Aa

Thực thi nhanh và hiệu quả gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng

Thứ Hai, 31/01/2022 - 13:30

Theo chuyên gia, với tính chất là gói tài khóa tương đối lớn thì việc chuẩn bị thực thi rất quan trọng, cần phải nhanh chóng ban hành đầy đủ, hiệu quả các quy định thực thi dưới luật cụ thể.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2022, về tình hình triển khai nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội trị giá 350.000 tỷ đồng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết: “Trong Nghị quyết, chúng tôi tham mưu cho Chính phủ triển khai ngay gói hỗ trợ và giải ngân ngay trong năm 2022 và 2023, chậm nhất bắt đầu trong quý I. Ví dụ chính sách miễn giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã ban hành. Tiếp theo là dự thảo Nghị quyết 20 trang, nhưng giao nhiệm vụ rất cụ thể cho các bộ ngành, để các bộ ngành phối hợp cho nhau nhịp nhàng”.

Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng là gói hỗ trợ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp đều đang rất kỳ vọng gói này sẽ được triển khai ngay trong những ngày đầu năm 2022 và đó sẽ là trợ lực để doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, thúc đẩy kinh tế trở lại với quỹ đạo tăng trưởng.

Thời điểm này, hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành đang từng bước trở lại với mùa tour cao điểm dịp Tết nguyên đán, tuy lượng khách năm nay chỉ bằng 50% số lượng khách năm trước, nhưng doanh nghiệp vẫn kỳ vọng rằng, 2022 du lịch sẽ khởi sắc, đặc biệt giá tour có thể rẻ hơn khi thuế GTGT đã giảm xuống còn 8% thay vì 10% như trước.

Cộng đồng doanh nghiệp đều đang rất kỳ vọng gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng sẽ được triển khai ngay trong những ngày đầu năm 2022.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc An - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lữ hành Fiditour-Vietluxtour đánh giá, đây cũng là một điều kiện gián tiếp để giảm giá tour cho khách du lịch nội địa. Mặc dù mức độ giảm 2% cũng chưa quá nhiều, nhưng đó là một tín hiệu tích cực, thể hiện sự đồng lòng của Chính phủ để hỗ trợ ngành kinh tế nói chung cũng như du lịch nói riêng.

Còn theo ông Nguyễn Đức Nghĩa - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM nhận xét: “Thuế GTGT là thuế gián thu nằm trong giá bán hàng hóa, khi thuế này giảm 2%, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ được mua hàng rẻ hơn 2%, như vậy, sẽ kích thích người tiêu dùng tiêu thụ nhiều hơn và cộng đồng doanh nghiệp sẽ bán được nhiều hàng hơn. 2% đối với một người không nhiều, nhưng với doanh nghiệp tiêu thụ nhiều hàng hoá thì có tác động rất lớn”.

Có thể thấy, động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam gồm xuất khẩu, đầu tư công và tiêu dùng trong nước, cả ba động lực này đều được Chính phủ tiếp sức thông qua gói hỗ trợ kể trên. Thông qua việc giảm thuế và các biện pháp hỗ trợ tính thanh khoản cho doanh nghiệp, thì sản xuất trong nước, nhất là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ quay trở lại, tiếp tục tuyển dụng lao động và thúc đẩy chi tiêu nội địa; Khi đó, tăng trưởng kinh tế sẽ khả quan hơn nữa.

Tuy nhiên, theo các Đại biểu Quốc hội, để hấp thụ được hết nguồn vốn trong một thời gian và để lo được kịp nguồn tiền cho gói này thì cũng khó khăn rất nhiều, đi liền với đó là các nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, tương ứng với từng chính sách, phương thức huy động vốn, năng lực hấp thụ và kiểm soát các rủi ro...

Trả lời báo chí, ông Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam khẳng định, gói hỗ trợ lần này đưa ra những nhóm giải pháp chưa từng có trước đây, đặc biệt là cả cơ chế đặc thù với các dự án đầu tư công, có ý nghĩa quan trọng với phục hồi tăng trưởng kinh tế, đời sống, thu nhập của doanh nghiệp và người dân. Như chúng ta biết, gói kích thích tài khóa thường được thực thi nhanh hơn so với gói tiền tệ, ngoài việc được giải quyết nhanh thì còn có độ lan tỏa, giúp đẩy nhanh tăng trưởng, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Cũng theo ông Sang, về mức giảm thuế GTGT 2%, sẽ có tác động thúc đẩy đến tiêu dùng của người dân, qua đó kích thích sản xuất kinh doanh. Việc đưa ra mức thuế này là lần đầu tiên áp dụng và con số 2% đã tính đến phương án, tính chất đặc trưng của khủng hoảng kép do đại dịch Covid-19 gây ra. Mức thuế này cũng chỉ áp dụng cho năm 2022, còn nếu đến năm 2023 mà thấy cần thiết thì có thể tăng thêm.

Cùng với đó, việc cần đầu tư công và chi cho xây dựng kết cấu hạ tầng có tác động lan tỏa rất nhanh, ngoài vấn đề khả năng thực thi nhanh so với gói tiền tệ, thì tác động sẽ rất rộng mà trong kinh tế học gọi là số nhân tài khoá. Ngoài ra, vấn đề kích thích này cũng giúp hạ được mức nợ công, bởi vì chúng ta đã phát hành nhiều trái phiếu chính phủ.

“Với tính chất là gói tài khóa tương đối lớn, thì việc chuẩn bị thực thi là rất quan trọng. Trước hết, chúng ta cần phải nhanh chóng ban hành đầy đủ, hiệu quả các quy định thực thi ở dưới luật cụ thể. Đặc biệt, gói này có những điều khoản đặc thù chưa từng có tiền lệ, do đó phải soạn thảo được văn bản thi hành, hướng dẫn thực thi có hiệu quả, để tránh được tham nhũng, tránh thất thoát, phi hiệu quả thì mới có ý nghĩa”, ông Lê Xuân Sang nói./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top