Aa

Tháo “rào” thể chế, quyết liệt khơi thông gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng

Thứ Sáu, 18/02/2022 - 10:46

Theo chuyên gia, hệ thống điều hành đang làm cản trở sự lưu thông vốn, mà điều đó hoàn toàn được giải quyết bởi những quan hệ thể chế thuộc về Nhà nước, chứ không hẳn là thuộc về năng lực nền kinh tế.

“Tiền tươi thóc thật” vừa phải...

Liên quan đến gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng và áp dụng một luật sửa nhiều luật, cộng đồng doanh nghiệp đã rất hào hứng khi có thêm dòng tiền chảy vào nền kinh tế, đồng thời sửa được nhiều những vướng mắc đang tồn tại. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, tâm lý đó có thực sự đúng với tình hình hiện nay hay không?

Trả lời về vấn đề này, TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội đánh giá, dùng đúng từ cho các chương trình hiện nay là nơi lỏng tài khoá, nới lỏng tiền tệ, nới lỏng thể chế, nghĩa là mọi thứ đều hướng đến nới lỏng. Về tài khóa bao gồm cắt giảm thuế, đặc biệt là thuế giá trị gia tăng 2%, hay cấp bù lãi suất. Với gói tiền tệ, thì tính tới chuyện cắt giảm lãi suất ở mức nào đó,... và tính ra tổng gói hỗ trợ khoảng 350.000 tỷ đồng, nhưng không phải một lúc mà kéo dài hai năm 2022 - 2023.

Lượng tiền bơm ra từ gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng chỉ ở mức rất hợp lý, phụ thuộc vào phản ứng tình hình. (Ảnh minh hoạ)

Theo vị TS, rõ ràng, việc doanh nghiệp hào hứng khi có dòng tiền chảy vào nền kinh tế là có. Ví dụ như hiện nay về đầu tư công, Quốc hội quyết đầu tư đường cao tốc phía Đông và tiền ngân sách chảy vào và đó là “tiền tươi thóc thật”. Như vậy cũng thể hiện dòng tiền có chảy vào do các chính sách nới lỏng đưa ra, cộng với kinh nghiệm được rút ra từ rất nhiều lần kích cầu trước. Tránh tình trạng cấp bù lãi suất đưa tiền đi lòng vòng, không chảy vào hoạt động sản xuất kinh doanh, và dòng tiền chảy ra quá nhiều dẫn đến lạm phát không khống chế được...  

Từ tất cả những kinh nghiệm trên đã được tính toán rất kỹ trong lần này, cho nên chúng ta tưởng tượng đây là một gói kích thích rất lớn, nhưng thực tế nó chỉ ở mức độ phù hợp với hai khía cạnh như sau: 

Thứ nhất, là khả năng hấp thụ của nền kinh tế hiện nay đến đâu; 

Thứ hai, là khi tiền chảy ra nhiều, khả năng lạm phát, bất ổn vĩ mô tăng lên, chưa kể nhìn ra thế giới, lạm phát ở Mỹ đang cao chưa từng có, mà Việt Nam là nền kinh tế mở sẽ rất dễ nhập khẩu lạm phát vào.

“Vì thế, dòng tiền đổ vào chỉ ở một mức rất hợp lý và Nghị quyết Quốc hội cũng không nói rằng Chính phủ sẽ đổ ồ ạt, mà phụ thuộc vào phản ứng của tình hình, sự thận trọng này là cần thiết sau những bài học trước.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đang thúc đẩy một loạt các chương trình về kiểm tra, thanh tra, giám sát. Do đó, khi tài khoá nới lỏng, tiền tệ nới lỏng, thể chế nới lỏng, thì có một cái phải thắt chặt đó là kỷ cương, không thắt chặt vấn đề này sẽ khiến chúng ta giẫm lại vết xe đổ, mà quả thực là lợi bất cập hại”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính nhận định, trên thực tế, chúng ta cũng không bơm đến 350.000 tỷ đồng ra nền kinh tế trong hai năm, mà có giảm trừ trong thuế, cũng như các vấn đề liên quan đến giãn hoãn tiền thuế đất,... vì thế sức ép lạm phát là có nhưng không lớn.

Vị chuyên gia tin tưởng, gói hỗ trợ này thực sự phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế, vì cơ cấu kinh tế hiện nay của chúng ta xuất khẩu rất tốt, khoảng 670 tỷ đô la Mỹ trong năm 2021, với mức tăng trưởng xuất khẩu 19%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ doanh nghiệp FDI, còn nền kinh tế nội địa thì xuất khẩu thấp hơn.

“Thực tế, điều này cũng là ổn định từ trước đến nay, không phải năm nay mới rơi xuống mức thấp, nhưng chúng ta đang lấy khu vực FDI làm động lực tăng trưởng, phát triển. Nền kinh tế Việt Nam rất muốn thay đổi, rất muốn mạnh lên, xuất khẩu nhiều hơn, song không thể trong ngày một ngày hai làm được, kể cả trong Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị cũng phải làm dần dần, để từ đó thay thế được vốn FDI mà nhiều quốc gia trên thế giới đều làm như vậy”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Tháo “rào” thể chế cho doanh nghiệp

Ở một góc nhìn khác, PGS.TS. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra quan điểm rằng, với tình thế bất thường thì giải pháp phải khác thường, thậm chí khác thường này giống như một cơ hội, chứ không phải để bơm tiền ra cứu những doanh nghiệp yếu kém đứng dậy.

Về khả năng hấp thụ của nền kinh tế, không thể nói rằng doanh nghiệp không hấp thụ được, mà do thủ tục làm cho doanh nghiệp khó tiếp cận, khó giải ngân. (Ảnh minh hoạ)

“Thực tế, gói hỗ trợ của chúng ta không chỉ là để phục hồi mà còn bao gồm cả phát triển kinh tế. Như các nước khác, họ chỉ phục hồi thôi mà một năm lên đến vài chục phần trăm GDP, thậm chí Nhật Bản họ đã ước tính đến 50 - 60% GDP, hay tại Mỹ là 30% GDP. Nhiều người nói không nên so sánh với các nước mạnh, nhưng quan trọng là chúng ta định làm gì?

Nếu so với các nước tương đương, họ cũng đã có các gói gấp đôi, gấp ba chỉ dành cho phục hồi, trong khi tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên tôi thấy một chương trình kéo dài 2 năm, không chỉ có phục hồi mà nội hàm của việc phát triển còn là chớp thời cơ. Nhưng cho đến bây giờ, thì cơ bản mới chỉ là hỗ trợ phục hồi còn việc chớp thời cơ chắc sẽ ít và không đáng kể”, PGS.TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thiên, về vấn đề khả năng hấp thụ của nền kinh tế, không thể nói rằng doanh nghiệp không hấp thụ được, mà do thủ tục làm cho doanh nghiệp khó tiếp cận, khó giải ngân. Đó không còn là câu chuyện ở năng lực của doanh nghiệp, mà nằm ở câu chuyện chính sách, do vậy phải tập trung cho nới lỏng chính sách.

“Tất nhiên trong nền kinh tế sẽ có doanh nghiệp yếu, doanh nghiệp khỏe, nhưng hệ thống giá cả đã thay đổi rất nhiều, trong bối cảnh hệ thống điều hành đang làm cản trở lưu thông vốn và họ quá sợ cách của chúng ta làm, khiến nhiều người không dám hành động. Điều đó hoàn toàn được giải quyết bởi những quan hệ thể chế thuộc về Nhà nước, chứ không hẳn là thuộc về năng lực kinh tế, hay năng lực doanh nghiệp, mà đây là điểm mấu chốt rất quan trọng để xử lý gói hỗ trợ này”, vị chuyên gia nói.

Ngoài ra, PGS.TS. Trần Đình Thiên còn cho rằng, tính quyết liệt trong việc triển khai vẫn chưa đủ. Bằng chứng là dịp Tết Nguyên đán vừa qua, người lao động đã rất suy yếu, cần tiền tiêu tết, cần hỗ trợ để giải quyết được rất nhiều việc. Nhưng gói này vừa mới được thông qua, chưa biết khi nào triển khai, dẫn đến bỏ lỡ thời cơ  giúp  thị trường đứng dậy, trong bối cảnh lạm phát thấp, doanh nghiệp thì “gay go”, hết  giải cứu dưa hấu, đến giải cứu nông sản...

“Theo tôi, hỗ trợ của chúng ta ngay từ đầu đặt ra đã phương châm rất hay rằng: Quy mô đủ lớn - Thời gian đủ dài - Tính quyết liệt rất cao, nhưng cho đến nay vẫn chưa thực sự đủ để đáp ứng mục tiêu tận dụng cơ hội trong thời gian tới. Chưa kể với độ dài 2 năm, nhưng ít tiền để rải ra thì lượng tiền cũng sẽ rất mỏng, còn về câu chuyện quyết liệt, có vẻ chúng ta nhìn những vấn đề mang tính thời cơ không đủ nhạy”, ông Thiên trăn trở.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top