Liên quan đến thương vụ lùm xum "Bitexco thâu tóm Công ty Du lịch Hương Giang", thông tin trên tờ Dân Việt, chiều 2/8 vừa qua, tại họp báo thường kỳ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Hoàng Ngọc Khanh - Chánh Văn phòng UBND tỉnh đã trả lời một số thông tin cho báo chí.
Ông Hoàng Ngọc Khanh cho biết, sau khi có thông tin từ dư luận, Chính phủ đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo việc tỉnh chuyển nhượng hơn 60% cổ phần tại Công ty Du lịch Hương Giang cho Tập đoàn Bitexco. Sau khi tỉnh có báo cáo, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có kết luận về vụ việc.
Theo nội dung thông báo của Văn phòng Chính phủ gửi cho tỉnh, các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Vương Đình Huệ yêu cầu tỉnh xác định lại vấn đề nhà đầu tư chiến lược theo cam kết với tỉnh. Bên cạnh đó, các Phó Thủ tướng yêu cầu đối với đất đai của Công ty Du lịch Hương Giang, doanh nghiệp chỉ được cho thuê đất và không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho biết, hiện đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ đang thanh tra công tác quản lý nhà nước về du lịch tại tỉnh, trong đó có nội dung thanh tra việc tỉnh thoái vốn nhà nước tại Công ty Du lịch Hương Giang. Đoàn thanh tra do ông Nguyễn Minh Mẫn - Thanh tra viên cao cấp, quyền Vụ trưởng vụ 3 của Thanh tra chính phủ làm trưởng đoàn.
Trước đó, vụ việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế "sang tay" hơn 60% cổ phần tại Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang (Công ty Du lịch Hương Giang) cho Tập đoàn Bitexco khiến dư luận băn khoăn về việc Bitexco được “ưu ái” khi nhận chuyển nhượng hàng loạt khu đất vàng với giá “rẻ bèo”, tính theo mệnh giá ước tổng giá trị khoảng 126 tỷ đồng.
Cụ thể, vào năm 2016, Tập đoàn Bitexco và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ký kết chuyển nhượng 12,572 triệu cổ phần, tương đương 62,86% phần vốn nhà nước tại Công ty Du lịch Hương Giang. Bitexco qua đó nâng tỷ lệ sở hữu phần vốn tại Công ty Du lịch Hương Giang từ 7,62% lên 70,48%.
Mặt khác, theo quy định tại điểm b, khoản 4 Điều 38 Nghị định 91/2015, việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp như Công ty Du lịch Hương Giang phải thực hiện thông qua đấu giá công khai. Nếu đấu giá công khai không thành công thì tiếp tục đấu giá cổ phần theo lô, cuối cùng mới bán thoả thuận trực tiếp với nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi sang tay hơn 60% cổ phần tại Công ty Du lịch Hương Giang, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã không thực hiện đấu giá theo quy định mà đã chuyển nhượng trực tiếp cho doanh nghiệp tư nhân.
Điều khiến dư luận ở Huế hoài nghi khác là việc Công ty Du lịch Hương Giang sở hữu chuỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng hạng sang có vị trí “vàng” ở vùng đất cố đô nhưng lại kinh doanh đi xuống đúng vào giai đoạn thoái vốn nhà nước. Mặt khác, năm 2017, chỉ sau thời gian ngắn UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thoái vốn, Công ty Du lịch Hương Giang bất ngờ đặt kế hoạch doanh thu gấp hơn 2 lần năm 2016.
Về phía Bitexco, sau khi thâu tóm Công ty CP Du lịch hương Giang thành công, ngay lập tức Bitexco đã bán lại 5.758.000 cổ phần cho một doanh nghiệp Hồng Kông (Trung Quốc) là Công ty TNHH Kei Sei (nay có tên là Công ty TNHH Crystal Treasure), giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 41,7% mặc dù trước đó Bitexco tuyên bố đủ năng lực để biến các khu “đất vàng” này thành điểm đáng đến của Huế.
Như vậy, một loạt khách sạn lớn, sang trọng, nằm ở những vị trí đắc địa bậc nhất tại Huế cùng nhiều dự án lớn đều trở về tay những người nước ngoài. Và Bitexco cũng mang về cho mình một khoản lợi không hề nhỏ. Tuy nhiên, điều này một lần nữa khiến dư luận băn khoăn, liệu doanh nghiệp này có phải chỉ là một đơn vị “trung gian” mua bán kiếm lời từ việc "sang tay" dự án hay vì lý do nào khác?