đặt ra vấn đề phát triển tương xứng, hài hòa giữa các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Tôi nghĩ rằng, chắc địa phương đã tính toán đến điều này, đồng thời tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đương nhiệm.

Bên cạnh đó, việc sử dụng nguồn ngân sách có được từ cơ chế đặc thù ban tặng cho địa phương cũng cần gắn với trách nhiệm giải trình bởi nói đi cũng phải nói lại, nguồn lực ngân sách của nhà nước cũng là tiền thuế của người dân. Có nguồn lực tài chính để đầu tư đúng lúc, đúng chỗ và gắn với trách nhiệm giải trình với người dân sẽ tăng thêm hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

12/9/2021 09:50
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top