Tôi đến Đồng Tháp nhiều lần, nhưng thường đi qua, không nán lại. Đây là lần đầu tiên, tôi và anh em trong đoàn công tác được ngủ lại một đêm, thong dong trên những con đường thành phố Cao Lãnh.
Không hẹn mà gặp, khi chúng tôi từ Bến Tre đặt chân lên đất Đồng Tháp, các anh ở huyện Cao Lãnh (trùng tên với thành phố Cao Lãnh) đã chờ ở Xẻo Quýt. Đây là khu du lịch sinh thái kết hợp du lịch lịch sử khá độc đáo ở vùng Tháp Mười. Xẻo Quý từng là căn cứ kháng chiến của các cơ quan Đồng Tháp, những ngày đất nước chưa giải phóng.
Trong khoảng 15 năm, từ 1960 đến 1975, Xẻo Quýt đã phải hứng chịu rất nhiều mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Nhưng với tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm, chịu đựng gian khổ, hy sinh... quân và dân Đồng Tháp đã xoay chuyển tình thế, góp phần vào chiến thắng chung của quê hương, đất nước.
Hướng dẫn viên du lịch Trần Thị Diễm Thúy đưa chúng tôi len, lách giữa lau, sậy bưng biền, trên chiếc thuyền bằng chất liệu composite. Những căn nhà lá lúp xúp từng là nơi làm việc của Bí thư Tỉnh ủy, Hội trường của Tỉnh ủy... được gìn giữ, trở thành biểu tượng của một thời “hoa lửa”. “Đây là hố bom Mỹ, kia là phía dưới còn bom mìn...”, Diễm Thúy ngồi phía trước chèo thuyền vừa giới thiệu tận tụy.
Bây giờ đang là giữa mùa khô, nước sông Cửu Long chưa về. Khu Xẻo Quýt này cũng cạn nước. Muỗi ơi là muỗi. Muỗi Đồng Tháp không chỉ tấn công người, mà còn tấn công cả đàn gia súc của nông dân. “Các chú, các anh rang đập muỗi nghe”, Diễm Thúy nhẹ nhàng, thông cảm. Chiếc áo bà ba đen, chiếc khăn rằn trên cổ, chiếc mũ tai bèo trên đầu. Qua giọng nói và lấp ló chiếc eo thon khi vạt áo bà ba bị gió thổi mạnh, giúp tôi tự tin về cảm nhận.
Tôi muốn bắt đầu từ Xẻo Quýt, để nói rằng trong hôm nay có hôm qua. Nâng niu những giá trị hôm qua, chính là động lực để những việc làm hôm nay chuẩn chỉ hơn, biết nuôi dưỡng, nhắm đến khát vọng ngày mai. Đất nước nói chung hay mỗi vùng quê cụ thể đều thế.
***
Đồng Tháp có gì? Chắc chắn là có sen. “Tháp Mười đẹp nhất bông Sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”, câu ca này, chắc chắn đã là công dân Việt Nam, ai cũng đã từng nghe. Rất nhiều người thuộc.
Từ Bến Tre, sang Tiền Giang và leo lên đường cao tốc từ Trung Lương - Mỹ Thuận để đi Đồng Tháp, từ hai bên kính cửa xe tôi đã thấy biết bao nhiêu vựa sen. Phải gọi như thế mới đúng, không phải những ao nhỏ như ở phía Bắc. Những bông sen trên vựa ấy từ bùn vươn lên, mỏng mảnh, đung đưa trong gió thay lời vũ điệu.
Đêm ở Đồng Tháp, tôi lang thang đi bộ trên nhiều con đường, đặc biệt con đường Lý Thường Kiệt, ngay ở Phường 1. Đây là trung tâm thành phố trẻ Cao Lãnh.
Đến lúc đó, tôi mới biết danh xưng tự hào của Cao Lãnh là Sen Hồng. Đến lúc đó, Cao Lãnh dành trọn tình cảm trong tôi. Không chỉ tên “Thành phố Sen Hồng”, về quy hoạch đô thị không có thành phố nào ở Việt Nam (từ cấp trực thuộc Trung ương đến trực thuộc tỉnh) làm được như Cao Lãnh. Những con đường tít tắp, thoáng rộng.
Chỉ riêng đường Lý Thường Kiệt, trước mặt khách sạn Phố Sen chiều rộng 60 mét, vỉa hè mỗi bên 20 mét. Ấn tượng về quy hoạch đô thị còn ở chỗ, các đường phố đều được trồng hai bên hai hàng cây dầu rái thẳng tắp, vươn lên vời vợi. Cao Lãnh là thành phố mới được thành lập 16 năm nay, nhưng quy hoạch đã cho thấy có tầm nhìn 50 năm hoặc lâu hơn thế. Trẻ hơn ở chỗ trung tâm hành chính của tỉnh Đồng Tháp chuyển từ thành phố Sa Đéc về thành phố Cao Lãnh chưa lâu.
Điều khác biệt ở Cao Lãnh còn là ở biển chỉ dẫn tên đường. Dưới tên các danh nhân, nhân vật lịch sử đều có “trích ngang” vài dòng công trạng đối với đất nước, quê hương. Điều này, thật quan trọng. Không ai không nhớ câu “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, (Hồ Chí Minh). Cách làm, từ quản lý đến giáo dục truyền thống lịch sử, từ cái bảng tên đường của Đồng Tháp thật khác biệt, sáng tạo.
Tôi nhận xét như vậy, và ông Nguyễn Sơn, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bắc Giang, người thường cùng tôi đi tản bộ mỗi sáng cũng công nhận trong sự kinh ngạc.
Đồng Tháp có gì khác biệt nữa không? Tất nhiên, rất nhiều. Chỉ “vừa đi đường, vừa kể chuyện” đã vô khối. Những ngày chúng tôi qua, được chứng kiến Đồng Tháp đang nỗ lực chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế xanh. Sen Hồng từ biểu tượng đã thành thương hiệu của một vùng đất.
Từ một vùng đất “khuất nẻo”, Đồng Tháp đã trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái... Gần như trong lòng Đồng Tháp đang có một sức sống khởi nghiệp. Điều này là nỗ lực của việc xây dựng chính quyền thân thiện, biết kiến tạo và khát vọng của nhân dân sống nghĩa tình, năng động, sáng tạo.
“Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”, (ca dao). Cây sen không chỉ góp phần tô thắm cho quê hương Đồng Tháp, thành biểu trưng, hình ảnh mà còn có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần và giúp nhiều nông dân thoát nghèo.
Theo ông Huỳnh Thanh Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách nông nghiệp của huyện Cao Lãnh, toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có khoảng gần 900ha diện tích trồng sen. Đa phần mô hình trồng sen đều đang kết hợp với phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm. Hướng đi chuyên canh, luân canh kết hợp du lịch sen đã tạo ra việc làm ổn định cho người dân, mỗi năm tăng thêm lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/ha do chi phí đầu tư thêm không đáng kể. Thanh Sơn nắm chắc con số toàn tỉnh, bởi Tháp Mười, Tam Nông, Cao Lãnh, Lấp Vò là những huyện nhiều sen. Hơn thế, ông là người yêu sen.
Nói không ngoa, Đồng Tháp “trên trời, dưới sen”.
“Bốn bề đều là sen, thanh bình quá. Đến đây chỉ muốn mở thật căng lồng ngực để hít thở bầu không khí trong lành, để tận hưởng cảm xúc được hòa mình với thiên nhiên. Thời điểm ấn tượng nhất là ngắm sen buổi chiều, hoàng hôn bàng bạc buông xuống đồng sen một màu hồng rực rỡ, cảnh quê bình dị nhưng cũng rất lãng mạn”, chị Trịnh Thị Thu Vân đến từ Hải Phòng, thảng thốt. Câu này, không riêng cảm nhận của Thu Vân, một kế toán viên có tâm hồn lãng mạn, yêu văn học.
Đồng Tháp nổi tiếng với vùng hoa Sa Đéc. Nghe đâu, với sen tỉnh này đang quy hoạch lại vùng nguyên liệu, không riêng ở huyện Tháp Mười.
Cây sen trong tâm thức người Việt là một loài hoa cao quý, tượng trưng cho tinh thần, cốt cách người Việt Nam. Biết bao tao nhân mặc khách, nhà thơ Việt Nam từ thời trung đại cho đến nay, sáng tác về sen. Và nay vẫn thế.
Đồng Tháp Mười bao gồm các tỉnh: Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang. Tuy nhiên, thường khi nhắc đến thì hoa sen sẽ gắn liền với Đồng Tháp. Và Tháp Mười - một trong 12 đơn vị hành chính cấp huyện của Đồng Tháp, nhưng sen Đồng Tháp không chỉ có ở Tháp Mười. Đồng Tháp tự hào là xứ sở của hoa sen, nên đã chọn loài hoa này làm hình ảnh đặc trưng của tỉnh. Chính quyền và nhân dân cùng sát cánh quyết tâm tạo dựng thương hiệu “Đồng Tháp - Đất Sen Hồng” để cả nước biết đến.
Với đặc tính thích nghi trong môi trường khắc nghiệt, sen còn tượng trưng cho một phần phẩm chất của người Đồng Tháp, nỗ lực vươn lên từ gian khó. Cao Lãnh là nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - phụ thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh), từng dạy học, làm thuốc giúp đỡ dân nghèo. Đến dâng hương tưởng nhớ Cụ trong Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc mới hiểu thêm tấm lòng thủy chung. “Trong những năm gian khó, thời đất nước chưa giải phóng, bà con Cao Lãnh đã cất giấu, gìn giữ thi hài của Cụ”, tôi nhận ra đôi mắt xúc động qua lời giới thiệu của hướng dẫn viên Đinh Thị Lan Linh.
Tôi đã đi nhiều lần trên con đường Lý Thường Kiệt, ngắm những bonsai sen giữa dải phân cách. Sen đã được đưa từ đầm, từ ruộng lên phố, thay cho lời chào bè bạn, du khách đến Đồng Tháp.
***
Trước khi tạm biệt Đồng Tháp, tôi có tặng ThS. Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp bài thơ Về Đồng Tháp thay cho lời hò hẹn:
"Về đất Sen Hồng
những con đường thong dong Đồng Tháp
hàng cây dầu lặng im
tháng tư quê hương vào lễ hội
Đồng Tháp nhiều lúa
Đồng Tháp quê sen
ngước lên trời đua nhau mà nở
chỉ cúi đầu khi muốn chín thôi".
Trong bài thơ này, tôi nâng niu khổ cuối:
"Anh cất vào lòng mình
bài thơ biết dở
tặng lạ quen tay đơm lộc gió
thổi bốn mùa châu thổ biếc non em".
Hy vọng được trở lại đất Sen Hồng, chờ trổ... biếc non./.