Mới đây, một khách hàng mua căn hộ tại dự án CitiGrand, tọa lạc tại thửa đất số 268, tờ bản đồ số 38, phường Cát Lái, do Công ty TNHH Đầu tư Vĩnh Phú làm chủ đầu tư đã có đơn thư phản ánh về các vướng mắc khi mua căn hộ tại dự án này.
Theo đó, ông Ngọc Cường cho biết, ngày 17/05/2020, ông thực hiện ký kết văn bản thỏa thuận số A08-08/VBTT-VP.CG với Công ty TNHH Đầu tư Vĩnh Phú có nội dung chính: "Công ty có quyền sử dụng đất Thửa đất số 268, Tờ bản đồ số 38, phường Cát Lái. Công ty đang thực hiện các thủ tục để triển khai dự án “CitiGrand”. Khách hàng đồng ý mua một căn hộ mã số A08-08 tại Lầu 8, thuộc Tòa A, diện tích sử dụng 52,83 m². Giá bán căn hộ: 2.487.605.000 VND (chưa thuế gtgt, phí bảo trì); Giá trị đặt cọc: 621.901.250 VND với 05 đợt thanh toán tiền đặt cọc)".
Ông Cường đã thanh toán cho Công ty tổng số tiền: 621.901.250 VND. Sau thời gian này, ông Cường tìm hiểu về pháp lý của dự án và phát hiện doanh nghiệp đã tiến hành huy động vốn chưa đúng với các quy định của pháp luật. Do đó, ông đã có đơn thư gửi đến cơ quan chức năng, đề nghị xử lý đối với doanh nghiệp đã thực hiện hành vi bị cấm của Luật.
Theo ông Cường, công ty có hành vi bị cấm theo Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014. Cụ thể, căn cứ theo các khoản 1, 4, 5 Điều 8 Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014 quy định về các hành vi bị cấm: kinh doanh bất động sản không đủ điều kiện theo quy định của Luật KD BĐS năm 2014; gian lận, lừa dối trong kinh doanh bất động sản; huy động, chiếm dụng vốn trái phép.
Hành vi bị cấm của Luật Nhà ở năm 2014: căn cứ theo các khoản 8, 9 Điều 8 Luật Nhà ở năm 2014 quy định về các hành vi bị cấm: thực hiện các giao dịch mua bán, chuyển nhượng hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở không đúng quy định của Luật Nhà ở năm 2014.
"Các hành vi vi phạm của Công ty TNHH Đầu tư Vĩnh Phú, bao gồm hành vi kinh doanh bất động sản mà bất động sản không bảo đảm các điều kiện theo quy định – vi phạm điều cấm tại khoản 1 Điều 8 Luật KD BĐS năm 2014 và khoản 4 Điều 8 Luật Nhà ở năm 2014
Công ty TNHH Đầu tư Vĩnh Phú ký kết Văn bản thỏa thuận số A08-08/VBTT-VP.CG ngày 17/05/2020 đưa các sản phẩm bất động sản vào kinh doanh khi chưa đủ điều kiện theo Điều 55, Điều 56 Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014.
Nay Công ty TNHH Đầu tư Vĩnh Phú tiếp tục ép buộc người tiêu dùng phải ký kết hợp đồng mua bán căn hộ nhưng Công ty hoàn toàn không cung cấp cho người tiêu dùng: (i) Giấy tờ pháp lý của dự án; (ii) Thông báo của Cơ quan nhà nước và Mẫu hợp đồng mua bán căn hộ đã đăng được ký theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010; (iii) Thông báo của Sở Xây dựng về việc bất động sản đủ điều kiện đưa vào giao dịch (Điều 55 Luật KDBĐS 2014); (iv) Hợp đồng bảo lãnh (Điều 56 Luật KDBĐS 2014); (v). Đơn phương tăng giá bán căn hộ lên từ 2.487.605.000 VND (chưa thuế gtgt, phí bảo trì) thành 2.735.813.258 đồng (bao gồm thuế gtgt).
Đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đối theo điểm a khoản 3 Điều 58 Nghị định 16/2022/NĐ- CP ngày 28/1/2022: “Kinh doanh bất động sản mà bất động sản đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định"", ông Cường nêu trong đơn thư.
Cũng theo vị khách hàng, doanh nghiệp cũng có hành vi huy động, chiếm dụng vốn trái phép – vi phạm hành vi bị cấm tại khoản 5 Điều 8 Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014.
"Công ty TNHH Đầu tư Vĩnh Phú ký kết Văn bản thỏa thuận số A08-08/VBTT-VP.CG ngày 17/05/2020 của dự án nhưng không phải là hoạt động huy động vốn, không đủ điều kiện để huy động vốn, không đúng hình thức theo quy định Điều 68 Luật Nhà ở năm 2014 và Điều 19, khoản 6.
Đồng thời, doanh nghiệp có hành vi huy động, chiếm dụng vốn trái phép – vi phạm hành vi bị cấm tại khoản 5 Điều 8 Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014.
Công ty TNHH Đầu tư Vĩnh Phú ký kết Văn bản thỏa thuận số A08-08/VBTT-VP.CG ngày 17/05/2020 của Dự án nhưng không phải là hoạt động huy động vốn, không đủ điều kiện để huy động vốn, không đúng hình thức theo quy định Điều 68 Luật Nhà ở năm 2014 và Điều 19, khoản 6 Điều 81 Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/5/2015.
Tiền đặt cọc 621.901.250 VND của người tiêu dùng đã giao vẫn thuộc sở hữu của người tiêu dùng. Theo Bộ Luật dân sự 2015 và Nghị định 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 quy định về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là đặt cọc, Công ty TNHH Đầu tư Vĩnh Phú phải bảo quản, không được chuyển cho bên thứ ba, không được dùng số tiền tiền đặt cọc này để thanh toán cho các nghĩa vụ khác.
Tôi đề nghị Cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra tài khoản Công ty đã nhận số tiền đặt cọc của Tôi và rất nhiều khách hàng khác: Công ty TNHH Đầu tư Vĩnh Phú - 168818699 tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) – Chi nhánh TP.HCM", đơn thư nêu rõ.
Do đó, khách hàng đã đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp xử phạt vi phạm hành chính theo điểm đ khoản 4 Điều 58 (“đ. Huy động vốn không đúng quy định”) và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo điểm p khoản 6 Điều 58 ("p. Buộc hoàn trả phần vốn đã huy động không đúng quy định với hành vi quy định tại điểm đ khoản 4 Điều này”) của Nghị định 16/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022.
Ngoài ra, khách hàng cho rằng, theo điểm d khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính (“Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần”), do đó đề nghị áp dụng xử phạt theo điểm a khoản 3 Điều 58 (nếu Công ty không sử dụng số tiền của đặt cọc của người tiêu dùng) và xử phạt theo điểm đ khoản 4 và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo điểm p khoản 6 Điều 58 (nếu Công ty đã sử dụng số tiền của đặt cọc của người tiêu dùng) của Nghị định 16/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022./.