Aa

Thâu tóm nước sông Đuống, đại gia Thái Lan hưởng lợi "kép"

Thứ Hai, 04/11/2019 - 14:10

Bỏ ra khoảng 2.000 tỷ đồng để mua 34% cổ phần của Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống, đại gia Thái Lan sẽ nhận được lợi ích "kép" từ cuộc thâu tóm này.

Cuộc thâu tóm ngay sau cuộc khủng hoảng nước sạch

Thông tin từ Ủy ban chứng khoán Thái Lan cho biết, vào 8/8/2019, Sở GDCK Thái Lan đã được CTCP đại chúng điện và nước WHA (WHA) thông báo về việc một công ty con là WHA Utilities and Power Public Company Limited (WHAUP) ký thỏa thuận đầu tư vào một doanh nghiệp tiện ích ở Hà Nội. Giao dịch đã hoàn tất.

Cụ thể, WHAUP mua gần 34 triệu cổ phiếu (tương đương 34%) cổ phần từ ông Do Tat Thang (tên giao dịch tiếng Anh), một cổ đông của Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống (SDWTP) với trị giá tổng cộng hơn 2.073 tỷ đồng.

Phía doanh nghiệp Aqua One cũng đã ghi nhận danh sách cổ đông hiện hữu của CTCP Nước mặt Sông Đuống bao gồm: WHAUP (SG) 2DR PTE. LIMITED của Thái Lan nắm giữ 34%; các cổ đông còn lại là: Aqua One 51%; Newtaco 5%; Công ty nước sạch Hà Nội 10%.

Ảnh: VietnamNet

Trước khi đại gia Thái này thâu tóm 34% cổ phần, Nhà máy nước sông Đuống có cơ cấu cổ đông sáng lập bao gồm: Công ty nước sạch Hà Nội 10%; Công ty TNHH MTV ứng dụng công nghệ mới và du lịch (Newtaco) 5%; CTCP Đầu tư Việt Nam - Oman (Nhà đầu tư ủy thác góp vốn) 27%; CTCP Nước Aqua One (Nhà đầu tư ủy thác góp vốn) 58%.

Ảnh: VietnamNet

Dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ Đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án được phê duyệt đầu tư theo quyết định 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/03/2013 và quyết định chủ trương đầu tư 2869/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội ngày 03/6/2016.

Dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống nằm ở Khu vực xã Phù Đổng và Trung Mầu, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội, có vốn đầu tư giai đoạn 1 là 5.000 tỷ đồng.

Dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống đang triển khai giai đoạn 1B với công suất mở thêm tương ứng cũng 54,75 triệu mét khối nước và dự kiến đi vào hoạt động trong quý IV/2019, nâng tổng công suất lên 109,5 triệu mét khối nước mỗi năm.

Lợi ích "kép" cho đại gia Thái Lan

Đi vào hoạt động từ đầu năm 2019, song dự án Nhà máy nước sông Đuống vẫn kêu lỗ dù mức giá nước cao hơn so với Nhà máy nước sông Đà. Song, nhiều nhận định vẫn cho rằng, sau cuộc thâu tóm này, cơ hội kiếm lời của đại gia Thái Lan vẫn còn rất lớn.

Dự án Nhà máy nước sông Đuống. 

Thứ nhất, hiện tại, so với mức giá nước của Nhà máy nước sông Đà, giá nước của Nhà máy nước sông Đuống đã cao hơn rất nhiều. Từ 7/2017, Hà Nội tạm tính giá nước sạch của Nhà máy nước sông Đuống là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT). 

Công ty CP Nước sạch sông Đà hiện đang cấp nước sạch cho các đơn vị Viwaco và Hà Đông với giá bán 5.069,76 đồng/m3 vã đã có lãi lớn hàng ngàn tỷ đồng. Trong 4 năm gần nhất, mỗi năm Viwasupco đều đạt trên 400 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận ròng sau thuế xấp xỉ 150 tỷ đồng. Trước đó, dù giữa tâm bão nước bẩn, Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà đã công bố Báo cáo tài chính quý 3/2019 với doanh thu thuần đạt 137,8 tỷ đồng, tăng 17% và lợi nhuận sau thuế hơn 72,4 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. 

Nhà máy Nước mặt Sông Đuống là nhà máy nước sạch sinh hoạt quy mô cấp vùng, tổng diện tích 65ha, với mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng, công suất 300.000 m3/ngày đêm. Tiếp nối giai đoạn này, dự án sẽ phát triển và mở rộng liên tục đến năm 2023 đạt 600.000m3/ ngày đêm, đến năm 2030 đạt 900.000m3/ ngày đêm và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm. Cung cấp nước sạch cho khoảng 3 triệu người – chiếm 1/3 dân số Hà Nội và một số địa phương phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên.

Thứ hai, trước việc “kêu lỗ” của Nhà máy Nước mặt Sông Đuống, vào tháng 6, Sở Tài chính Hà Nội đã có cuộc họp về việc xem xét điều kiện bù giá nước của doanh nghiệp này cho Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông và Công ty Cổ phần Viwaco. Theo tính toán, Nhà máy nước sạch sông Đuống có công suất 300.000m3/ngày đêm, nếu tính nhà máy này vận hành mỗi ngày 100% công suất thì Hà Nội sẽ phải bù lỗ mỗi ngày 3 tỷ đồng. Nếu vận hành 50% công suất, thì Hà Nội bù lỗ khoảng 1,5 tỷ đồng/ngày.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã có văn bản giao Sở Tài chính phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch trên địa bàn Thủ đô.

Trước đó, vào năm 2017, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận giá bán nước sạch tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước cho Dự án Nhà máy Nước sạch sông Đuống để triển khai thực hiện dự án nhà máy này. Cụ thể, lộ trình tăng giá nước tối đa 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.

Như vậy, cơ hội kiếm lời của đại gia Thái là rất lớn vì giá nước sinh hoạt từ sông Đuống còn tiếp tục gia tăng và chưa kể khoản tiền bù lỗ.

"Nhìn từ vụ nước sạch Sông Đà, rất nhiều câu hỏi đặt ra, tại sao cuộc cạnh tranh nhảy vào kinh doanh nước sạch lại khắc nghiệt như vậy? Tại sao nhiều doanh nghiệp muốn tham gia vào phân chia "chiếc bánh đầy béo bở" này?

Đó là thương quyền. Đó là quyền bán nước sạch cho hàng triệu người. Thương quyền đó rất lớn. Nếu cho anh lên mặt trăng xem, anh có muốn kinh doanh được không?

Thương quyền ở đây chính là việc làm kinh doanh và có một nguồn cầu rất ổn định. Một cơ hội vàng!

Nhu cầu về uống cà phê của người dân, sáng có thể có, chiều có thể không. Nhu cầu đi du lịch, năm nay có thể có, năm sau có thể không. Nhưng nhu cầu về điện, về nước sạch thì không thể nay có, mai không. Đó là thương quyền rất lớn. Nhưng tiếc là Nhà nước đang bỏ qua thương quyền đó".

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top