Aa

Thành lập "siêu uỷ ban" quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Thứ Hai, 05/02/2018 - 22:42

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 09/NQ-CP thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Cụ thể, Chính phủ quyết nghị thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, con dấu hình quốc huy và tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo quyết định, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Tổ trưởng Tổ công tác.

Tại họp báo Chính phủ vừa được tổ chức ngày 2/2, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương khẳng định, “siêu Uỷ ban” sẽ có mô hình hoạt động khác với mô hình của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

“SCIC chỉ là một mô hình quản lý và kinh doanh vốn tại các công ty, tổng công ty, tập đoàn có vốn nhà nước. Còn Ủy ban sẽ quản lý tổng thể, tất cả tài sản bao gồm cả quản lý khối tài sản trị giá khoảng 5 triệu tỷ đồng. Vậy nên, nó là một định chế bao trùm. Sẽ có các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng để bao quát toàn bộ”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII (2016) đã thống nhất chủ trương thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại điện chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp nhà nước. Sau đó, Bộ KH&ĐT trình Chính phủ dự thảo thành lập “siêu Ủy ban”.

Theo dự thảo này, Ủy ban sẽ được quản lý bởi các bộ, cơ quan ngang bộ theo ngành, lĩnh vực, song sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp với Chính phủ về kết quả và hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng tài sản và vốn tại các doanh nghiệp.

Khi Ủy ban được thành lập, sẽ tách hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước ra khỏi Bộ chủ quản và chuyển sang cơ quan chuyên trách. Siêu ủy ban sẽ xóa bỏ tình trạng DNNN bị quản lý phân tán ở các Bộ như hiện nay, các cơ quan quản lý Nhà nước có thể làm tốt hơn trong công tác xây dựng chính sách.

Dự thảo đã công bố danh sách dự kiến 30 doanh nghiệp và vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ chuyển giao cho Ủy ban này quản lý, trong đó có 9/10 tập đoàn kinh tế (ngoại trừ Tập đoàn Viettel là doanh nghiệp quốc phòng) và 21 tổng công ty đang thuộc sự quản lý của 7 bộ, gồm Công thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp, Tài chính, Thông tin truyền thông, Xây dựng và Y tế.

Đáng chú ý là Ủy ban mới này cũng sẽ quản lý cả Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) – doanh nghiệp được thành lập với chức năng tương tự như Ủy ban. Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), SCIC được lập ra để quản lý tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp theo mô hình tiên tiến, chuyên nghiệp chuẩn thế giới. Tuy vậy, vị thế "thấp" của SCIC làm cho cơ quan này khó "điều khiển" các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lớn. Thực tế, SCIC mới chỉ quản lý được 7-10% vốn Nhà nước tại doanh nghiệp./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top