Lời tòa soạn:
Thiếu hụt trầm trọng nhà ở cho công nhân là thực tế đáng quan ngại đã diễn ra trong nhiều năm qua. Nhiều giải pháp được đưa ra, tuy nhiên, vẫn chưa thể tháo gỡ nút thắt này, đời sống công nhân và người lao động trong khu công nghiệp vẫn rất khó khăn, chất lượng cuộc sống thấp, không đảm bảo.
Đa phần công nhân tại các khu công nghiệp sống trong trong những khu trọ chật hẹp, ẩm thấp, không khác nào những "quả bom nổ chậm" luôn trực chờ bùng phát dịch. Và thực tế, làn sóng Covid thứ 3 và thứ 4 của Việt Nam cho thấy, các khu công nghiệp là nơi dễ bị tổn thương nhất. Không chỉ biến thành những đại ổ dịch, bão Covid quét qua để lại rất nhiều hệ quả. Dây chuyền sản xuất kinh doanh bị gián đoạn, đời sống công nhân đã bấp bênh nay càng thêm chênh vênh.
Mặt khác, việc công nhân phải thuê trọ ở xa khu công nghiệp cũng là lý do quan trọng khiến các khu công nghiệp phải dừng sản xuất, gián đoạn, tắc nghẽn… khi công nhân không thể di chuyển đến chỗ làm việc trong điều kiện giãn cách xã hội. "Miền đất hứa" thu hút "đại bàng làm tổ" cho bất động sản công nghiệp cũng vì thế mà trở nên kém hấp dẫn...
Bài toán đặt ra lúc này không chỉ là việc giải quyết nơi ăn chốn ở cho công nhân mang tính chất tình thế, mà phải là những giải pháp mang tính bền vững. Và một vấn đề đặt ra là nên chăng, cần có nghiên cứu và thống nhất phát triển những mô hình khu công nghiệp đồng bộ, gắn với thiết chế nhà ở cho công nhân, người lao động, thay vì tách rời như hiện nay. Phát triển khu công nghiệp xanh hay khu công nghiệp sinh thái, suy cho cùng cũng cần phải bắt nguồn từ yếu tố con người và vì con người.
Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện, Reatimes triển khai tuyến bài: Tháo gỡ nút thắt nhà ở công nhân nhìn từ tác động của đại dịch Covid-19. Trân trọng giới thiệu tới độc giả!
COVID-19 LỘT TRẦN "GÓT CHÂN A-SIN" CỦA CÁC KHU CÔNG NGHIỆP
Thực trạng thiếu nhà ở công nhân khiến công nhân không tạo lập được cuộc sống ổn định tại nơi làm việc, đời sống bấp bênh đã diễn ra trong rất nhiều năm qua. Tuy nhiên, chỉ đến khi Covid-19 xảy ra, mọi bất cập mới thực sự lộ rõ.
Các khu công nghiệp đã và đang trở thành nơi dễ bị tổn thương nhất bởi dịch bệnh, thậm chí trở thành những ổ dịch lớn buộc phải phong tỏa, cách ly trong thời gian dài, khiến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh bị đảo lộn.
Nguyên nhân là bởi, hầu hết các công nhân đều thuê trọ ở bên ngoài khu công nghiệp hoặc ở xa hơn và rải rác ở nhiều khu vực khác nhau nên dịch bệnh theo dòng người ở bên ngoài lây lan vào khu công nghiệp một cách khó kiểm soát. Mặt khác, khi có lệnh phong tỏa, giãn cách, nhiều công nhân không thể di chuyển từ nhà trọ đến khu công nghiệp dẫn đến các hoạt động sản xuất của nhà máy bị ngưng lại, gián đoạn, tắc nghẽn.
Ở phía công nhân, người lao động, họ phải “giam mình” trong những phòng trọ chật chội, thu nhập bị đứt quãng do không được làm việc. Sau thời gian dài giãn cách, không còn trụ vững, hàng loạt lao động “bỏ phố về quê”, trong đó, nhiều người không muốn quay trở lại mà ở quê tìm đường sống khác. Bởi sau chuyến hồi hương lịch sử, TP.HCM, Bình Dương… không còn là “miền đất hứa” mà là những ngày tháng mệt mỏi, thiếu thốn, chênh vênh mà họ muốn bỏ lại sau lưng.
Điều này dẫn đến một bức tranh có phần xám xịt hậu Covid-19 tại các thủ phủ công nghiêp như Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, TP.HCM…, đó là tình trạng thiếu hụt lao động, việc phục hồi và quay trở lại đà sản xuất do đó càng không dễ dàng.
Theo khảo sát, việc giãn cách kéo dài đã khiến hàng loạt nhà máy đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng với khoảng 30 - 50% lao động. Tại TP.HCM, theo thống kê chưa đầy đủ, hàng chục ngàn lao động đã về quê và hơn 10.000 người khác đang nhiễm Covid-19 sẽ khiến các nhà máy gặp khó khăn khi quay lại sản xuất sau dịch.
Chỉ trong 4 ngày đầu tháng 10/2021, đã có khoảng 60.000 công nhân từ TP.HCM, các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương về quê ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, trong quý IV/2021, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp tại Thành phố là khoảng 43.600 - 56.600 người.
Còn tại Hà Nội, theo Liên đoàn Lao động Thành phố, số lao động ở các doanh nghiệp trong đợt này giảm khoảng 30 - 40%. Số lao động này có trở lại công ty nữa hay không, trở lại bao nhiêu % sẽ có sự biến động sau dịch.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp vẫn cố gắng duy trì “sản xuất 3 tại chỗ” nhưng áp lực chi phí đang đè nặng. Bởi không chỉ phải trả lương cao hơn cho công nhân để khuyến khích và giữ chân họ mà còn phải tiêu tốn thêm hàng loạt chi phí khác như: Chỗ ở, lương thực, đồ dùng sinh hoạt, chi phí xét nghiệm, cách ly trước khi đưa người lao động vào guồng sản xuất khép kín.
Covid-19 đã khiến cả công nhân và doanh nghiệp trong các khu công nghiệp rơi vào cảnh khó chồng khó. Công nhân mất việc, các khu công nghiệp không thể hoạt động bình thường, các chuỗi sản xuất bị đứt gãy, kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng. Tất cả xuất phát từ việc thiếu đồng bộ giữ hạ tầng khu công nghiệp và chỗ ở công nhân, công nghiệp hóa chưa gắn liền với đô thị hóa, không thu hút được người lao động sống và làm việc tại chỗ.
Đó cũng là điểm yếu “chí mạng” của các khu công nghiệp Việt Nam, vốn mang tính chất “may sẵn”(chỉ giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà xưởng cho thuê...), một sự phát triển thiếu bền vững.
PHÁT TRIỂN NGƯỢC
Theo nhìn nhận của các chuyên gia, một thời gian dài, các khu công nghiệp của Việt Nam đang phát triển theo hướng xây dựng khu công nghiệp độc lập, không gắn với dân cư để tránh hoạt động của khu công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Thậm chí, có giai đoạn chủ đầu tư có thể xin cấp rời (dự án nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch).
Tuy nhiên, các khu công nghiệp vẫn gây ô nhiễm, đồng thời còn nảy sinh ra nhiều hạn chế khác, đó là cơ sở hạ tầng kết nối thiếu đồng bộ, thiếu nhà ở và các dịch vụ, tiện ích đảm bảo nhu cầu sống cho công nhân, chuyên gia làm việc tại các khu công nghiệp. Nhất là khi lực lượng lao động tại chỗ khó thu hút thêm, mà cần kéo dòng lao động dịch chuyển từ các địa phương khác đến.
Việc phát triển nhiều khu công nghiệp nhưng không đi kèm với chỗ ở công nhân nhập cư đang phát sinh nhiều bất cập về an sinh xã hội, trở thành gánh nặng cho địa phương, đồng thời ảnh hưởng đến quá trình phát triển bền vững. Mặt khác, vì không có chỗ ở ổn định cho cả gia đình, chỗ học hành, vui chơi cho con cái, nên nhiều lao động luôn mang tư tưởng làm thời vụ, không chắc sẽ gắn bó lâu dài nên các doanh nghiệp luôn đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động triền miên, nhất là sau mỗi dịp nghỉ Tết hay ảnh hưởng của Covid-19.
PGS.TS. KTS. Nguyễn Hồng Thục, Viện nghiên cứu Định cư và năng lượng bền vững đánh giá, tại Việt Nam, quá trình đô thị hoá xảy ra trước quá trình công nghiệp hoá nhiều năm, khiến cho các mô hình và tư duy đô thị gặp sự khủng hoảng lớn. Các đô thị Việt Nam càng phát triển càng bộc lộ các yếu kém gây tác hại lâu dài.
Các căn bệnh đô thị như hạ tầng không theo kịp phát triển đô thị mới, giao thông tắc nghẽn, lũ lụt trên diện rộng, chất thải sinh hoạt khó chôn lấp, di dân tự do, an ninh xã hội… ngày càng trầm kha. Kéo theo là hệ lụy thiếu nhà ở, ngay cả các khu công nghiệp tập trung cũng gặp vấn đề lớn với nhà ở cho công nhân của mình.
“Sự lệch pha lớn này đã tạo ra lượng lớn các nhóm người dân nhập cư, lao động tay nghề thấp trong công nghiệp và dịch vụ. Những người này sống chen chúc trong các khu trọ tối tăm, không được thoả mãn nhu cầu tối thiểu và gia đình về nhà ở, việc làm, chưa nói đến các nhu cầu dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, nước sạch và hạ tầng kỹ thuật…
Và điều này càng trở nên nan giải hơn khi dòng người nhập cư không chính thức từ nông thôn ra thành phố và các khu công nghiệp ngày càng tăng trong diễn biến đô thị hoá toàn diện như hiện nay”, vị chuyên gia phân tích.
Do vậy, theo các chuyên gia, một sự phát triển phù hợp và bền vững là công nghiệp hóa phải gắn liền với đô thị hóa, như đôi bạn cùng tiến. Một mặt, chính sự phát triển và phân bố các khu công nghiệp là cơ sở quan trọng nhất để hình thành và phát triển đô thị. Mặt khác, hệ thống đô thị một khi được hình thành và có cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chât kỹ thuật phát triển sẽ trở thành nơi hấp dẫn các hoạt động sản xuất công nghiệp. Hai quá trình này đan xen vào nhau, dựa vào nhau và có mối quan hệ qua lại mật thiết với nhau. Và khi đó, các khu công nghiệp không chỉ đơn thuần là nơi lao động sản xuất mà còn là nơi tạo nên cuộc sống xã hội. Đó là nơi tạo nên hệ thống những ngành dịch vụ và nhiều ngành nghề khác phát triển.
Nếu quá trình đô thị hóa không vững chắc, tức là không đi liền với công nghiệp hóa sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như thiếu việc làm, thiếu nhà ở, cơ sở hạ tầng cũng như sự suy thoái môi trường sống và nhiều hiện tượng tiêu cực trong đời sống kinh tế - xã hội. Đặc biệt là với những tác động khách quan như Covid-19, mô hình phát triển cũ khó có thể thích ứng trong điều kiện giãn cách.
“Trong bối cảnh hiện tại, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải đi liền với đô thị hóa. Đô thị hóa tương tác chặt chẽ với chuyển dịch đất đai từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, từ đất nông nghiệp sang đất đô thị; đồng thời đi liền với phát triển ngành xây dựng và thị trường bất động sản, từ đó, tạo sự tương tác với tăng trưởng GDP", KTS. Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng khẳng định.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, bất động sản công nghiệp không thể đứng độc lập một mình mà nó phải đi cùng với nhiều những lĩnh vực kinh doanh khác nữa mới có thể hướng đến đúng bản chất là động lực phát triển kinh tế của địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Khi Việt Nam đón làn sóng dịch chuyển vốn FDI sẽ dẫn đến nhu cầu nhân lực (công nhân) cho các KCN rất lớn, bên cạnh đó là nhà ở cho các chuyên gia nước ngoài. Nhưng cách thức phát triển các khu công nghiêp kiểu cũ với nhiều bất cập và dễ chịu tổn thương bởi dịch bệnh đang là “chốt chặn” cản trở khả năng thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. Đòi hỏi tư duy phát triển bất động sản công nghiệp phải thay đổi.
Giải pháp nào để việc phát triển các khu công nghiệp trong thời gian tới không đi vào vết xe đổ, có sức đề kháng tốt hơn với dịch bệnh và hướng tới sự phát triển bền vững?
Đón đọc Bài 3 "Đi tìm mô hình phát triển phù hợp"