Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đồng chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, do tác động của đại dịch Covid-19, trong 9 tháng đầu năm 2020, GDP toàn quốc tăng trưởng 2,12%, thấp hơn nhiều mức tăng trưởng cùng kỳ những năm trước. Các chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ - doanh thu dịch vụ tiêu dùng, kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn duy trì được mức tăng so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên không đạt mục tiêu đề ra .
Cũng theo ông Đào Minh Tú, đối với hoạt động ngân hàng, tín dụng toàn quốc đến 27/11 tăng trưởng 8,46%, trong khi đó tín dụng đến cuối tháng 10/2020 tại miền Trung chỉ tăng 5,2%; tại Tây Nguyên chỉ tăng 3,78%. Theo thống kê sơ bộ của chi nhánh các tổ chức tài chính tín dụng (TCTD) tại miền Trung và Tây Nguyên, đến 30/11/2020, tổng dư nợ đối với 79.610 khách hàng bị ảnh hưởng do bão lũ là khoảng 34 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 2% tổng dư nợ trên địa bàn.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước yêu cầu hội nghị tập trung vào những nội dung như: Đánh giá mức độ ảnh hưởng của đợt bão, lũ tháng 10 - 11/2020 đến hoạt động kinh tế - xã hội, hoạt động ngân hàng tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên; đánh giá tình hình triển khai các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đối với khách hàng vay vốn; kết quả triển khai cụ thể; khó khăn, vướng mắc; định hướng, đề xuất các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh bị thiệt hại về bão lũ.
“Tôi đề nghị các đại biểu tham dự phát biểu tập trung vào các nội dung trên, sau đó chúng ta sẽ có phần thảo luận về định hướng, đề xuất giải pháp đẩy mạnh triển khai hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại bởi bão lũ thời gian tới”, ông Đào Minh Tú nói.
Về các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết sẽ đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn; nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay; đa dạng, phát triển nhiều loại hình sản phẩm tín dụng; phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với nhiều hình thức để kịp thời nắm bắt, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, để tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ đầu năm 2020 đã ban hành Thông tư 01 cho phép TCTD cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng và hiện đang đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung để phù hợp với diễn biến mới của dịch; liên tiếp 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1,5 - 2%/năm; giảm 0,6 - 1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi cá nhân kỳ hạn dưới 6 tháng nhằm hỗ trợ các TCTD có điều kiện giảm lãi suất cho vay nền kinh tế; giảm 1,5% trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện nay chỉ còn 4,5%/năm) tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay; thực hiện các giải pháp giảm phí thanh toán, dịch vụ ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, tích cực triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP) với nhiều ưu đãi về cho vay không có tài sản bảo đảm; chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, chuỗi giá trị và chính sách xử lý nợ đặc thù trong trường hợp khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, thiên tai dịch bệnh trên phạm vi rộng.
Triển khai nhiều chương trình, chính sách tín dụng trong nông nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển các mặt hàng nông, thuỷ sản thế mạnh của khu vực miền Trung, Tây Nguyên như: Chính sách cho vay hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ; cho vay hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; cho vay nông nghiệp sạch; cho vay tái canh cây cà phê… Đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp tín dụng tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp gặp rủi ro do thiên tai dịch bệnh trong nông nghiệp (chăn nuôi lợn, khó khăn do tiêu chết, bão, lũ…).
Trình bày tại hội nghị, ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngay sau bão lũ, Ngân hàng Nhà nước Quảng Nam đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tập trung rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; đồng thời cơ cấu lại thời gian trả nợ; xem xét miễn giảm lãi vay; tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau mưa lũ; thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng vay vốn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.
Ông Phạm Trọng nói thêm, đến 24/11, có 9/30 TCTD phát sinh dư nợ thiệt hại do mưa bão gây ra, ước tính giá trị thiệt hại là hơn 750 tỷ đồng với hơn 5.300 khách hàng bị thiệt hại. Có 5/30 TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ 3.970 tỷ đồng, số lãi dự kiến sẽ giảm hơn 9,7 tỷ đồng; cho vay mới lãi xuất ưu đãi tính đến 24/11 là 3.973 tỷ đồng cho hơn 3.954 khách hàng.
“Ngoài ra, giải pháp hỗ trợ tín dụng, các TCTD trên địa bàn đã thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chia sẻ khó khăn với đồng bào bị ảnh hưởng bão, lũ thông qua việc trao tặng cho các gia đình có người mất, bị thương nặng, hư hại nhà ở, hộ bị di dời… tổng giá trị là 15,5 tỷ đồng. Dự kiến thời gian tới sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại khoảng 12 tỷ đồng nữa”, ông Phạm Trọng thông tin.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú đề nghị, trong thời gian tới, để triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tích cực cho sự phát triển bền vững của cả vùng miền Trung, Tây Nguyên, các đơn vị trong ngành ngân hàng tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên thực hiện kịp thời các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất và hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn; Theo dõi diễn biến và ảnh hưởng của bão lũ trên địa bàn để chỉ đạo và giám sát các TCTD khẩn trương thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn bị thiệt hại theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ động cân đối nguồn vốn, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19;…
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh, với tinh thần đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng người dân, doanh nghiệp vùng miền Trung và Tây Nguyên, ngành ngân hàng sẵn sàng cung ứng đủ vốn để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng người dân, doanh nghiệp, cũng như thực hiện các giải pháp tín dụng giúp bà con vượt qua khó khăn, ổn định, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh.
“Để hoạt động tín dụng ngân hàng ngày càng hỗ trợ tốt hơn việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng và để thực hiện hiệu quả, thiết thực công tác hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ, ngành ngân hàng cũng mong muốn nhận được sự quan tâm, phối hợp của các bộ, ngành và lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên trong việc xác định, xác nhận thiệt hại của đợt bão lũ trên địa bàn để kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo quy định”, ông Đào Minh Tú đề nghị.