Khách hàng phản đối cho phép tăng chỉ tiêu xây dựng
Theo đơn gửi đến Thanh tra TP.HCM bằng đường bưu điện ngày 17/08/2020, tập thể khách hàng kiến nghị các cơ quan chức năng không xem xét, giải quyết việc tăng chỉ tiêu xây dựng cho chủ đầu tư tại Dự án nhà ở xã hội Tân Bình Apartment tại số 32 Hoàng Bật Đạt, Phường 12, quận Tân Bình.
Sau khi nghiên cứu nội dung đơn và căn cứ Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định về Quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, Thanh tra TP.HCM vừa chuyển đơn của tập thể khách hàng Dự án nhà ở xã hội Tân Bình Apartment đến Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc xem xét, giải quyết theo quy định sau đó báo cáo kết quả xử lý.
Đây là diễn biến mới nhất liên quan đến dự án từng được dư luận và báo chí quan tâm. Bởi dự án này từng bị xử phạt vì xây dựng sai phép ở nhiều hạng mục công trình. Sau đó cơ quan chức năng lại đồng ý cho chủ đầu tư giữ lại hai hạng mục với lý do nếu không giữ lại các hạng mục này thì sẽ ảnh hưởng đến kết cấu tổng thể ông trình.
Cho tồn tại sai phạm trái Nghị định Chính phủ?
Trước đó, Tân Bình Apartment của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Tân Bình đã trở thành đề tài nóng của dư luận. Reatimes cũng từng có loạt bài viết phản ánh về những bất thường trong quy trình xử phạt, cưỡng chế công trình vi phạm của dự án này. Cụ thể, trong các bài viết "Cho tồn tại sai phạm ở Tân Bình Apartment có trái Nghị định 139?" và bài “Lùm xùm” Tân Bình Apartment: Sở Xây dựng TP HCM dùng luật gì?”.
Tân Bình Apartment tọa lạc tại số 32 Hoàng Bật Đạt, phường 15, quận Tân Bình, TP HCM tự ý xây thêm tầng so với giấy phép xây dựng; tổ chức thi công, bán hàng khi chưa đủ điều kiện theo quy định...Thanh tra Sở Xây dựng vào cuộc đã xử phạt Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Tân Bình 100 triệu đồng, đồng thời buộc chủ đầu tư tự tháo dỡ 11 hạng mục, công trình xây dựng sai thiết kế được duyệt. Tuy nhiên, trong 11 hạng mục này có 2 hạng mục chủ đầu tư xin được tồn tại và đã được chấp thuận.
Việc UBND TP.HCM chấp thuận cho tồn tại, không tháo dỡ phần diện tích vi phạm tại dự án Tân Bình Apartment dựa trên ý kiến đề xuất của Sở Xây dựng và Thanh tra TP.HCM. Bởi theo kết quả thẩm định, “việc tháo dỡ các diện tích sai phép còn lại tại tầng lửng và 4 góc trục 1/A, 1/D, 9/A, 9/D sẽ gây ra tình trạng không bảo đảm ổn định và khả năng chịu lực của kết cấu tổng thể công trình”.
Sở Xây dựng và Thanh tra TP.HCM khi ấy cũng cho rằng, việc gia cường chống đỡ hệ kết cấu tương đối phức tạp do liên quan đến lựa chọn đơn vị thực hiện, phê duyệt biện pháp phù hợp và thời gian có thể kéo dài…
Quyết định nêu trên khiến các chuyên gia lên tiếng. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, trong trường hợp tháo dỡ hạng mục sai phép ảnh hưởng đến kết cấu, vẫn có phương án khác là gia cường. Cho dù gia cường “phức tạp” nhưng không có nghĩa là không làm được. Do đó, lấy lý do gia cường “phức tạp” nên đề nghị buộc phải cho tồn tại, không tháo dỡ phần sai phạm chỉ là không ổn.
Bên cạnh đó, cũng theo các chuyên gia, việc xử lý công trình xây dựng sai thiết kế được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt đã được quy định rõ trong Nghị định 139/2017/NĐ-CP, có hiệu lực từ đầu năm 2018. Do vậy, việc cho phép tồn tại hay không tồn tại hạng mục sai phạm ở Tân Bình Apartment cũng không nằm ngoài quy định này.