Aa

Thành phố giàu nhất Việt Nam dự kiến xây trung tâm tái chế pin xe điện, quy mô 3.000 tấn/năm

Thứ Sáu, 25/07/2025 - 15:05

Theo TP. HCM, nếu các nhà máy tái chế đáp ứng đủ tiêu chuẩn, sẽ được hưởng các ưu đãi như tiếp cận nguồn vốn vay, hoặc sử dụng quỹ bảo vệ môi trường để tài trợ.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 24/7, Viện Nghiên cứu Phát triển TP. HCM đã công bố đề xuất xây dựng các trung tâm tái chế pin xe điện, nhằm xử lý lượng pin thải dự kiến phát sinh từ đề án chuyển đổi xe hai bánh sang xe điện. Mục tiêu là giảm thiểu rủi ro môi trường, đồng thời phát triển chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp xanh.

Ông Lê Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế thuộc Viện cho biết, việc xây dựng hệ thống tái chế pin là một phần trọng tâm trong đề án chuyển đổi 400.000 xe của tài xế công nghệ và giao hàng sang xe điện.

“Chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng các trung tâm tái chế với công suất khoảng 3.000 tấn mỗi năm, có khả năng thu hồi từ 90-95% kim loại quý trong pin đã qua sử dụng”, ông Hải chia sẻ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Để thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực này, Viện đã đề xuất nhiều cơ chế hỗ trợ từ phía nhà nước. Theo ông Hải, nếu các nhà máy tái chế đáp ứng đủ tiêu chuẩn, sẽ được hưởng các ưu đãi như tiếp cận nguồn vốn vay, hoặc sử dụng quỹ bảo vệ môi trường để tài trợ.

“Chúng ta cần có chính sách khuyến khích mạnh mẽ để hình thành hệ sinh thái tái chế bền vững”, ông nói thêm.

Về mặt pháp lý, ông Hải dẫn chiếu Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, trong đó quy định rõ trách nhiệm tái chế của các nhà sản xuất và phân phối pin.

“Theo luật, các doanh nghiệp sẽ phải đóng khoản phí tái chế tương ứng với lượng pin cung cấp ra thị trường. Trường hợp tự xây dựng nhà máy tái chế, họ có thể được hoãn nộp hoặc bù trừ khoản phí này”, ông Hải nhấn mạnh.

Tầm nhìn dài hạn cho lĩnh vực này cũng được xác lập rõ ràng. Trong 10 năm tới, TP. HCM kỳ vọng sẽ hình thành mạng lưới các trung tâm và nhà máy tái chế pin đạt chuẩn, góp phần giảm thiểu tác động môi trường và thúc đẩy nền công nghiệp xanh phát triển.

Bên cạnh tái chế, các giải pháp kéo dài tuổi thọ và tái sử dụng pin cũng đang được nghiên cứu và áp dụng.

“Pin xe điện sau khi không còn đủ hiệu suất cho phương tiện vẫn có thể được dùng vào mục đích khác như tích trữ năng lượng cho nhà máy điện mặt trời, các cơ sở tại khu vực nông thôn, hoặc sản xuất các tấm thu năng lượng”, ông Hải cho biết.

Ông nhấn mạnh rằng công nghệ này đang tiếp tục được hoàn thiện và đã cho thấy hiệu quả khả thi.

Trước đó, Viện Nghiên cứu Phát triển TP. HCM đã công bố dự thảo đề án chuyển đổi xe hai bánh từ xăng sang điện cho tài xế công nghệ và giao hàng trong đó nêu rõ mục tiêu thành lập các trung tâm “Battery-as-a-Service” và xưởng tái chế pin đạt chuẩn châu Âu.

Các trung tâm này sẽ thực hiện thu hồi kim loại quý, tái sử dụng pin và giảm thiểu tác động đến môi trường, đồng thời góp phần hoàn thiện chuỗi giá trị công nghiệp điện hóa.

Về quy mô, trung tâm tái chế được thiết kế với công suất 3.000 tấn/năm, hiệu suất thu hồi kim loại quý đạt trên 90%. Doanh nghiệp đạt tỷ lệ thu hồi trên 95% sẽ được bù trừ 50% phí tái chế theo cơ chế khuyến khích.

Đề án cũng hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn, trong đó kim loại thu hồi từ xe xăng cũ sẽ được ưu tiên sử dụng làm khung và mâm xe điện sản xuất trong nước, góp phần giảm rác thải đô thị và thúc đẩy sản xuất sạch.

Tổng thể, đề án không chỉ đặt mục tiêu bảo vệ môi trường và nâng cao tính bền vững cho ngành xe điện, mà còn kỳ vọng tạo ra khoảng 5.000 việc làm xanh, góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn tại TP. HCM.

TP. HCM là thành phố giàu nhất Việt Nam nhờ vai trò trung tâm kinh tế, tài chính và thương mại hàng đầu cả nước. Sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, vai trò "đầu tàu kinh tế" của thành phố tiếp tục được củng cố khi quy mô của TP. HCM mới chiếm đến 1/4 GDP của cả nước.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top