Thanh Hóa nỗ lực chuyển đổi số: Vì một tương lai thịnh vượng

Thanh Hóa nỗ lực chuyển đổi số: Vì một tương lai thịnh vượng

Thứ Tư, 22/09/2021 - 17:10

Chuyển đổi số tại Thanh Hóa

Ngày 03/06/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu Việt Nam gia nhập nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).

Theo đó, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

“Chuyển đổi số không phải là cuộc cách mạng của công nghệ mà là cuộc cách mạng về thể chế. Thể chế cần đi trước một bước và được điều chỉnh linh hoạt để chấp nhận những cái mới: Công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình mới. Chỉ có đổi mới sáng tạo, Việt Nam mới thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng nói về chuyển đổi số

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình về Chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại.

Ở cấp độ quốc gia, chuyển đổi số là chuyển đổi Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số quốc gia. Ở cấp độ địa phương, chuyển đổi số là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn của địa phương đó. Địa phương chuyển đổi số thành công sẽ đóng góp vào thành công chung của chuyển đổi số quốc gia. Do vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ cần có sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử và kinh tế số của địa phương, Thanh Hóa đã và đang nỗ lực trở thành tỉnh dẫn đầu và tập trung các cơ quan, đơn vị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xem đây là nền tảng cơ bản để phát triển chính quyền số và xây dựng nền kinh tế số.

Thanh Hóa chú trọng xây dựng chính quyền điện tử trên cơ sở cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Đây được đánh giá là hướng đi đúng đắn để xây dựng môi trường giao tiếp giữa chính quyền với Nhân dân một cách văn minh, hiện đại, an toàn, tăng “chỉ số minh bạch” của nền hành chính Nhà nước.

Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế

Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa, người vừa được vinh danh là Lãnh đạo chuyển đổi số tiêu biểu năm 2021 tại Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4216/QĐ-UBND về kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo ông Quyết, đây là văn bản quan trọng mở đường, định hướng để cả hệ thống chính trị chung sức thực hiện chuyển đổi số với 3 trụ cột chính: Phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Kế hoạch chuyển đổi số tại Thanh Hóa

Mục tiêu được đặt ra là ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân trên môi trường số. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin còn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền số; hình thành, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số có quy mô lớn, sức cạnh tranh cao, là nền tảng cho phát triển kinh tế số; xã hội số văn minh, hiện đại, an toàn.

Để đạt được các mục tiêu đặt ra về chuyển đổi số, theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa, việc nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, nhất là đối với người đứng đầu đóng vai trò hết sức quan trọng và mang tính quyết định. Theo đó, việc xây dựng hoàn thiện thể chế và công nghệ là động lực. Vấn đề bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững. Còn sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của người dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

“Chuyển đổi số là cả một quá trình diễn ra liên tục, xuyên suốt trong quá trình phát triển của xã hội ngày nay, theo xu thế phát triển của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, trong mỗi giai đoạn đặt ra những mục tiêu để thực hiện. Chuyển đổi số không thể đạt được trong ngày một ngày hai, bởi chuyển đổi số thực chất là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng công nghệ”, ông Đỗ Hữu Quyết nhấn mạnh.

Chuyển đổi số tại Thanh Hóa

Đến thời điểm hiện tại, việc ứng dụng công nghệ thông tin làm nền tảng cho thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, phát triển nền kinh tế số, xã hội số tại Thanh Hóa đã đạt được những thành công nhất định.

Khảo sát cho thấy, hệ thống cổng thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước từ tỉnh đến cấp xã đã được triển khai đồng bộ. Các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin đóng vai trò trụ cột của chính quyền điện tử đã được xây dựng. Tiêu biểu là Cổng dịch vụ công của tỉnh, hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; trục liên thông văn bản LGSP của tỉnh kết nối với trục quốc gia tích hợp 703 thủ tục hành chính lên trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% văn bản, hồ sơ công việc được điều hành, xử lý, lưu trữ trên môi trường mạng (trừ văn bản mật) triển khai đồng bộ cả 3 cấp, từ tỉnh đến xã...

Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin tại các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay đã cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành và hoạt động của các đơn vị: 100% đơn vị có mạng nội bộ LAN, tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức toàn tỉnh đạt 96% máy tính/cán bộ (16.661 máy tính/17.356 cán bộ). Có 100% đơn vị được kết nối Internet băng thông rộng và sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng để phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và chạy các phần mềm nghiệp vụ. Hệ thống mạng truyền dẫn hiện đã kết nối và lắp đặt thiết bị đầu cuối cho tất cả các cơ quan Nhà nước trong tỉnh bằng đường truyền cáp quang.

Chuyển đổi số tại Thanh Hóa
Đến thời điểm hiện tại, việc ứng dụng công nghệ thông tin làm nền tảng cho thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, phát triển nền kinh tế số, xã hội số tại Thanh Hóa đã đạt được những thành công nhất định. Ảnh minh họa: Báo Thanh Hóa.

Tỉnh Thanh Hóa cũng đang tập trung triển khai sử dụng hệ thống một cửa điện tử tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, nâng cao tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Từ năm 2020, tỉnh Thanh Hóa đã bắt đầu đưa vào hoạt động hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh, giúp số hóa toàn bộ hệ thống báo cáo theo Quyết định số 39/2019/QĐ-UBND ngày 03/12/2019 của UBND tỉnh về việc Quy định chế độ báo cáo định kỳ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời giúp đồng bộ với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Việc đưa vào hoạt động phần mềm chấm điểm chỉ số cải cách hành chính; chấm điểm mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc và UBND cấp huyện cũng sẽ tạo ra tác động tích cực, đổi mới trong việc xây dựng bộ máy hành chính.

Theo thống kê, đến nay, tỷ lệ văn bản gửi qua mạng của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện đạt 94,77% (toàn quốc 86,5%); cung cấp dịch vụ công mức độ 3 đạt tỷ lệ 89,52%, mức độ 4 đạt 83,70%.

Ngoài ra, với sự chỉ đạo quyết liệt, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Thanh Hóa đã trở thành một trong những tỉnh nằm trong top đầu của cả nước triển khai hiệu quả xử lý văn bản trên môi trường điện tử và chữ ký số với tỷ lệ đạt 99%, mỗi năm tiết kiệm trên 63 tỷ đồng chi phí hành chính của các cơ quan Nhà nước. 

Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Viễn thông Thanh Hóa triển khai kết nối hệ thống phòng họp trực tuyến từ đầu cầu tại UBND tỉnh, UBND cấp huyện và 559 UBND cấp xã với đầu cầu tại Văn phòng Thủ tướng Chính phủ, phục vụ công tác chỉ đạo của Thủ tướng trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 đạt hiệu quả và được ghi nhận.

Kết quả ứng dụng công nghệ thông tin tại Thanh Hóa

Việc áp dụng đồng bộ các giải pháp nêu trên trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động mạnh giúp Thanh Hóa giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Các giải pháp đột phá về chính quyền điện tử của Thanh Hóa đã thực sự phát huy hiệu quả trong thời kỳ giãn cách xã hội, tăng khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh, hướng tới hiện đại hóa nền hành chính, góp phần tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước. Đồng thời cho thấy một điều không thể phủ nhận: Đầu tư cho công nghệ là sự đầu tư bền vững.

Chuyển đổi số

Công nghệ 4.0 và kỷ nguyên số mở ra nhiều cơ hội nhưng cùng với đó là không ít thách thức đối với các địa phương. Để phát huy được các lợi thế và hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững, đi cùng xu thế của thời đại, các địa phương phải chủ động thích ứng và tận dụng thời cơ, nếu không sẽ trở nên lạc hậu, bị tụt lại phía sau dòng chảy chuyển đổi số và cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra ngày một sôi động.

Nhận thức rõ điều này, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đang thực sự đóng vai trò dẫn dắt, tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin để cải cách thể chế, làm tiền đề để thúc đẩy các doanh nghiệp, người dân thích nghi và đóng góp vào công cuộc phát triển nền kinh tế số, xã hội số, xây dựng đô thị thông minh…

Ngược lại, trong triển khai xây dựng chính quyền điện tử, các doanh nghiệp công nghệ thông tin quy mô lớn cũng đóng vai trò rất quan trọng, vừa là đơn vị tiên phong trong việc số hóa các hoạt động của mình, vừa là động lực dẫn dắt chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

“Chuyển đổi số phải được triển khai toàn diện, đồng bộ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh. Chuyển đổi số lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa Đỗ Hữu Quyết khẳng định.

Theo đó, nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã và đang trở thành đội ngũ chủ lực trong quá trình triển khai chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực, ngành nghề tại Thanh Hóa. Đơn cử như VNPT, trên cơ sở thỏa thuận hợp tác chiến lược về viễn thông và công nghệ thông tin giữa UBND tỉnh Thanh Hóa với tập đoàn, VNPT Thanh Hóa đang triển khai nhiều giải pháp chính quyền điện tử trên quy mô toàn tỉnh.

“VNPT cũng đã ký thỏa thuận hợp tác và triển khai các giải pháp cho các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố. Có thể kể đến như Hệ thống phần mềm đánh giá chỉ số cải cách hành chính; Dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên Cổng dịch vụ Công tỉnh Thanh Hóa; Hệ thống Cổng thông tin/Trang thông tin điện tử cho UBND cấp huyện, cấp xã; Hệ thống Truyền hình Hội nghị liên thông từ cấp Trung ương, cấp tỉnh đến cấp xã; Hệ thống phòng họp không giấy tờ, dịch vụ ký số trên thiết bị di động thông minh...”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc VNPT Thanh Hóa khẳng định.

Việc xây dựng chính quyền điện tử mang tính dẫn dắt, định hướng và làm nền tảng cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tích cực thực hiện các giải pháp chuyển đổi số. Và đây cũng là tiền đề để hướng đến phát triển nền kinh tế số. Điều quyết định thành công khi thực hiện chuyển đổi số chính là sự sẵn sàng về phương diện lãnh đạo và tổ chức để xây dựng tiến trình chuyển đổi số đạt hiệu quả trong các doanh nghiệp.

Chuyển đổi số
Việc xây dựng chính quyền điện tử mang tính dẫn dắt, định hướng và làm nền tảng cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tích cực thực hiện các giải pháp chuyển đổi số. Ảnh minh họa.

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Thanh Hóa luôn duy trì là địa phương đứng thứ 7 cả nước về số doanh nghiệp thành lập mới. Cùng với sự phát triển nhanh về số lượng, các doanh nghiệp trong tỉnh đã nhanh chóng tiếp cận xu hướng chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phục vụ quá trình điều hành sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã trang bị cơ sở hạ tầng khá tốt cho việc tiếp cận xu thế chuyển đổi số. Trong đó, các doanh nghiệp sở hữu nền tảng số hóa có thể triển khai các hoạt động hiệu quả hơn, nhanh hơn, chính xác và chất lượng hơn. Các giải pháp quản trị và vận hành nhờ số hóa gia tăng hiệu quả từ 30 - 40% so với các giải pháp truyền thống.

Nhận định về tầm quan trọng của hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp, ông Đỗ Đình Hiệu, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa cho hay, trong kỷ nguyên số, mọi hoạt động, mọi doanh nghiệp đều thực hiện số hóa để thích ứng với những nhu cầu đang dịch chuyển và thay đổi. Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong doanh nghiệp còn tạo ra nền tảng giúp cho các chức năng kết nối đa tuyến và đa chiều với nhau trong nội bộ của doanh nghiệp và các tổ chức. Do đó, tiếp cận, ứng dụng công nghệ số sẽ là cơ sở, nền tảng để giải quyết nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, từ quản trị doanh nghiệp, quản lý nhân sự, tài chính, hoạt động sản xuất, kinh doanh hay xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa vừa được vinh danh là lãnh đạo chuyển đổi số tiêu biểu.

Theo chia sẻ của ông Đỗ Hữu Quyết, phấn đấu đến năm 2025, Thanh Hóa sẽ cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các doanh nghiệp; người dân được hưởng thụ các dịch vụ, tiện ích từ công cuộc chuyển đổi số; kinh tế số chiếm 20% GRDP; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ 01 doanh nghiệp công nghệ số/1000 dân; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại di động thông minh; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên đạt 50%,…

Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai các bước theo đúng kế hoạch, lộ trình đã đề ra. Tất cả nhằm quyết tâm thực hiện hiệu quả, đồng bộ 3 trụ cột của chuyển đổi số đó là: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đã đề ra trong điều kiện biến đổi khí hậu, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp, khó lường; tạo đà để đưa Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững trong tương lai./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top