Aa

Để những thành phố thông minh không chỉ đáng sống mà còn khơi gợi tình yêu

Thứ Bảy, 10/07/2021 - 13:05

Một thành phố thực sự thông minh là thành phố sử dụng được công nghệ để gắn kết người dân, thu hẹp khoảng cách với chính quyền, và cho phép công dân được hưởng những sản phẩm của sự đồng sáng tạo hiệu quả.

Các thành phố lớn trên thế giới như New York, London, TP.HCM hay Bắc Kinh đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự nhau, đó là quá tải dân số. Sự phát triển nhanh chóng của đô thị hóa khiến cho hầu hết các hệ thống đô thị và cơ sở hạ tầng không còn đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Nhiều thành phố đang gặp rắc rối trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường, đường xá chật chội, giao thông công cộng kém hiệu quả, tệ nạn xã hội… Sự tập trung đông đúc của người dân trong thành phố đã gây ra sự kém hiệu quả và thất bại trong việc vận hành đô thị.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, các thành phố trên thế giới đã tìm ra các giải pháp thông minh để giảm bớt những vấn đề trên. Các hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị (Urban system) đã trở nên hiệu quả hơn trong việc giám sát và phát hiện vấn đề tức thì.

Ngoài ra, việc sử dụng phân tích dữ liệu (data analytics) và tự động hóa (automation) đã cho phép các giải pháp được đưa ra và thực hiện nhanh chóng hơn, đồng thời sáng tạo hơn. Singapore và Surat (Ấn Độ) là hai trong số hàng trăm các thành phố đã được lắp đặt mạng lưới camera theo dõi để giảm tỷ lệ tội phạm.

Thành phố Santander (Đan Mạch) đã lắp đặt 1.2000 máy cảm biến để đo lường giao thông, thời tiết, ô nhiễm không khí. Bằng cách tận dụng công nghệ, các thành phố trở nên năng suất hơn, hiệu quả hơn và đáp ứng tốt hơn các nhu cầu hàng ngày của người dân. Điều này đang tạo ra một sự thay đổi mang tính đột phá trong phát triển đô thị. Có thể thấy được từ các thành phố thông minh trên thế giới, tất cả đều đã áp dụng những công nghệ tiên tiến để tăng hiệu quả của hệ thống và cấu trúc đô thị.

Tuy nhiên, sự hiệu quả trong hệ thống đô thị chưa chắc đã đồng nghĩa với việc đem lại niềm vui cho cư dân của thành phố đó. Đó là một thành phố đáng để sống (livable), nhưng thiếu một bước để tiến tới đáng để yêu (loveable). Ở nhiều thành phố phát triển trên thế giới, công nghệ cập nhật trực tiếp số lượng xe buýt và tàu hỏa đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của thành phố, nhưng lại không có tác dụng trong việc tạo nên bản sắc riêng biệt của thành phố đó.

Không chỉ đơn giản là một cỗ máy công nghệ vận hành tốt, chúng ta cần nâng cao tiêu chuẩn của thành phố thông minh – hệ thống là điều cần thiết nhưng chưa đủ. Một thành phố khơi gợi cả tình yêu của người dân phải có bản sắc – đó là mục đích mà chính quyền và các nhà quy hoạch cần đạt được, và công nghệ chính là phương tiện để thực hiện điều đó. Ngoài việc giải quyết các vấn đề về cấu trúc đô thị, các giải pháp thông minh sẽ giúp cho thành phố trở nên:

Gắn kết: Thành phố đó có đem lại cảm giác kết nối cho cư dân không?

Đáng nhớ: Thành phố đó có để lại ấn tượng cho mọi người không?

Hòa hợp: Chúng ta có thể hoà hợp với thành phố đó không? Chúng ta có thể hình dung ra tinh thần của thành phố đó được không?

Một thành phố thông minh trở nên gắn kết hơn, đáng nhớ hơn và hoà hợp hơn khi công nghệ được sử dụng để tham gia và giúp ích cho con người trong quá trình hình thành và xây dựng thành phố. Quản trị thông minh (Smart governance) được áp dụng khi các nhà lãnh đạo đô thị sử dụng công nghệ để thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền và người dân, cho phép người dân thành phố được thụ hưởng những sản phẩm của sự đồng sáng tạo hiệu quả.

Có rất nhiều ví dụ về cách các quốc gia sử dụng công nghệ để tiếp cận với người dân. Điển hình như thành phố Jaipur (Ấn Độ) đã tiến hành hai vòng tham vấn điện tử với sự tham gia của 1,6 triệu cư dân để yêu cầu người dân đóng góp ý kiến và đề xuất về sự phát triển của di sản thành phố sao cho phù hợp với tầm nhìn hướng tới thành phố thông minh. Điều này cho phép công dân nói lên mong muốn của họ, đóng góp cho tương lai của thành phố và cùng tạo ra một thành phố Jaipur đồng nhất.

Còn tại Melbourne, chính quyền nơi đây đã khởi động Chương trình Hỗ trợ Tiếp cận Mở (Open Accessibility Programme) với sự hợp tác của Ủy ban Tư vấn Người Khuyết tật Thành phố để tìm hiểu cách những người khiếm thính và khiếm thị di chuyển trong thành phố. Các ý tưởng tiềm năng nhằm đáp ứng điều hướng toàn diện bao gồm tích hợp dữ liệu mở của thành phố với các thiết bị phụ trợ thông minh để hỗ trợ đa dạng hơn cho những người có khuyết tật khác nhau.
 

Ứng dụng OneService tại Singapore (Nguồn: TODAYOnline)

Tương tự, tại nhiều thành phố trên thế giới, ngoài việc sử dụng các thiết bị cảm biến, người dân còn trực tiếp tham gia vào việc đưa ra giải pháp cho thành phố của mình thông qua sự hỗ trợ của công nghệ 4.0. Để giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn ở một số khu vực trong thành phố, Barcelona (Tây Ban Nha) đã lắp đặt thiết bị cảm biến tiếng ồn trong nhà của người dân và cho phép họ báo cáo khi chỉ số tiếng ồn vượt qua một ngưỡng nhất định. Singapore đã ra mắt OneService, một ứng dụng cho phép người dân chụp ảnh các hạng mục cần bảo trì sửa chữa trong thành phố và gửi đến cơ sở dữ liệu trung tâm để thành phố xử lý.
 

Thiết bị cảm biến môi trường tại Barcelona (Nguồn: BBC)

Đúc kết lại, quản trị thông minh sử dụng các công cụ và thiết bị công nghệ để việc quản lý hành chính trở nên nhân văn hơn và tạo động lực nhiều hơn cho người dân. Công nghệ thông minh có thể hoạt động ở ”hậu trường” giúp cải thiện sự hiệu quả của thành phố, nhưng cũng có thể là ứng dụng, là giao diện trực tiếp kết nối giữa con người và môi trường xung quanh. Bằng cách rèn luyện và củng cố những mối quan hệ này, các thành phố thông minh không chỉ trở nên đáng sống mà còn khơi gợi cả tình yêu của cư dân.

Nguyên tắc cốt lõi trong công việc của chúng tôi là khơi dậy niềm vui. Chúng tôi đưa những yếu tố của niềm vui vào những thiết kế và quy hoạch của các thành phố. Việc triển khai công nghệ một cách thấu hiểu sâu sắc có thể đem lại rất nhiều lợi ích cho mục đích này – ví dụ như thêm mã QR để cung cấp thêm thông tin tại các điểm du lịch hoặc lắp đặt đèn chiếu sáng cảm biến trên mặt tiền của các tòa nhà di sản.

Mới đây nhất, website thông tin quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đã được xây dựng để hơn 1 triệu người dân tại 34 phường thuộc TP. Thủ Đức có thể đóng góp ý kiến về quy hoạch. Đây chỉ là một vài trong số rất nhiều ý tưởng mà chúng tôi sẽ khám phá và triển khai trong các dự án sắp tới.

Hãy cùng đón chờ những dự án sắp tới mang tính đột phá, tạo nên những thành phố thông minh, hoà hợp với văn hoá bản sắc Việt Nam!
 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top