Tâm lý đợi chờ vẫn bao trùm toàn thị trường
Những cú sốc của thị trường bất động sản trong năm 2022 đã khiến tâm lý nhà đầu tư chịu nhiều ảnh hưởng. Không ít nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường. Tình trạng này dù không còn nặng nề trong những tháng đầu năm 2023, song nhìn chung, nhà đầu tư vẫn rất e dè và thận trọng trước khi “xuống tiền”.
Theo khảo sát mới đây của Batdongsan.com.vn về xu hướng của nhà đầu tư bất động sản quý I/2023, có 36% nhà đầu tư hiện nay giữ bất động sản chờ thị trường ổn định, quyết định không giao dịch; 29% nhà đầu tư giữ tiền chờ cơ hội tốt hơn để đầu tư; 31% nhà đầu tư hạ giá bất động sản, bán cắt lỗ. Như vậy, có đến 65% nhà đầu tư đang quyết định chờ đợi.
Nhóm có nhu cầu mua ở thực cũng có diễn biến tâm lý và hành động tương tự. Cụ thể, 43% tiếp tục chờ bất động sản giảm giá để mua; 37% mua bất động sản cắt lỗ, giảm giá; 15% không có đủ tiền/không vay được để mua; 4% bỏ kế hoạch mua nhà vì giá vẫn quá cao.
Tâm lý thận trọng “dò đường”, chờ đợi của nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại là điều dễ hiểu bởi thị trường bất động sản vẫn còn những “nốt trầm” và chưa hoàn toàn hồi phục. Phần khác là do nhiều nhà đầu tư đang muốn chờ đợi thị trường “xuống đáy” mới “xuống tiền”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Huỳnh, Giám đốc Công ty Central Group cho rằng, rất khó để xác định đâu là “đáy” của thị trường nên việc chờ đợi “bắt đáy” là không dễ dàng.
Ngược lại, nếu nhà đầu tư mang trong mình tâm lý chờ đợi quá lâu thì sẽ có những tác động ngược trở lại thị trường, khiến khả năng hồi phục của thị trường thêm khó khăn và mất nhiều thời gian.
Bởi theo ông Nguyễn Hữu Huỳnh, một trong những yếu tố hàng đầu quyết định trạng thái sôi động hay trầm lắng của thị trường bất động sản là niềm tin của nhà đầu tư. Do đó, thị trường sẽ không thể "ấm lên" nếu niềm tin nhà đầu tư "nguội lạnh".
Doanh nghiệp “co cụm” để bảo toàn dòng tiền
Trước thực tế niềm tin nhà đầu tư chưa có nhiều chuyển biến rõ nét, tâm lý đợi chờ vẫn là chủ đạo đã khiến các giao dịch trên thị trường bất động sản tiếp tục “đứng bánh”. Điều này đồng nghĩa, cộng đồng doanh nghiệp địa ốc sẽ bị hạn chế nguồn thu từ việc bán sản phẩm.
Trong bối cảnh dòng tiền khó khăn do các kênh huy động vốn từ tín dụng, trái phiếu ngày càng thắt chặt, cùng với đó là nguồn tiền từ khách hàng hạn chế đã khiến các doanh nghiệp khó chồng khó.
Không còn cách nào khác, trạng thái “co cụm” cùng nhiều chính sách “thắt lưng buộc bụng” là sự lựa chọn tất yếu được các doanh nghiệp thực hiện trong bối cảnh hiện nay.
“Thà tiết kiệm để có thể cầm cự, sống lâu còn hơn tiêu hoang mà chết nhanh”, Giám đốc Công ty Central Group nói.
Theo ông Nguyễn Hữu Huỳnh, không chỉ công ty Central Group mà hầu hết các công ty bất động sản hiện nay đều tìm đủ mọi cách để bảo toàn dòng tiền. Bởi những khó khăn trên thị trường sẽ cần một khoảng thời gian nhất định mới có thể cải thiện. Trong lúc đó, doanh nghiệp nào hết tiền trước thì sẽ "chết" trước.
Chia sẻ rõ hơn về việc bảo toàn dòng tiền, đại diện Công ty Central Group cho biết, doanh nghiệp của ông đã thực hiện các biện pháp để cơ cấu, kiểm soát lại rủi ro dòng tiền, cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết để đảm bảo hiệu quả hoạt động dòng tiền của doanh nghiệp.
Ngoài ra, trong năm 2023, Central Group cũng ưu tiên tái cấu trúc sản phẩm, hướng đến phát triển bất động sản đáp ứng nhu cầu thật, phân khúc vừa túi tiền nằm trong khả năng chi trả của số đông và các sản phẩm có tính thanh khoản cao thay vì đầu tư dàn trải như trước.
Bàn về câu chuyện “thắt lưng buộc bụng” của các doanh nghiệp, ông Huỳnh Phước Nghĩa - Chuyên gia tư vấn cấp cao GIBC cho biết, có đến 80% doanh nghiệp tiết lộ họ chọn đầu tư kinh doanh thận trọng và cắt giảm trong năm 2023. Phản ứng này được xem là phù hợp với tình hình thực tế, khi quá trình sàng lọc thị trường địa ốc trở nên bức thiết trong ngắn và trung hạn.
Các khó khăn chung của doanh nghiệp địa ốc hiện nay bao gồm: Mất thanh khoản, thiếu vốn, tắc pháp lý, nợ lớn, chịu lãi vay cao. Ông Huỳnh Phước Nghĩa cho rằng, năm 2023 là thời điểm quyết định để các doanh nghiệp tìm ra biện pháp "điều trị" nhằm "chữa dứt các triệu chứng bệnh tật" đã trở nặng thời gian qua.
Tuy nhiên, quá trình "điều trị" này diễn ra đầy khó khăn khi các nguồn lực đều yếu, dẫn đến đa số các doanh nghiệp có xu hướng “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm chi phí, giảm tốc đầu tư, giãn tiến độ dự án và hạ phân khúc sản phẩm để vượt bão.
“Sức khỏe của các chủ đầu tư địa ốc bao gồm cả quy mô lớn lẫn quy mô vừa và nhỏ, đều sẽ trở thành tâm điểm chú ý trong năm 2023 khi nhất cử nhất động của các doanh nghiệp đều có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Chẳng hạn, chỉ cần một doanh nghiệp địa ốc xuất hiện dấu hiệu kinh doanh sa sút hoặc mất thanh khoản cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến toàn thị trường do hiệu ứng tâm lý lây lan”, ông Nghĩa nói.
Vì vậy, theo chuyên gia này, chiến lược “thắt lưng buộc bụng” của các doanh nghiệp trong năm 2023 có mặt tích cực khi chặn đứng chu kỳ đầu tư kinh doanh bùng nổ một cách dễ dãi, mở ra chu kỳ đầu tư kinh doanh thận trọng nhưng hướng đến sự phát triển bền vững./.