UBND tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt Quyết định, xác nhận kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Qua đó, phê duyệt đấu giá 736 dự án (mặt bằng), tổng diện tích theo quy hoạch là 2.093,5ha, tổng diện tích đất dự kiến đấu giá là 586,2ha.
Đáng chú ý, thông qua việc đưa vào đấu giá hàng trăm mặt bằng với tổng diện tích "khủng" nêu trên, tỉnh Thanh Hóa dự kiến sẽ thu tiền sử dụng đất với tổng số tiền lên đến 18.546,7 tỷ đồng (tiền sử dụng đất thu được sau khi trừ GPMB, hạ tầng kỹ thuật là 11.336 tỷ đồng).
Trong đó, các địa phương được đưa vào đấu giá với số lượng dự án như sau: TP. Thanh Hóa (29 dự án); huyện Đông Sơn (88 dự án); huyện Hoằng Hóa (71 dự án); huyện Thọ Xuân (65 dự án); huyện Quảng Xương 58 dự án; huyện Thiệu Hóa (55 dự án); huyện Yên Định (55 dự án); huyện Nga Sơn (42 dự án); thị xã Nghi Sơn (31 dự án); Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa (10 dự án)...
UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa chỉ đạo các phòng ban chuyên môn có liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn, trên cơ sở danh mục các dự án đấu giá được UBND tỉnh phê duyệt, khẩn trương tổ chức thực hiện các công việc tiếp theo để đảm bảo đầy đủ các điều kiện tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất các dự án theo quy định của pháp luật.
Đồng thời tổ chức xây dựng giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất phải đảm bảo quy định của pháp luật, sát với giá thị trường, nhằm thu hút người tham gia đấu giá và tổ chức đấu giá đạt hiệu quả cao, mang lại nguồn thu cao nhất cho ngân sách nhà nước.
Lựa chọn những dự án (mặt bằng) đã có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, có khả năng đấu giá thành công, quy mô dự án phù hợp để tập trung triển khai thực hiện đấu giá trước. Tổ chức giám sát chặt chẽ công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thuộc phạm vi quản lý đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch.
Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi. Cùng với đó, lựa chọn các đơn vị tổ chức đấu giá có kinh nghiệm, năng lực tốt và việc tổ chức thực hiện đấu giá phải đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng quy định hiện hành của pháp luật.
Qua quyết định nêu trên, có thể thấy, việc tổ chức đấu giá đất tại Thanh Hóa được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương, đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế và hạ tầng của tỉnh. Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch này cũng đồng nghĩa với việc sẽ đối diện với một số thách thức.
Liên quan đến việc hoạt động đấu giá tại tỉnh Thanh Hóa trong những năm gần đây có thu hút được nhiều người quan tâm hay không, lưu lượng người dân xây dựng nhà ở tại các mặt bằng để sinh sống thế nào, nguồn thu từ đấu giá có mang lại hiệu quả như kỳ vọng ban đầu..., Reatimes sẽ tiếp tục đề cập sau khi nghiên cứu, phân tích các cứ liệu về đấu giá đất tại địa phương này./.