Aa

“Thao túng trên thị trường chứng khoán phái sinh ngày càng tinh vi“

Thứ Tư, 08/06/2022 - 05:55

Trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ nâng cao hiệu quả công tác giám sát, nhất là giám sát tuyến đầu của các Sở Giao dịch chứng khoán đối với giao dịch bất thường, vi phạm trên thị trường.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã báo cáo một số nội dung liên quan đến vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV trong đó nhấn mạnh trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh.

Ông cũng là một trong 4 thành viên Chính phủ sẽ đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội vào sáng 8/6.

Đạo đức nghề nghiệp của một số tổ chức đi xuống

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hiện nay trên thị trường chứng khoán có 767 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết, 858 cổ phiếu đăng ký giao dịch; 83 công ty chứng khoán, 44 công ty quản lý quỹ, 2 doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư là trên 5,2 triệu tài khoản, tăng 21,1% so với cuối năm 2021.

Quy mô giao dịch bình quân trái phiếu Chính phủ 5 tháng đầu năm 2022 đạt 11.915 tỷ đồng/phiên, giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đạt 28.745 tỷ đồng/ phiên, tăng 8,1% so với bình quân năm 2021.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng (điển hình là vụ việc của FLC và Louis).

Theo ông, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nên phát sinh nhiều hành vi vi phạm tinh vi như một bộ phận nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật đã gian lận khi xác định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Nhận thức của nhà đầu tư còn hạn chế, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân, mặc dù đã được thông tin, tuyên truyền, cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn đầu tư theo tâm lý đám đông, theo tin đồn, chưa có kinh nghiệm phân tích, khả năng quản lý tài chính, đầu tư, thậm chí có nhiều cá nhân đã đầu tư theo hình thức hợp đồng góp vốn do đó không được coi là chủ sở hữu trái phiếu.

Bên cạnh đó, tính tuân thủ và đạo đức nghề nghiệp của một số tổ chức cung cấp dịch vụ chưa cao, một số tổ chức trung gian (ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán) cung cấp thông tin không đầy đủ để lôi kéo khách hàng cá nhân, có trường hợp hỗ trợ lập hồ sơ chào bán có thông tin chưa chính xác, hoặc hỗ trợ hợp thức hóa hồ sơ xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để được mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Thị trường vẫn trong giai đoạn đầu phát triển nên còn bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố tâm lý; trước tác động của các thông tin quốc tế và trong nước bất lợi, các tin đồn thất thiệt, lo ngại về yếu tố dòng tiền, áp lực lạm phát nên thị trường chứng khoán có nhiều phiên giảm mạnh thời gian gần đây.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ nâng cao hiệu quả công tác giám sát, vai trò của các tuyến giám sát từ các công ty chứng khoán đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhất là giám sát tuyến đầu của các Sở Giao dịch chứng khoán đối với giao dịch bất thường, vi phạm trên thị trường.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. 

Bộ Tài chính cũng đã có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp và chế tài xử phạt để tăng tính răn đe...

“Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an trong xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc thao túng, phối hợp xử lý các tin đồn thất thiệt, sai sự thật, cung cấp thông tin cho cơ quan công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh, kiểm tra,” người đứng đầu ngành tài chính nhấn mạnh.

Bình ổn giá để kiểm soát lạm phát

Đối với lạm phát, trước những biến động tăng giá các mặt hàng chiến lược nhất là các mặt hàng năng lượng trên thị trường thế giới đã gây áp lực đối với lạm phát trong nước, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết ngay từ đầu năm Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ quản lý ngành báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá các biện pháp điều hành, bình ổn giá để kiểm soát lạm phát mục tiêu cũng như các biện pháp quản lý, điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Trước diễn biến giá các mặt hàng năng lượng và vật tư chiến lược trên thị trường thế giới tiếp tục có xu hướng tăng cao, trong tháng 6/2022, Bộ Tài chính tiếp tục văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương đôn đốc đẩy mạnh triển khai công tác quản lý, điều hành giá kiểm soát lạm phát.

Cũng theo Bộ trưởng, các giải pháp tài khóa đã triển khai thực hiện những tháng đầu năm 2022, như giảm thuế VAT từ 10% xuống 2% một số hàng hóa, dịch vụ; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022 đã trực tiếp phần nào làm giảm áp lực lên mặt bằng giá, kiểm soát lạm phát trong 5 tháng đầu và cả năm 2022.

Với diễn biến CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 2,25%, hiện vẫn còn dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm theo mục tiêu Quốc hội đề ra ở mức 4%. Tuy nhiên, trước những diễn biến giá năng lượng và vật tư chiến lược trên thị trường thế giới tiếp tục gia tăng gây sức ép đến mặt bằng giá trong nước cùng với việc điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công theo lộ trình thị trường trong đó có giá dịch vụ giáo dục sẽ tác động rất lớn đến mục tiêu kiểm soát cả năm 2022.

Theo Bộ trưởng, để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong những tháng còn lại của năm 2022, Bộ Tài chính đề xuất các bộ, ngành địa phương tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Các đơn vị cũng tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ.

Đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, theo ông Phớc, trước mắt chưa xem xét điều chỉnh giá, tiếp tục giữ ổn định giá để đảm bảo công tác kiểm soát lạm phát chung cũng như góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân. Việc điều chỉnh các mặt hàng theo lộ trình phải được đánh giá kỹ tác động đến CPI để bảo đảm dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm. 

Bên cạnh đó, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện quản lý Nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top