Aa

Nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ trong đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp tại Thanh Hóa

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Tư, 11/08/2021 - 10:00

Việc phát triển các cụm công nghiệp tại Thanh Hóa là rất cần thiết, tuy nhiên, do khó khăn trong việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chuyển đổi mục đích sử dụng đất,... đã khiến nhiều dự án chậm đưa vào sử dụng.

Hiện tỉnh Thanh Hóa được quy hoạch phát triển 79 cụm công nghiệp (CCN), với tổng diện tích khoảng 2.624ha. Trong đó, từ năm 2015 đến nay, có 34 CCN được công bố quyết định thành lập, tổng diện tích 1.105ha.

Với những cơ chế, chính sách ưu đãi được tỉnh ban hành, đã có 33 CCN thu hút được các nhà đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, với tổng vốn đầu tư khoảng 7.526 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại CCN còn khá chậm so với tiến độ đầu tư được phê duyệt, đều phải thực hiện điều chỉnh gia hạn mới, gây ảnh hưởng đến lộ trình đầu tư, khai thác và phát triển đã được hoạch định.

Cụm CN nghề cá Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc do Công ty TNHH MTV BNB Thanh Hóa làm chủ đầu tư
Cụm công nghiệp nghề cá Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc do Công ty TNHH MTV BNB Thanh Hóa làm chủ đầu tư.

Theo thống kê từ Sở Công Thương, trong 33 CCN thu hút được chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật thì có 5 CCN hoàn thành cơ bản thủ tục đầu tư, đã thuê một phần đất hoặc toàn bộ CCN và đang đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN; 3 CCN đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB), hoàn chỉnh thủ tục thuê đất với Nhà nước; 10 CCN cơ bản hoàn thành thủ tục đầu tư, đang tiến hành bồi thường GPMB; 13 CCN chưa hoàn chỉnh thủ tục đầu tư và 2 CCN đang xin chuyển vị trí mới và mở rộng diện tích.

Do tình hình triển khai đầu tư hạ tầng cũng đang gặp nhiều khó khăn khiến chủ đầu tư không hoàn thành được dự án như tiến độ cam kết đầu tư. Ví dụ điển hình như: Cụm CN nghề cá Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc do Công ty TNHH MTV BNB Thanh Hóa làm chủ đầu tư là một trong những CCN đã cơ bản hoàn thiện các hạng mục san lấp mặt bằng, đường điện, nước.

Hiện tại, CCN nghề cá Hòa Lộc đã thu hút được dự án vào cụm với diện tích 4,3ha và đang tiếp tục thu hút các dự án thứ cấp. Theo cam kết ban đầu, dự án đi vào hoạt động tháng 12/2018, song, đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư vẫn còn 4ha chưa hoàn thành GPMB.

Chính vì vậy, mặc dù đã đạt tỷ lệ lấp đầy hơn 30% diện tích nhưng theo Nghị quyết số 29/2016/NQ-HĐND ngày 8/12/2016 của HĐND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại tỉnh Thanh Hóa, CCN vẫn không đủ điều kiện hưởng ưu đãi về chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Huyện Thọ Xuân là địa phương có tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong thời gian qua, một số doanh nghiệp đã đến khảo sát địa điểm, tìm hiểu đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, huyện Thọ Xuân đã được quy hoạch 4 CCN là: CCN thị trấn Thọ Xuân, CCN Xuân Lai, CCN Thọ Minh và CCN Thọ Nguyên, với tổng diện tích 80,2ha. Hiện nay, các CCN đã thu hút được doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

CCN Xuân Lai được UBND tỉnh công bố quyết định thành lập năm 2020, do Công ty CP Đầu tư và Phát triển Xuân Lai đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật. Theo kế hoạch, việc hoàn thành hồ sơ thủ tục đầu tư phải xong trước quý IV/2020, khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ quý III/2021 và đưa CCN vào hoạt động từ quý I/2023.

Tuy nhiên, tính đến hết tháng 7/2021, dự án mới hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500, trích đo bản đồ địa chính khu đất dự án, đang lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa... Tất cả các hạng mục của dự án vẫn đang gây khó khăn cho việc tìm hiểu, xác định phương án đầu tư của các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Việc chuyển đổi mục đích, GPMB tại các CCN còn gặp nhiều khó khăn.
Việc chuyển đổi mục đích, GPMB tại các CCN còn gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa).

Nguyên nhân của thực trạng trên đã được Sở Công Thương chỉ ra tại hội nghị giao ban tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các CCN trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2021 như: Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các CCN còn gặp nhiều khó khăn, kéo dài; khối lượng hồ sơ, thủ tục đầu tư nhiều nên tiến độ đầu tư chậm; một số huyện điều chỉnh quy hoạch trên địa bàn dẫn đến thay đổi vị trí các CCN; công tác bồi thường GPMB gặp khó khăn; chưa có CCN nào đủ điều kiện để thụ hưởng chính sách hỗ trợ đầu tư theo Nghị quyết số 29/2016/NQ-HĐND ngày 8/12/2016 của UBND tỉnh.

Do hạn chế trong năng lực của một số chủ đầu tư; một số địa phương chưa phối hợp với chủ đầu tư trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư... Trong đó, từ cuối năm 2019 đến nay, do dịch bệnh COVID-19 xảy ra cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án CCN.

Để tháo gỡ khó khăn, thu hút nguồn vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN, về ngắn hạn, thực hiện chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm tại hội nghị giao ban tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các CCN trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2021, các huyện thị xã, thành phố đã và đang tổ chức các buổi làm việc 3 bên, gồm: UBND huyện, Sở Công Thương, chủ đầu tư, để làm rõ những khó khăn, vướng mắc và tổ chức ký cam kết bảo đảm tiến độ, cũng như quy định rõ trách nhiệm của từng bên trong quá trình thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương đang tích cực tuyên truyền, vận động, thu hút các doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư các dự án. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện gia hạn tiến độ các dự án, tổ chức công bố rộng rãi quy hoạch CCN; khẩn trương lập quy hoạch chi tiết CCN, cập nhật, bổ sung nhu cầu sử dụng đất vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, thuận lợi cho quá trình tìm hiểu của nhà đầu tư.

Cùng với đó, các ngành liên quan phối hợp với các địa phương tiếp tục cải cách hành chính, rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để đề xuất, kiến nghị tỉnh và Trung ương hỗ trợ, giải quyết, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top