Quốc lộ 91 là một trong những tuyến đường huyết mạch của TP. Cần Thơ, đồng thời là cửa ngõ kết nối trung tâm TP. Cần Thơ với Khu công nghiệp Trà Nóc, tỉnh An Giang, Kiên Giang… Tuyến đường này có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất đông, nhất là vào các giờ cao điểm; do đường hẹp, xuống cấp, lại thường xuyên bị ngập nước vào mùa triều cường…
Người dân đã chủ động lấy vật liệu san lại những đoạn loang lổ để không bị đọng nước, nhưng một số chỗ không được xử lý dẫn đến nước ứ đọng gây khó khăn cho việc lưu thông.
Do đó, ngày 23/7/2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, ông Dương Tấn Hiển đã ký phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 91 đoạn từ Km0-Km7. Địa điểm xây dựng dự án tại quận Ninh Kiều và quận Bình Thủy.
Tiến độ thực hiện dự án năm 2023-2027, chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Cần Thơ với tổng mức đầu tư hơn 7.237 tỷ đồng, từ ngân sách Trung ương và địa phương. Dự kiến, dự án sẽ được khởi công xây dựng trước ngày 30/4/2025.
Điểm đầu dự án tại nút giao đường Cách Mạng Tháng Tám - Hùng Vương - Trần Phú - Nguyễn Trãi thuộc địa phận quận Ninh Kiều. Điểm cuối kết nối vào đoạn Km7-Km14 thuộc quận Bình Thủy. Chiều dài toàn tuyến hơn 7km, rộng 23m, 6 làn xe, vận tốc thiết kế 60km/h.
Dự án này cũng sẽ có hạng mục xây mới cầu Bình Thủy, cầu Bình Thủy mới sẽ bao gồm nhịp chính và hai nhịp dẫn. Chiều dài nhịp chính 65m, nhịp dẫn 40m, tổng chiều dài cầu 152,2m. Cầu đảm bảo tĩnh không thông thuyền 30 x 6m.
Đến nay, Ban Quản lý dự án đã triển khai thực hiện 5/12 gói thầu bao gồm tư vấn thiết kế và phối hợp với các ngành liên quan để xúc tiến việc tổ chức các gói thầu còn lại của dự án. Kế hoạch vốn năm 2025 của dự án là 3.235 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố, có khoảng 994 hộ gia đình, cá nhân và 84 tổ chức ảnh hưởng bởi dự án. Tổng chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 5.556 tỷ đồng, nhu cầu tái định cư khoảng 300 nền.
Hiện nay, UBND quận Ninh Kiều và quận Bình Thủy tiếp tục áp giá bồi hoàn và tuyên truyền vận động các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án ủng hộ chủ trương của thành phố, chủ đầu tư đang phối hợp với đơn vị liên quan đưa ra phương án di dời cơ sở hạ tầng như trạm biến áp, đường điện, hệ thống cấp nước sinh hoạt…
Mục tiêu chính của dự án là nâng cao hiệu quả khai thác tuyến đường này. Đặc biệt, dự án sẽ cải thiện kết nối giữa Khu cảng - khu công nghiệp Trà Nóc và Sân bay Cần Thơ với các khu vực lân cận.
Bên cạnh đó, dự án cũng hướng tới việc giảm ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra và nguy cơ tai nạn giao thông trên đoạn Km0-Km7, đồng thời đảm bảo kết nối toàn tuyến, hoàn thiện đồng bộ và tối ưu hóa hiệu quả của dự án.
Theo số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, tốc độ sụt lún đất tại Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra nhanh gấp ba lần so với mực nước biển dâng. Trong đó, TP. Cần Thơ là khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với mức sụt lún trung bình 1,31cm/năm.