Aa

Thanh khoản bất động sản chuyển động theo làn sóng hạ lãi suất

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Chủ Nhật, 11/06/2023 - 09:52

Kể từ trung tuần tháng 3 tới nay, Ngân hàng Nhà nước đã ba lần giảm lãi suất điều hành. Song mức điều chỉnh này còn “khiêm tốn” nên thanh khoản thị trường bất động sản vẫn chưa có nhiều chuyển biến.

Lãi suất giảm… “khiêm tốn”

Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, triển vọng kinh tế toàn cầu phục hồi thiếu chắc chắn, lạm phát giảm chậm, rủi ro hệ thống ngân hàng phát sinh ở một số nền kinh tế lớn và nguy cơ suy thoái kinh tế khiến nhiều ngân hàng trung ương điều chỉnh chậm lại đà tăng lãi suất.

Còn ở trong nước, tăng trưởng kinh tế còn nhiều khó khăn, lạm phát được kiểm soát; thanh khoản của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được đảm bảo.

Do đó, tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh lãi suất điều hành. 

Theo đó, chỉ trong vòng hơn 2 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã ba lần giảm lãi suất điều hành. Hiện lãi suất cho vay của các khoản vay mới bình quân đang ở mức khoảng 9,07%. 

Động thái điều chỉnh lãi suất linh động phía Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đến nay đã đánh dấu sự chuyển biến quan trọng của chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng.

Trong một báo cáo mới phát hành, Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, việc hạ lãi suất điều hành sẽ tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất hạ xuống, giúp chi phí sử dụng dòng vốn thấp. Từ đó, các doanh nghiệp có thể cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh. Đồng thời, người dân có thể quyết định tiêu dùng nhiều hơn khi chi phí vay vốn thấp. Hiện tượng này sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng khối lượng đơn hàng cho doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, chênh lệch hoán đổi (swap) giữa VND và USD hiện vẫn đang ở mức âm, tuy nhiên đã thu hẹp đáng kể so với giai đoạn trước. Như vậy, rủi ro dòng vốn ngoại nóng chảy ra khỏi nền kinh tế khi lãi suất USD cao hơn cũng sẽ giảm đi so với giai đoạn trước.

lãi suất giảm
Mức điều chỉnh lãi suất còn “khiêm tốn” so với nhu cầu mong muốn của thị trường, của cộng đồng doanh nghiệp nên thanh khoản toàn thị trường bất động sản vẫn chưa có nhiều chuyển biến rõ nét. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Còn theo giới chuyên gia, vai trò quan trọng nhất của việc hạ lãi suất ở bối cảnh hiện tại chính là hồi phục thanh khoản thị trường bất động sản. Bởi thanh khoản của thị trường, đặc biệt là thị trường bất động sản sẽ chuyển động theo làn sóng hạ lãi suất. 

Tuy nhiên, nhiều đánh giá cho rằng, mức điều chỉnh lãi suất còn “khiêm tốn” so với nhu cầu mong muốn của thị trường, của cộng đồng doanh nghiệp nên thanh khoản toàn thị trường bất động sản vẫn chưa có nhiều chuyển biến rõ nét. 

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, chỉ khi nào lãi suất trung bình giảm xuống mức 8% thì khi đó thị trường bất động sản mới có phản ứng tích cực, thanh khoản mới bắt đầu đi lên. Bởi 8% là con số nằm trong khả năng chi trả lãi vay của nhà đầu tư, khiến nhà đầu tư chấp nhận sử dụng đòn bẩy tài chính.

Thanh khoản bất động sản vẫn “ì ạch” 

Chia sẻ tại một sự kiện mới đây, ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc DKRA Group đánh giá, việc giảm lãi suất thời gian qua tuy là điều kiện cần thiết nhưng vẫn chưa đủ để tạo động lực cho thị trường bất động sản hồi phục trong ngắn hạn.

Hiện nay, các chủ đầu tư chấp nhận vay mức lãi suất này để “gồng” qua thời điểm khó khăn. Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư cá nhân mức lãi suất này vẫn quá cao, khiến thanh khoản thị trường chưa thể thoát khỏi trạng thái “ì ạch”.

Tại một số phân khúc, giá sơ cấp tăng 5 - 7%, nhưng tại thị trường thứ cấp lại “cắt lỗ” bất động sản 20 - 30% đang diễn ra mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Đồng quan điểm, ông Lê Quốc Kiên, chuyên gia đầu tư bất động sản cho rằng, thời điểm này lãi suất đã giảm thì thị trường không thể xấu hơn. Tuy nhiên, ông cũng nhận định việc “không xấu hơn” cũng không đồng nghĩa với việc thị trường sẽ tốt lên.

Ông Kiên cho rằng, trong quý III và IV năm nay, thị trường bất động sản sẽ có mức giá đi ngang, cho thấy sự “giằng co” của bên bán (đang gồng để không phải giảm) và bên mua (đang chờ giá xuống). Thanh khoản cũng vì vậy mà chưa thể chuyển biến một cách mạnh mẽ. 

BĐS
Ngay cả khi lãi suất ngân hàng giảm thì việc tiếp cận vốn của nhiều doanh nghiệp vẫn không dễ dàng.
(Ảnh: Hoàng Hà)

Ở một góc nhìn khác, nhiều quan điểm lại nhìn nhận việc thanh khoản thị trường bất động sản chưa được “kick off” sau làn sóng hạ lãi suất là do doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Bởi hiện nay có một thực tế đang diễn ra là ngay cả khi lãi suất ngân hàng giảm thì việc tiếp cận vốn của nhiều doanh nghiệp vẫn không dễ dàng.

Trong bảng tổng hợp ý kiến của các Hiệp hội gửi đến Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp cho rằng, khó khăn phổ biến mà doanh nghiệp đang gặp phải là không tiếp cận được vốn vay. Rất nhiều doanh nghiệp, không thể vay vốn ngân hàng vì không còn tài sản đảm bảo hoặc tình hình tài chính yếu kém. Nhiều doanh nghiệp không được giải ngân, chuyển nhóm nợ xấu. Nguyên nhân là do ngân hàng vẫn buộc phải bảo đảm khả năng thanh toán, tài sản thế chấp… Đây là một trong những điều kiện rất khó cho doanh nghiệp mà cần có sự linh hoạt để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về nguồn tài chính như hiện nay.

Do đó, rất nhiều doanh nghiệp địa ốc mong muốn, Nhà nước nên có quy định, điều kiện vay vốn riêng cho ngành, xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả và dòng tiền của các doanh nghiệp.

“Lãi suất có giảm mà điều kiện cho phép doanh nghiệp tiếp cận khó khăn thì vấn đề dòng tiền để hồi phục thanh khoản, hồi phục thị trường cũng không thể giải quyết. Vì vậy, để việc giảm lãi suất phát huy hiệu quả, vấn đề quan trọng không kém là phải có giải pháp đồng bộ gỡ khó cho doanh nghiệp để tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Muốn làm được điều này, rất cần có thêm các chính sách hỗ trợ khác để cộng hưởng cùng chính sách tiền tệ, như tháo gỡ pháp lý cho thị trường bất động sản, gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công… Đặc biệt là có những cơ chế cởi mở hơn nữa về tài sản đảm bảo, đánh giá nhóm nợ để doanh nghiệp có thể dễ tiếp cận dòng vốn tín dụng”, đại diện doanh nghiệp phía Nam chia sẻ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top