Aa

Thảo luận tổ tại Kỳ họp HĐND TP: Đất đấu giá chưa sát giá thị trường

Thứ Ba, 04/07/2023 - 09:23

Thảo luận tại tổ trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 12, HĐND TP khóa XVI chiều 3/7, nhiều ý kiến thể hiện sâu sắc, đề xuất những giải pháp mới, trách nhiệm xung quanh cả 5 nhóm vấn đề được đưa ra bàn thảo.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, thành phố giao cho quận, huyện tiến hành phê duyệt giá đất đấu giá theo Nghị quyết của Chính phủ. Tuy nhiên, thành phố ủy quyền rồi nhưng khi phê duyệt giá đất vẫn báo cáo HĐND thành phố đưa ra giá đất chưa sát với giá thị trường.

Các đại biểu HĐND TP thảo luận tại tổ 2.
Các đại biểu HĐND TP thảo luận tại tổ 2.

Thảo luận tại tổ trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 12, HĐND TP khóa XVI chiều 3/7, nhiều ý kiến thể hiện sâu sắc, đề xuất những giải pháp mới, trách nhiệm xung quanh cả 5 nhóm vấn đề được đưa ra bàn thảo. Trong đó, nhóm vấn đề về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách của thành phố Hà Nội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, cập nhật kết quả phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện dự toán ngân sách năm 2022 đặc biệt được quan tâm.

Nguồn thu đấu giá đất chưa đạt

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến (Tổ đại biểu huyện Chương Mỹ) khẳng định, năm 2023 là năm quan trọng, thành phố đã đưa ra 22 chỉ tiêu, 118 nhiệm vụ cho các sở, ngành và quận, huyện, thị xã. UBND thành phố cũng đã sớm cụ thể hóa Nghị quyết của HĐND thành phố để phân giao cho các địa phương. Nhìn lại bức tranh 6 tháng đầu năm 2023 có thể thấy UBND thành phố đã có rất nhiều cố gắng.

Trong các nguồn thu ngân sách đầu năm, nguồn thu đấu giá đất chưa đạt. Dẫn chứng thu đấu giá quyền sử dụng đất chỉ đạt 5,42%, thu tiền từ đất chỉ đạt 21,2% kế hoạch cả năm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến băn khoăn, cả 2 khoản thu này đều đã được cân đối trong kế hoạch đầu tư công. Nếu không thu được thì không biết cuối năm chúng ta bù đắp bằng nguồn nào?

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến thảo luận tại tổ 2.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến thảo luận tại tổ 2.

Thành phố đã giao cho quận, huyện, thị xã tiến hành phê duyệt giá đất đấu giá theo Nghị quyết của Chính phủ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nghị quyết chưa rõ thành phố có cần hướng dẫn, cụ thể hóa cho các quận, huyện, thị xã không? Thành phố ủy quyền rồi nhưng khi phê duyệt giá đất vẫn báo cáo HĐND thành phố đưa ra mức giá đất an toàn, nhưng chưa thực sự sát với giá thị trường. Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy đã phân tích nguyên nhân, trong đó, một phần nguyên nhân được chỉ ra là do sợ trách nhiệm.

Nhấn mạnh phân cấp ủy quyền là điểm sáng của thành phố Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2023, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, cần rà soát lại các thủ tục này đã thực sự vào cuộc sống được bao nhiêu, vấn đề nào còn khó khăn vướng mắc, công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện như thế nào.

Đối với cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 cấp thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho rằng cần bám sát nguyên tắc: không làm thay đổi tổng nguồn vốn của kế hoạch 5 năm. Đồng thời, bám sát chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ 2020 - 2025 được Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố xác định và danh mục thứ tự ưu tiên dự án.

Đồng quan điểm, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội (tổ Cầu Giấy) cho rằng, nguồn thu đấu giá đất gặp khó khăn, vướng mắc do mức giá đưa ra chưa sát thực tế. Mức giá đưa ra có khi cao hơn cả giá thị trường nên không có nhà đầu tư tham gia.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Đóng góp ý kiến về phát triển kinh tế-xã hội, đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ Mê Linh) cho biết: Thời điểm này, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, do đó, đề nghị có “đột phá” và gợi ý thành phố nên tổ chức hội nghị với 20-30 doanh nghiệp để nắm bắt các kiến nghị, đề xuất; từ đó, có giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp.

Các đại biểu HĐND TP thảo luận tại tổ 3.
Các đại biểu HĐND TP thảo luận tại tổ 3.

Cùng chung ý kiến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (tổ Đan Phượng) kiến nghị thành phố chỉ đạo sở, ngành bám sát đơn giá của thị trường dự toán, định mức sát thực tế để giảm khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng.

Đại biểu Lê Kim Anh - Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội bày tỏ băn khoăn, số doanh nghiệp thành lập mới nhiều, tuy nhiên số doanh nghiệp giải thể lại cao hơn số được thành lập; đây là những vấn đề cần phải quan tâm về tính bền vững của sự phát triển. Đại biểu Lê Kim Anh cũng nêu thực trạng tình hình tội phạm, các vụ nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng lại có xu hướng tăng, số tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em có xu hướng tăng, vụ án hôn nhân gia đình do mâu thuẫn, bạo lực gia đình tăng…Vì vậy, các sở ngành có liên quan, khối cơ quan tư pháp, sở văn hóa, các vấn đề gia đình cần quan tâm hơn nữa.

Các đại biểu HĐND TP thảo luận tại tổ 4.
Các đại biểu HĐND TP thảo luận tại tổ 4.

Đại biểu Nguyễn Việt Hà - Bí thư Huyện ủy Gia Lâm cho rằng, đây là năm thu ngân sách khởi sắc. Tuy nhiên, cần có đánh giá kỹ hơn về những nội hàm của thu 6 tháng cuối năm, đặc biệt là đối với các đơn vị cụ thể. Đơn cử, 6 tháng đầu năm 2023, huyện Gia Lâm mới đạt 22% số thu ngân sách. Trong đó, nguồn thu từ Ocean Park chiếm 83% số thu ngoài quốc doanh của huyện Gia Lâm, nhưng năm nay đơn vị này cũng gặp khó khăn. Vì vậy, TP cần phải có đánh giá kỹ nội hàm và có giải pháp tháo gỡ. 

Nhất trí với các báo cáo, các ý kiến thảo luận của các thành viên, đại biểu Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho hay, về kế hoạch phát triển KT-XH, từ nay đến cuối năm nhiệm vụ hết sức nặng nề. Để đạt được cần nhiều giải pháp, đặc biệt là nguồn lực. Nguồn lực lớn nhất là đấu giá đất, thu chi ngân sách. Vừa qua HĐND thông qua phân cấp uỷ quyền, nhưng nếu các dự án không có đối ứng sẽ không thực hiện được.../.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top