Có thể thấy, trong năm 2022, huyện Thanh Trì đều đạt được những thành quả nhất định ở mọi lĩnh vực khi kinh tế từng bước phục hồi và đạt mức tăng trưởng khá. Các chỉ số đều tăng so với cùng kỳ năm 2021, hoàn thành và vượt mức 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà thành phố và Hội đồng Nhân dân huyện giao.
Công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, phát triển đô thị, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án trọng điểm để thực hiện đề án đầu tư xây dựng huyện phát triển thành quận được triển khai đồng bộ với quyết tâm cao.
Với quyết tâm trở thành quận vào năm 2025, huyện Thanh Trì đang tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng đô thị, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông; phát huy các nguồn lực, khai thác hiệu quả các nguồn thu, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, tiến tới tự cân đối thu, chi ngân sách….
Trao đổi với Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes), ông Nguyễn Tiến Cường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết, Thanh Trì sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng các khu phức hợp nhằm khai thác vị thế đầu mối giao thông của thành phố theo quy hoạch đã được duyệt, với mục tiêu xây dựng huyện Thanh Trì thành quận giàu đẹp, văn minh.
Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung rà soát quỹ đất, đầu tư xây dựng các khu hạ tầng đấu giá phù hợp quy hoạch, chủ động phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để sớm đủ điều kiện tổ chức đấu thầu, đấu giá tạo nguồn lực cho đầu tư xây dựng.
Cần một nguồn lực rất lớn...
PV: Được biết, huyện Thanh Trì đang tích cực hoàn thiện các tiêu chí để đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu lên quận. Xin ông chia sẻ cụ thể các giải pháp mà huyện đang triển khai để có thể tự tin trở thành quận mới của Thủ đô trong thời gian sớm nhất?
Ông Nguyễn Tiến Cường: Thanh Trì là huyện phía Nam thành phố, là 1 trong 5 huyện nằm trong Đề án xây dựng huyện thành quận của TP. Hà Nội. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021 - 2025, là một trong những mục tiêu được BCH Đảng bộ huyện đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV và được cụ thể hóa trong 6 chương trình công tác của BCH Đảng bộ huyện, huyện Thanh Trì đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế, đô thị ở địa phương với tinh thần quyết tâm, bằng nhiều nỗ lực phấn đấu phát triển huyện thành quận trong thời gian sớm nhất.
Việc xây dựng huyện trở thành quận là một quá trình lâu dài và cần một nguồn lực rất lớn, bởi còn một số tiêu chí cần hoàn thiện. Chính vì vậy, huyện đã xây dựng, ban hành nhiều văn bản để thực hiện Đề án gồm: Kế hoạch thực hiện tiêu chí cân đối thu, chi ngân sách huyện giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch huy động nguồn lực giai đoạn 2021 - 2025 cho đầu tư xây dựng huyện phát triển thành quận; Kế hoạch tổ chức thực hiện hoàn thiện tiêu chí đất cây xanh công cộng giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch tổ chức thực hiện hoàn thiện tiêu chí mật độ đường giao thông đô thị; Kế hoạch thực hiện các tiêu chí chưa đạt để xã phát triển thành phường. Đồng thời, huyện đã chỉ đạo 16 xã, thị trấn xây dựng kế hoạch cụ thể theo tiêu chí của từng xã, thị trấn để triển khai thực hiện hoàn thành các tiêu chí xã phát triển thành phường chưa đạt.
Để phấn đấu hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, trong thời gian tới, huyện Thanh Trì sẽ bám sát chỉ đạo của Thành phố, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai một số nhiệm vụ cụ thể sau:
Một là, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp từ huyện đến cơ sở bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, chương trình hành động được nêu tại Nghị quyết Đại hội, Chương trình công tác trọng tâm của Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 để rà soát, đánh giá và xây dựng lại lộ trình hoàn thành các tiêu chí chưa đạt trong thời gian sớm nhất, đảm bảo khả thi, thiết thực…
Hai là, huyện chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành Thành phố rà soát lại các tiêu chí theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tiệm cận các tiêu chí mới theo quy định để bổ sung, hoàn chỉnh Đề án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì thành quận, đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh Đề án đầu tư xây dựng xã, thị trấn thành phường.
Ba là, huyện tập trung rà soát, huy động nguồn lực, tăng cường quản lý, đánh giá các nguồn thu, phát triển nguồn thu mới, còn dư địa, tiềm năng. Tiếp tục rà soát quỹ đất, đầu tư xây dựng các khu hạ tầng đấu giá phù hợp quy hoạch, chủ động phối hợp với các sở, ngành của Thành phố trong quá trình thẩm định, phê duyệt dự án, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để sớm đủ điều kiện tổ chức đấu thầu, đấu giá tạo nguồn lực cho đầu tư xây dựng.
Thứ tư là, tiếp tục tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, lồng ghép trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của nhiệm vụ đầu tư xây dựng huyện phát triển thành quận. Định kỳ thực hiện việc đăng tin, bài viết, công khai các thông tin về thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá để hoàn thành các tiêu chí huyện phát triển thành quận, xã, thị trấn thành phường… tạo sức lan tỏa và sự đồng thuận, thống nhất cao trong toàn huyện.
PV: Ông nhìn thấy những tiềm năng và cơ hội gì mở ra cho huyện Thanh Trì khi trở thành quận?
Ông Nguyễn Tiến Cường: Có thể thấy khi trở thành quận, địa phương sẽ được hưởng các cơ chế chính sách của một quận nội thành, nhất là việc được gia tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các chính sách an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi từ huyện lên quận sẽ có chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất. Trước đây, đất dành cho nông nghiệp thì sẽ chuyển đổi thành đất dịch vụ, đất ở, đất thương mại dịch vụ…
Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng cũng thay đổi, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư nhiều hơn, tổng mức đầu tư xã hội cho địa bàn sẽ tăng nhiều hơn và bền vững hơn. Điểm nhấn của các quận mới thành lập là các đô thị thông minh, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khỏe, kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
PV: Từ huyện lên quận sẽ là bước đột phá mới trong công tác phát triển đô thị của huyện Thanh Trì. Xin ông chia sẻ về định hướng phát triển trong tương lai của huyện Thanh Trì trong vấn đề đô thị hóa. Huyện đã và đang thực hiện quy hoạch và có kế hoạch chuẩn bị quỹ đất như thế nào để kiến tạo những không gian đô thị mới?
Ông Nguyễn Tiến Cường: Trong những năm qua, mức độ đô thị hóa trên địa bàn huyện Thanh Trì diễn ra với tốc độ cao. Nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị, nhiều khu đô thị được đầu tư xây dựng, kinh tế tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Hiện nay, huyện đang phối hợp tích cực với các nhà đầu tư đã được thành phố giao nghiên cứu quy hoạch các khu đô thị để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án (tỷ lệ diện tích cây xanh trong các khu đô thị chiếm khoảng 20%), dự kiến diện tích cây xanh công cộng tăng thêm trong các khu đô thị khoảng 38,36ha. Trong đó có: Khu đô thị Hữu Hòa: 10ha; Khu đô thị Đại Áng: 5ha; Khu đô thị Liên Ninh: 4ha; Khu đô thị Vĩnh Quỳnh (TECCO): 3ha; Khu đô thị Tứ Hiệp - Ngũ Hiệp: 6ha; Dự án cây xanh kết hợp bãi đỗ xe xã Vĩnh Quỳnh: 4,9ha; Dự án cây xanh kết hợp dịch vụ tại xã Thanh Liệt: 0,46 ha; Dự án khu đô thị Thanh Liệt: 5ha…
"Trong những năm qua, mức độ đô thị hóa trên địa bàn huyện Thanh Trì diễn ra với tốc độ cao. Nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị, nhiều khu đô thị được đầu tư xây dựng, kinh tế tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ".
- Ông Nguyễn Tiến Cường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì -
PV: Hầu hết các lõi đô thị đều dành quỹ đất cho phát triển thương mại dịch vụ và không gian xanh, Thanh Trì hiện đã có những không gian dành cho thương mại, dịch vụ để kiến tạo một trung tâm mới sầm uất trong tương lai hay chưa, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Cường: Hiện nay, huyện đang chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị nghiên cứu, triển khai thực hiện các nhiệm vụ với mục tiêu tạo đột phá trong phát triển thương mại - dịch vụ trên cơ sở mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội và đời sống nhân dân, cụ thể:
Thứ nhất, khuyến khích các tổ chức kinh doanh dịch vụ hiện đại như trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi, bán hàng qua mạng, máy bán hàng tự động. Phát triển các loại hình phân phối hiện đại, từng bước thiết lập mạng lưới thanh toán điện tử không dùng tiền mặt.
Thứ hai, củng cố, nâng cấp mạng lưới chợ hiện có, kêu gọi xây dựng mới một số chợ theo quy hoạch. Phát triển thương mại - dịch vụ trên tuyến đường 70 Phan Trọng Tuệ để kết nối với Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Vành đai 3. Đồng thời, phát triển thương mại tại các khu đô thị mới xây dựng.
Thứ ba, xây dựng tuyến phố văn minh thương mại tại tuyến đường Kim Giang (xã Thanh Liệt), đường Ngọc Hồi (thị trấn Văn Điển) đảm bảo về trật tự xây dựng, mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường… để các xã khác tham khảo và học tập.
Thứ tư, xây dựng các tuyến phố chuyên doanh với các sản phẩm đặc trưng của làng nghề (mây tre đan Vạn Phúc, bánh chưng, bánh dày Duyên Hà, miến dong, bánh đa Hữu Hòa…) nhằm quảng bá sản phẩm, tạo ra địa chỉ tin cậy để khách hàng đến tham quan và mua sắm.
PV: Để phát triển đô thị một cách bền vững, không thể phủ nhận vai trò của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tham gia vào công tác chỉnh trang đô thị, thay đổi diện mạo khu vực. Ông có thể cho biết hiện nay, huyện đang thu hút đầu tư như thế nào? Và hiện đã có các doanh nghiệp phát triển dự án đến tìm hiểu, nghiên cứu hoặc có ý định triển khai tại địa bàn hay chưa?
Ông Nguyễn Tiến Cường: Huyện đang tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đô thị, trọng tâm là hệ thống giao thông trục chính, giao thông khung để tăng tính kết nối, liên thông giữa các khu vực, từ đó thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện góp phần tăng nguồn thu ổn định cho ngân sách huyện.
Đồng thời huyện đang chủ động, tích cực phối hợp và tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu dân cư mới đồng bộ, hiện đại, khu trung tâm thương mại, dịch vụ như: Khu đô thị Hữu Hòa, khu đô thị Liên Ninh, khu đô thị Đại Áng… Hiện các đơn vị đang nghiên cứu triển khai và làm việc với các sở, ngành thành phố để được hướng dẫn quy trình, thủ tục thực hiện theo quy định.
Rút ngắn lộ trình thông qua triển khai đồng bộ hạ tầng
PV: Có thể thấy, hạ tầng luôn là đầu kéo cho sự phát triển. Huyện Thanh Trì đang triển khai đồng bộ hệ thống hạ tầng ra sao và trong tương lai gần, liệu có những đột phá nào trong công tác phát triển hạ tầng của huyện, đặc biệt là khi trở thành quận, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Cường: Hiện nay, huyện đang tập trung đầu tư xây dựng đối với các dự án thuộc thẩm quyền đầu tư và quản lý của huyện; tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ngành của thành phố để triển khai đầu tư đối với các dự án hạ tầng giao thông thuộc thẩm quyền đầu tư và quản lý của thành phố.
Đồng thời, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các dự án đấu giá quyền sử dụng đất để tổ chức đấu giá tạo nguồn lực chi đầu tư phát triển cho huyện cũng như hình thành các tuyến đường giao thông nội bộ kết nối với mạng lưới giao thông chung của huyện, tăng thêm số ki-lô-mét đường giao thông, cụ thể: Tuyến đường Vành đai 3,5; đường liên xã Liên Ninh - Đại Áng - Tả Thanh Oai; Hai tuyến đường nối đường Phan Trọng Tuệ với đường liên xã Vĩnh Quỳnh - Ngọc Hồi - Đại Áng; phối hợp xây dựng các tuyến đường trong khu đô thị, kết nối với hệ thống đường giao thông khung và giao thông khu vực để tạo thành hệ thống đường giao thông đô thị hoàn chỉnh; Đường trong các khu đô thị đang triển khai như: Khu nhà ở thấp tầng xã Thanh Liệt, Khu đô thị mới Liên Ninh, các khu tái định cư, đấu giá trên địa bàn huyện… và một số tuyến đường mới theo kế hoạch đầu tư trung hạn.
Phối hợp với các chủ đầu tư tập trung triển khai các dự án: Đường Phan Trọng Tuệ; đường 70A kéo dài (nối từ Quốc lộ 1A đến 1B)…Bên cạnh đó, đôn đốc chủ đầu tư các khu đô thị đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến đường giao thông để kết nối hòa mạng lưới giao thông chung trên địa bàn.
Ngoài ra, huyện cũng đang huy động xã hội hóa hệ thống bãi đỗ xe theo Quy hoạch phân khu đô thị S4, S5, H2-3, GS, GSA…
PV: Ông hình dung như thế nào về vị thế mới của Thanh Trì trong tương lai?
Ông Nguyễn Tiến Cường: Huyện đề ra chiến lược phát triển đô thị với trọng tâm là phát triển hạ tầng kỹ thuật để thúc đẩy phát triển kinh tế theo định hướng thương mại - dịch vụ - công nghiệp. Từ đó, tạo động lực để thu hút đầu tư, phát triển các khu đô thị mới song song với giải quyết nhu cầu an sinh xã hội cho người dân.
Do vậy, việc chuyển lên quận là phù hợp và sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư, tạo động lực để huyện phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có. Đồng thời, đất đai được chuyển từ đất nông thôn sang đất đô thị sẽ khai thác tốt hơn hiệu quả sử dụng đất. Qua đó, người dân cũng sẽ sử dụng đất đai một cách có hiệu quả hơn.
PV: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!