Aa

Thành phố thông minh giúp Việt Nam không bị bỏ lại phía sau

Thứ Sáu, 04/10/2019 - 09:00

Việc xây dựng dự án thành phố thông minh sẽ giúp Việt Nam bắt kịp xu hướng phát triển đô thị 4.0, đô thị bền vững, nhằm tránh trở nên lạc hậu với sự biến đổi từng ngày của thế giới.

Không thể đứng bên lề của thế giới

Theo báo cáo cập nhật nhất của Liên hợp quốc, 54,6% dân số thế giới (3,6 tỷ người) sống ở các thành phố. Nghiên cứu cho thấy đến năm 2050, tỷ lệ dân cư thành thị sẽ chiếm hơn 70% dân số thế giới (64,1% ở các nước đang phát triển và 85,9% ở các nước phát triển sẽ sống ở các khu vực thành thị).

Xây dựng thành phố thông minh trở thành một xu thế tất yếu nhờ vào khả năng tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực dựa trên nền tảng công nghệ thông tin tiên tiến để phục vụ cư dân đô thị. Các quốc gia, các thành phố trên thế giới đều đang nỗ lực để bắt kịp xu hướng này, nhằm tránh trở nên lạc hậu với thế giới đang biến đổi từng ngày.

Tại Việt Nam, nhiều năm qua, quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ “chóng mặt”, kéo theo đó là hàng loạt những khó khăn mà người dân, chính quyền quản lý đô thị phải đối mặt. Các đô thị phải trăn trở với việc quản lý tốt công tác quy hoạch, xây dựng phát triển đô thị; làm thế nào để cung cấp hiệu quả nhất các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho đô thị, nâng cao chất lượng sống của người dân; sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên về đất đai và giảm thiểu tác động bất lợi về môi trường...

Hà Nội sắp khởi động dự án thành phố thông minh tỷ đô thuộc quy hoạch hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài

Theo các chuyên gia, các nhà quản lý, trong bối cảnh hiện nay khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng phát mạnh mẽ, việc xây dựng thành công mô hình thành phố thông minh sẽ có khả năng tạo ra giải pháp đột phá trong giải quyết những vướng mắc nêu trên. Không những vậy, đây sẽ là mô hình giúp Việt Nam bắt kịp với xu hướng phát triển đô thị bền vững trên thế giới và ứng phó được với những thách thức trong tương lai.

Đặc biệt, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mới đây đã ký ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong đó, Bộ Chính trị khẳng định chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là tất yếu khách quan. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Phải coi viêc chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Từ Nghị quyết này có thể thấy, Việt Nam đã chính thức có thông điệp rõ ràng về đầu tư, xây dựng thành phố thông minh. Đây là việc làm tất yếu, chúng ta không thể đứng ngoài lề xu hướng phát triển thế giới. Xây dựng thành phố thông minh qua đó còn định hình năng lực, vị trí của Việt Nam trên bản đồ công nghệ của thế giới.

Dĩ nhiên, để Nghị quyết có thể thực hiện thành công cũng như để có thể tạo ra một thành phố thông minh, còn cần tới vai trò của các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề và sự vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước bằng chính sách, cơ chế để hỗ trợ cho đô thị ấy, thành phố ấy phát triển.

Bước đệm đưa Thủ đô phát triển

Thực tế có thể thấy, Hà Nội có đầy đủ điều kiện để trở thành đô thị thông minh như nguồn nhân lực, kỹ thuật, dữ liệu, công nghệ… Do đó, thông tin Hà Nội sắp khởi động dự án thành phố thông minh tỷ đô thuộc quy hoạch hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài đã một lần nữa đánh thức sự chú ý của công chúng về một bước phát triển mới trong thời đại công nghiệp 4.0.

Với dự án thành phố thông minh Nhật Tân - Nội Bài, những kinh nghiệm ưu tú nhất về phát triển đô thị tại Nhật Bản sẽ được áp dụng tại đây, bởi vậy tính chất của đô thị thông minh tại Hà Nội là hoàn toàn khác biệt so với các dự án khác. Đặc biệt, dự án sẽ hỗ trợ giải quyết các thách thức của thành phố hiện nay như sự quá tải, tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm, đồng thời là bước đệm cho sự phát triển bền vững về môi trường, kinh tế, văn hoá cho Hà Nội.

Dự án Thành phố thông minh là bước đệm cho sự phát triển bền vững về môi trường, kinh tế, văn hoá cho Hà Nội.

Nói về dự án này, Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG chia sẻ, khi hoàn thành, Thành phố thông minh sẽ tạo điểm nhấn cho không gian, kiến trúc khu vực cửa ngõ Thủ đô, tạo động lực thúc đẩy phát triển đô thị khu vực phía Bắc sông Hồng, tạo ra nhiều công ăn việc làm và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội.

“Chúng tôi coi trọng giá trị kế thừa, lâu dài”, bà Nguyễn Thị Nga nhấn mạnh.

KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội phân tích: Hà Nội khi bắt đầu đưa ra một chủ trương xây dựng mới thường gặp nhiều vấn đề tranh cãi trong cách làm, cách quản lý… Tuy nhiên, khi có cầu Nhật Tân cùng tuyến đường biểu trưng mới Võ Nguyên Giáp đã chứng minh tính đúng đắn, hợp lý của chủ trương xây dựng mới hiện đại. Đó không chỉ là cầu nối tới với Thủ đô lịch sử, mà còn là biểu tượng hiện đại cho thấy thành phố sẵn sàng hội nhập. Do đó, việc xây dựng thành phố thông minh Nhật Tân - Nội Bài trước hết có thể khẳng định là hoàn toàn hợp lý về mặt quy trình phát triển tất yếu, đi theo đúng xu hướng của thế giới.

Thứ nữa, Hà Nội đã đặt mục tiêu kiến tạo một không gian thông minh, thuận lợi kết nối giao thông và thuận lợi cho chính người dân khi đồng bộ yếu tố hạ tầng xã hội và kỹ thuật. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng khi dự án hoàn thành, Hà Nội sẽ có một khu đô thị tầm cỡ, đáng sống nhất, khắc phục được những điểm yếu về quy hoạch và đúng với phương châm đi tắt đón đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Song để dự án có thể thành công, thì dự án phải thực hiện theo lộ trình, có bước đi vững chắc, hợp lý và có tầm nhìn quản lý tổng thể không để ra sai sót hay xung đột trong quá trình thực hiện.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top