Quyết tâm hành động
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến Uỷ ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tích cực việc ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025 đã được các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng nhìn nhận, số lượng dịch vụ công trực tuyến có tăng lên nhưng tỷ lệ thực hiện còn thấp, hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn khá thấp, địa phương đạt tỷ lệ 15% còn các bộ, ngành đạt gần 29%.
Tại Nghị quyết số 17, Chính phủ nêu rõ mục tiêu giai đoạn 2019 - 2020, tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4; giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; 80% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4...
Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung xây dựng, sớm đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia dự kiến trong tháng 11/2019. Để đạt được mục tiêu này là thách thức không hề nhỏ, đặc biệt trong việc đẩy mạnh thanh toán điện tử đối với lĩnh vực dịch vụ công.
Thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công không chỉ mang lại lợi ích cho khách hàng, ngân hàng, đơn vị cung ứng dịch vụ công mà còn có ý nghĩa tích cực đối với cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công vẫn còn khiêm tốn, phạm vi triển khai chủ yếu tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng là các tổ chức, doanh nghiệp, đối tượng hưởng lương từ ngân sách hoặc tại các tỉnh, thành phố lớn, điều kiện kinh tế phát triển. Để thúc đẩy thanh toán điện tử dịch vụ công mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, hệ thống ngân hàng là một trong những nhân tố đóng vai trò rất quan trọng.
Ngày 22/7/2019, Văn phòng Chính phủ đã có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về việc công khai chi tiết Danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, NHNN và các cơ quan liên quan thực hiện tuyên truyền, đăng tải Danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng theo quy định của pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, NHNN và các bộ, ngành có liên quan.
Việc phối hợp với Bộ Tài chính công khai chi tiết danh mục này cũng nằm trong những nội dung đặt ra tại Chỉ thị 01 ngày 8/1/2019 của NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2019.
Nỗ lực trong triển khai
Trên thực tế, thời gian qua, các ngân hàng đã rất chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phối hợp với các đơn vị liên quan để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đối với dịch vụ công và bước đầu đã ghi nhận một số kết quả tích cực.
Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán thông tin: Đã có khoảng 50 ngân hàng thoả thuận phối hợp thu thuế điện tử với cơ quan thuế, hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và tất cả các quận, huyện trên cả nước; 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện; số người nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân chiếm khoảng 21% tổng số người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Dưới sự chỉ đạo của NHNN, hệ thống NHNN tại các tỉnh, thành phố cũng đã khẩn trương có những động thái cụ thể thúc đẩy thanh toán qua ngân hàng với các dịch vụ công. Đơn cử như tại Khánh Hoà, ông Nguyễn Hoài Chiểu, Giám đốc NHNN chi nhánh Khánh Hoà cho biết, VietinBank Khánh Hòa đã kết nối với Trung tâm dịch vụ hành chính công của tỉnh để thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, nghĩa vụ tài chính qua thẻ ngân hàng.
Được biết, UBND tỉnh Khánh Hoà cũng đã bổ sung tiêu chí thanh toán các dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng vào nội dung đánh giá bình xét thi đua các cụm, khối thi đua của tỉnh Khánh Hòa.
Hay như tại Nghệ An, bà Nguyễn Thị Thu Thu, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Nghệ An cũng thông tin, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, các ngân hàng đã chủ động phối hợp với các đơn vị (trường đại học, cao đẳng, các bệnh viện…) để phát hành thẻ đồng thương hiệu với khoảng hơn 16.000 thẻ đã được phát hành.
Về thanh toán tiền viện phí, đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã triển khai phát hành được 8.027 thẻ khám bệnh thông minh và có áp dụng thanh toán viện phí qua thẻ được áp dụng tại bệnh viện đa khoa thành phố Vinh (phối hợp với VietinBank chi nhánh thành phố Vinh phát hành), là đơn vị đầu tiên trong khu vực Bắc - Trung bộ tiên phong ứng dụng khám bệnh bằng thẻ thông minh.
TS. Nguyễn Thị Gấm, Uỷ ban chính sách (Agribank) nhận thấy, đối với thanh toán các dịch vụ cơ bản như học phí hoặc phí dịch vụ công ích chủ yếu hiện vẫn được thực hiện bằng tiền mặt. Theo bà Gấm, cần xây dựng lộ trình cụ thể cho từng đơn vị cung ứng dịch vụ công trong việc xóa bỏ thu tiền mặt; chuẩn hóa hệ thống công nghệ thông tin của các cơ quan, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công và tăng cường tuyên truyền, đẩy nhanh khả năng kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu giữa đơn vị cung ứng dịch vụ công với ngân hàng, khuyến khích người dân sử dụng các phương thức TTKDTM.
Bên cạnh đó, một chuyên gia cũng nhấn mạnh việc các bộ, ban, ngành và UBND cần tăng cường chỉ đạo các tổ chức, đơn vị cung ứng dịch vụ công mở rộng hợp tác với các ngân hàng, tổ chức cung ứng giải pháp TTKDTM. Đồng thời hoàn thiện hành lang pháp lý để các đơn vị có đủ cơ sở hợp tác với các ngân hàng trong việc phát triển TTKDTM.