Aa

Thấy gì từ ngành xi măng khi than tăng giá?

Thứ Tư, 27/10/2021 - 13:06

Vừa trải qua khó khăn do ảnh hưởng của đợt dịch Covid -19 lần thứ 4, các doanh nghiệp xi măng phải đối mặt với một khó khăn khác đó là giá các nguyên nhiên liệu đầu vào tiếp tục tăng cao.

Giá than tăng từ 7% đến trên 10%

Kinh tế thế giới vừa có dấu hiệu hồi phục nhưng các doanh nghiệp phải đối mặt với một thách thức mới, đó là giá các nguyên liệu đầu vào tăng chóng mặt, trong đó có giá dầu, than. Theo ghi nhận, giá than trên thị trường thế giới tăng liên tiếp từ tháng 7 đến nay. Tháng 7/2021, giá than là 125,25 USD/tấn; tháng 8/2021 là 150,15 USD/tấn; tháng 9/2021 là 172 USD/tấn; tháng 10/ 2021 là 230 USD/tấn than.

Xi măng là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc tăng giá than, đang đứng trước những áp lực đầy thách thức. Đại diện một doang nghiệp xi măng cho biết: Giá than trong nước tăng bình quân từ 7 - 10%, tình hình khó khăn, than 3c nhập càng khó, có công ty phải sử dụng than 4. Dầu DO dùng để đốt khi mới sấy lò tăng giá trên 10%. Hàng loạt phụ gia dùng trong sản xuất xi măng cũng tăng giá.

Trong đó, giá than tăng tạo áp lực lớn cho các công ty sản xuất xi măng bởi xi măng là ngành tiêu thụ nhiều than. Giá than chiếm 40 - 45% giá thành sản xuất xi măng. Các doanh nghiệp đã sử dụng các biện pháp tiết giảm tối đa chi phí, tối ưu hoá sản xuất nhưng việc tăng giá nhiều nguyên liệu đầu vào, cộng việc giá than tăng, buộc nhiều doanh nghiệp xi măng điều chỉnh tăng giá bán.

Nhiều doanh nghiệp tăng giá bán xi măng

Doanh nghiệp đầu tiên điều chỉnh tăng giá bán xi măng là Công ty CP Xi măng Hoàng Long với mức tăng 80.000 đồng/tấn, đối với xi măng bao PCB30, PCB40 từ ngày 20/10.

Tương tự, Công ty Xi măng Long Sơn điều chỉnh tăng 90.000 đồng/tấn so với đơn giá đang áp dụng đối với sản phẩm Xi măng bao Hà Trung (PCB30, PCB40), từ ngày 25/10. Cùng áp dụng mức tăng 90.000 đồng/tấn, Nhà máy Xi măng Duyên Hà cũng điều chỉnh tăng từ 26/10 đối với sản phẩm xi măng bao.

Công ty Xi măng Nghi Sơn gửi thông báo cho các nhà phân phối tại khu vực Nghệ An và Hà Tĩnh về việc điều chỉnh tăng giá bán các loại xi măng bao PCB40, PCB40 dân dụng, PC40, PC50 và Type II, từ ngày 26/10 thêm 80.000 đ/tấn (gồm VAT).

Các doanh nghiệp thuộc VICEM cũng tăng giá bán xi măng. Đầu tiên là VICEM Bút Sơn, từ 25/10, giá bán điều chỉnh tăng 80.000 đồng/tấn với tất cả các chủng loại xi măng (bao và rời).

Xí nghiệp Tiêu thụ - Công ty CP Xi măng VICEM Hoàng Mai điều chỉnh tăng giá bán 50.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT) đối với tất cả chủng loại xi măng, tiêu thụ trên địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, thời gian áp dụng bắt đầu từ ngày 25/10. Tương tự, từ 26/10, Xí nghiệp Tiêu thụ và Dịch vụ VICEM Hà Tiên điều chỉnh tăng giá 80.000 đ/ tấn với sản phẩm đóng bao 50kg các loại.

Cần cơ chế, biện pháp cụ thể

Thực tế cho thấy, ngành Xi măng đang có dư địa lớn để tự sản xuất điện bằng cách tận dụng nhiệt khí thải để phát điện, thay thế nhiên liệu đốt từ than, dầu bằng việc đốt rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt, các vật chất thải có khả năng sinh nhiệt… Nhưng những năm qua, lĩnh vực này chưa thực sự được đẩy mạnh.

Theo Quyết định số 56/QĐ-TTg, ngày 18/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 thì đến hết năm 2025, có 100% các dây chuyền sản xuất xi măng công suất từ 2.500 tấn clinker/ngày trở lên phải lắp đặt và vận hành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải. Các nhà máy xi măng cần đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu về công nghệ và môi trường và phải đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Dẫu biết rằng tận dụng nhiệt thừa để phát điện tại các công ty sản xuất xi măng không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn mang lại lợi ích xã hội, giúp giải quyết bài toán giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí CO2 do không phải sử dụng nguồn nguyên liệu thứ cấp nhưng chi phí đầu tư ban đầu lớn, cộng với việc tiếp cận vốn ngân hàng khó nên việc triển khai dự án tận dụng nhiệt khí thải tại nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng vẫn đang dậm chân tại chỗ hoặc ở giai đoạn nghiên cứu.

Việc thay thế nhiên liệu đốt từ than, dầu bằng việc đốt rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt, các vật chất thải có khả năng sinh nhiệt mà con người đang thải ra hàng ngày, góp phần làm sạch môi trường và giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tối ưu hóa và nâng cao hiệu suất sử dụng nhiệt năng, điện năng hiện đang được VICEM phối hợp với FL Smidth (Đan Mạch) nghiên cứu…

Hiện nhiều đơn vị của VICEM như VICEM Hà Tiên, VICEM Bút Sơn, VICEM Hoàng Thạch đang đẩy mạnh sử dụng rác thải, bùn thải làm nguyên liệu thay thế. VICEM tiếp tục đẩy mạnh chương trình kinh tế tuần hoàn: Phát huy hiệu quả việc xử lý rác thải, bùn thải thay thế nguyên liệu, nhiên liệu trong sản xuất với mục tiêu thay thế 25 - 30% nhiệt lượng; 40 - 50% sét trong giai đoạn tới.

Trong bối cảnh giá than, dầu, điện tăng, mới thấy việc chủ động một phần nguyên nhiên liệu như tự chủ một phần điện, chất đốt cũng sẽ giúp ngành Xi măng tự chủ hơn. Nhưng để đạt được các mục tiêu của Chính phủ đề ra thì lộ trình thực hiện cần được đẩy mạnh với những cơ chế, biện pháp cụ thể, hành động quyết liệt hơn từ phía cơ quan quản lý và cả doanh nghiệp./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top