Phường Bình Dương với diện tích hơn 58km2 được sáp nhập từ các phường Phú Mỹ, Phú Tân và Hòa Phú của TP. Thủ Dầu Một với phường Phú Chánh, TP. Tân Uyên, tỉnh Bình Dương cũ đã trở thành địa phương nhiều khu công nghiệp nhất của TP. HCM cũng như cả nước.
Phường hiện sở hữu 7 khu công nghiệp gồm Việt Nam - Singapore II; Sóng Thần III; Đại Đăng; Kim Huy; Đồng An 2; Phú Tân; Mapletree Bình Dương và 1 cụm công nghiệp là cụm Công nghiệp Phú Chánh. Sự hiện hiện của các khu công nghiệp là khẳng định về vai trò trung tâm công nghiệp quy mô lớn, hiện đại bậc nhất Việt Nam của phường mới.

Khu công nghiệp VSIP II tại phường Bình Dương. Ảnh: Báo Người Lao Động
Sở hữu vị trí chiến lược ngay trung tâm hành chính cũ của tỉnh Bình Dương, phường Bình Dương liền có kết nối thuận tiện với TP. HCM cùng các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hệ thống giao thông đồng bộ gồm quốc lộ, tỉnh lộ, tuyến metro số 1 Thành phố mới Bình Dương – Suối Tiên, gần sân bay Tân Sơn Nhất và các cảng lớn như Cát Lái, Cái Mép đã biến nơi đây thành đầu mối logistics quan trọng, tối ưu cho sản xuất, xuất nhập khẩu.
Trong quy hoạch, phường còn nằm trọn trong khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ – Đô thị rộng 1.600ha với khu trung tâm Thành phố mới Bình Dương trước đây quy mô 1.000ha đóng vai trò dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội toàn phường.
Những lợi thế vượt trội về hạ tầng và quy hoạch được củng cố bởi sự hiện diện của Trung tâm Thương mại Thế giới WTC, dự kiến tổ hợp thương mại - dịch vụ tại vòng xoay lớn nhất Bình Dương cũ, cùng các công trình công cộng, trung tâm thương mại, thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục đồng bộ, tạo nên diện mạo một đô thị hiện đại, năng động và giàu tiềm năng.

Một góc phường Bình Dương. Ảnh: Internet
Phường Bình Dương không chỉ là "siêu phường" công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp gần như tuyệt đối mà còn là hạt nhân trong chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP. HCM nói riêng và cả vùng nói chung. Các khu công nghiệp tại đây được đầu tư bài bản, đạt chuẩn quốc tế về hạ tầng kỹ thuật, điện, nước, xử lý môi trường, phòng cháy chữa cháy và viễn thông, sẵn sàng đón dòng vốn FDI chất lượng cao trong các ngành điện tử, cơ khí, chế biến thực phẩm, công nghiệp xanh và năng lượng tái tạo.
Tiềm năng phát triển của phường tiếp tục được củng cố nhờ quỹ đất công nghiệp dồi dào, lực lượng lao động trẻ, chính sách ưu đãi đầu tư thông thoáng và định hướng phát triển bền vững, hiện đại. Những dự án quy mô lớn như VSIP III với khoản đầu tư hơn 1,3 tỷ USD của LEGO, sử dụng năng lượng sạch và thân thiện môi trường, đã khẳng định vị thế và sức hút của phường Bình Dương trong chiến lược phát triển công nghiệp thế hệ mới.
Với những lợi thế về vị trí, hạ tầng, quy hoạch đồng bộ và môi trường đầu tư hấp dẫn, phường Bình Dương không chỉ khẳng định vai trò là trung tâm công nghiệp hàng đầu cả nước mà còn đang bứt phá mạnh mẽ, trở thành hình mẫu đô thị thông minh, góp phần quan trọng kiến tạo diện mạo mới, bền vững cho TP. HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong tương lai.
TP. HCM là thành phố giàu nhất Việt Nam nhờ vai trò trung tâm kinh tế, tài chính và thương mại hàng đầu cả nước. Sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, vai trò "đầu tàu kinh tế" của thành phố tiếp tục được củng cố khi quy mô của TP. HCM mới chiếm đến 1/4 GDP của cả nước.