Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký quyết định phê duyệt quy hoạch TP. HCM cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch, TP. HCM được định hướng trở thành một đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững, giữ vai trò trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á.
Thành phố sẽ là nơi hội tụ kinh tế và văn hóa đặc sắc, với chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao. Đồng thời, TP. HCM sẽ tiếp tục khẳng định vị trí là hạt nhân của vùng Đông Nam Bộ và vùng TP. HCM, đóng vai trò cực tăng trưởng chiến lược của cả nước.
Trong giai đoạn đến năm 2030, TP. HCM sẽ phát triển thành một đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động và sáng tạo. Thành phố tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ và công nghiệp hiện đại, trở thành đầu tàu trong các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số và xã hội số.
Bên cạnh đó, TP. HCM cũng hướng tới vai trò là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại - dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ hàng đầu cả nước, với mức độ hội nhập quốc tế sâu rộng.
Đến năm 2050, TP. HCM phấn đấu đạt vị thế nổi bật trong khu vực Đông Nam Á. Thành phố sẽ nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu nhập bình quân đầu người, vượt ngưỡng thu nhập cao.
Đồng thời, TP. HCM sẽ là nơi có chất lượng cuộc sống vượt trội, bản sắc văn hóa phong phú, môi trường bền vững và khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.
Quy hoạch TP. HCM đặt trọng tâm vào phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm. Đến năm 2030, thành phố sẽ tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã dựa trên tiêu chí diện tích và dân số, đồng thời thúc đẩy mô hình “làng trong phố, phố trong làng” kết hợp bảo tồn giá trị truyền thống và phát triển bền vững.
TP. HCM sẽ bao gồm khu vực đô thị trung tâm và sáu đô thị trực thuộc. TP. Thủ Đức được định hướng là đô thị loại I cùng với năm đô thị vệ tinh gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ - tất cả đều hướng tới đạt chuẩn để nâng cấp thành thành phố.
Không gian phát triển mới sẽ được hình thành thông qua việc quy hoạch không gian ngầm, không gian nước và không gian số. Hệ thống đô thị được tổ chức theo định hướng đa chức năng, bao gồm các khu đô thị tri thức sáng tạo, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, cùng các vùng đệm sinh thái giữa các đô thị.
Sau năm 2030, TP. HCM sẽ triển khai mô hình thành phố đa trung tâm gồm: đô thị trung tâm, đô thị Thủ Đức, đô thị Củ Chi - Hóc Môn, đô thị Bình Chánh, đô thị quận 7 - Nhà Bè và đô thị Cần Giờ với vai trò đô thị sinh thái biển.
Đến năm 2050, TP. HCM sẽ hoàn thành mô hình thành phố đa trung tâm, trong đó các đô thị trực thuộc được quy hoạch và phát triển bền vững theo tiêu chí của chương trình phát triển đô thị quốc gia.
Đứng ở vị trí thứ hai là Hà Nội với thu nhập bình quân đạt 6,86 triệu đồng/người/tháng. Đồng Nai giữ vị trí thứ ba với mức thu nhập 6,57 triệu đồng/người/tháng. TP. HCM xếp thứ tư với thu nhập bình quân 6,51 triệu đồng/người/tháng.