Aa

Thanh tra TN-MT kiến nghị thu hồi 4.483ha đất sau thanh kiểm tra trong năm 2020

Ngọc Tiến
Ngọc Tiến ngoctienreatimes@gmail.com
Thứ Năm, 31/12/2020 - 10:13

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong năm 2020, toàn ngành thanh tra đã tiến hành 816 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiến nghị thu hồi 4.483ha đất.

Theo Báo cáo tổng kết của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT), công tác thanh tra, kiểm tra về TN-MT đã được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, huy động và kết hợp hiệu quả giữa các cơ quan ở Trung ương và địa phương với lực lượng cảnh sát môi trường, không còn để xảy ra chồng chéo, trùng lặp về đối tượng thanh tra.

Nội dung thanh tra đã tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc từ thực tiễn như tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai, chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong các dự án đầu tư, khai thác trái phép khoáng sản. Đồng thời tăng cường thanh tra đột xuất nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động này.

Trong năm 2020, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sau dịch COVID-19, ngành đã chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2020 theo hướng giảm bớt số lượng đối tượng thanh tra định kỳ. Đồng thời tập trung thanh tra đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chủ động chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để tạo sự răn đe, phòng ngừa, đồng thời phát hiện những vướng mắc, bất cập, kẽ hở của chính sách để sửa đổi, hoàn thiện.

Báo cáo tổng kết cho thấy, năm 2020, toàn ngành đã tiến hành 816 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiến nghị thu hồi 4.483ha đất và phối hợp với các lực lượng liên quan như cảnh sát môi trường... phát hiện xử lý gần 12.000 vụ vi phạm môi trường (giảm 4,26% so với năm 2019), xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 76,28 tỷ đồng. Như vậy, trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn ngành đã kiến nghị thu hồi gần 22.550ha đất, truy thu hơn 444 tỷ đồng, phạt vi phạm hành chính 344 tỷ đồng.

Báo cáo tổng kết của Bộ TN-MT thể hiện, trong năm 2020, toàn ngành đã tiến hành 816 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiến nghị thu hồi 4.483ha đất.

“Toàn ngành thực hiện tốt công tác tiếp, giải quyết các kiến nghị của nhân dân. Tập trung lực lượng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai phức tạp, đông người. Quan tâm giải quyết đối với các vụ việc mới phát sinh, đảm bảo ổn định trật tự, chính trị, xã hội ở các địa phương trong năm diễn ra Đại hội đảng các cấp. Qua đó, số lượng đơn thư giảm trung bình 9%/năm, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai đã giảm 38% so với giai đoạn trước”, Báo cáo tổng kết của Bộ TN-MT nêu rõ.

Bên cạnh những con số kể trên, vẫn còn một số tồn tại và hạn chế như: Tình trạng khiếu kiện về đất đai có giảm mạnh nhưng vẫn còn những vụ việc phức tạp kéo dài nhiều năm. Ở một số nơi còn tình trạng dự án được giao đất, cho thuê đất nhưng chậm đưa đất vào sử dụng, đầu cơ đất đai. Tình trạng suy giảm, suy thoái các nguồn tài nguyên còn xảy ra do hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt rửa trôi, xói mòn, ô nhiễm.

Bên cạnh đó, tài nguyên nước của Việt Nam về cả số lượng và chất lượng đều đang đối mặt với những đe dọa ngày càng lớn. Hiệu quả sử dụng nước còn ở mức thấp mỗi đơn vị (m3) nước, Việt Nam chỉ tạo ra 2,37 USD GDP, khoảng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD, thấp hơn Philippines 2,58 USD. Chất lượng môi trường nước tại một số đoạn trên các lưu vực sông lớn vẫn bị ô nhiễm, tập trung ở khu vực đô thị, khu dân cư, làng nghề. Chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM chưa được cải thiện trong ngắn hạn.

Lượng chất thải rắn phát sinh tiếp tục gia tăng, gây áp lực lên môi trường. Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được tái sử dụng, tái chế còn thấp, việc phân loại rác thải tại nguồn theo phương thức 3R chưa được triển khai rộng rãi trong toàn dân. Lượng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ ra các lưu vực còn lớn.

Ngoài ra, vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường, các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng. Việc sạt lở bờ sông, ven biển xảy ra nghiêm trọng ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, gây ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân.

"Trong khi đó, ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi đầu tư rất lớn nhưng nguồn kinh phí còn hạn chế và việc lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu trong các chiến lược, quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức. Cho đến nay, chúng ta mới có giải pháp tổng thể, căn cơ đối với đồng bằng sông Cửu Long", Báo cáo tổng kết của Bộ TN-MT nêu rõ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top