Nên thay nhà ở xã hội bằng nhà ở thương mại giá rẻ
Theo ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), mục tiêu phát triển nhà ở xã hội đã được đặt ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Cụ thể là đến năm 2020, phấn đấu cả nước đầu tư xây dựng 12,5 triệu mét vuông nhà ở xã hội tại đô thị; đáp ứng cho khoảng 80% số sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp; hỗ trợ cho khoảng 500.000 hộ gia đình theo chuẩn nghèo mới tại khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2016, cả nước mới đáp ứng được 28% nhu cầu nhà ở xã hội. Vì vậy để đạt được những con số kể trên cũng không phải là điều dễ dàng.
Tại diễn đàn, GS. Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, với tình hình hiện nay, hết gói 30.000 tỷ đồng là việc phát triển các dự án nhà ở xã hội cũng dừng, không ngân sách nào chịu nổi. Vì vậy, phải chuyển sang nhà ở thương mại giá rẻ, nên khuyến khích phân khúc nhà ở giá rẻ chứ không nên tính chuyện phát triển phân khúc nhà ở xã hội.
Từ 5/12, thêm tên các thành viên trong gia đình có chung quyền sử dụng đất vào sổ đỏ
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật đất đai.
Theo đó, Thông tư số 33/2017 đã sửa đổi, bổ sung Điểm c Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 23/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình…; địa chỉ thường trú của hộ gia đình.
Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.
Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với … (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).”
Như vậy, Thông tư 33/2017 đã bổ sung thêm đối tượng là “những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất” vào trong sổ đỏ.
Thể chế “hết sức táo bạo” của luật đặc khu
Giải trình trước Quốc hội chiều 22/11 về một số vấn đề của dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết các nội dung mang tính đổi mới, đột phá về thể chế hành chính và chính sách vượt trội được áp dụng tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại dự thảo luật được dựa trên tổng kết kinh nghiệm từ trong các bài học thất bại, thành công ở trong nước và quốc tế, cũng như sự nghiên cứu của các chuyên gia tư vấn hàng đầu từ nước ngoài.
Theo Bộ trưởng thì chính sách phát triển kinh tế - xã hội và các quy định đặc thù đối với từng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã đảm bảo yêu cầu vượt trội so với các quy định áp dụng đối với các khu trong nước như khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao theo quy định hiện hành hiện nay.
Các chính sách đó cũng đảm bảo cạnh tranh được với các đặc khu kinh tế trên thế giới, hầu hết bằng ưu đãi hoặc cao hơn, thuận lợi hơn so với các đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonexia, Malaysia, Thái Lan, Singapore và Myanmar.
Các sếp ngân hàng có dễ từ bỏ thương hiệu gắn với doanh nghiệp đã gây dựng mấy chục năm?
Ngày 20/11 vừa qua, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng và có hiệu lực kể từ 15/1/2018. Trong các điểm sửa đổi và bổ sung, đáng chú ý có Điều 34 quy định về chức danh của lãnh đạo ở ngân hàng.
Theo đó, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của TCTD không được đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của TCTD...
Qua thống kê cho thấy, có rất nhiều các lãnh đạo ngân hàng đang đồng thời là chủ ở doanh nghiệp khác. Và trong số ấy có những cái tên gắn với doanh nghiệp nhiều hơn ở ngân hàng bởi họ đã gây dựng sự nghiệp và tên tuổi gắn với doanh nghiệp suốt hàng chục năm qua. Chẳng hạn như ông Minh Him Lam, ông Thắng Đồng Tâm, ông Tiền Geleximco, bà Nga BRG, ông Hiển “T&T”, ông Phú Doji, bà Thái Hương T.H... Tới đây họ buộc phải lựa chọn: đứng ở doanh nghiệp hoặc ngân hàng.
Một số người cho rằng, các ông chủ chắc sẽ nghiêng về lựa chọn ngân hàng nhiều hơn. Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng chưa chắc đã vậy bởi hoạt động ngân hàng thực sự khó khăn và rất rủi ro, nếu buộc phải lựa chọn, không ít người sẽ rút lui.
Trông đợi điều gì ở thị trường bất động sản Việt Nam 2018?
Theo cùng vô số cơ hội hội nhập đầy hứa hẹn, cải cách kinh tế và bùng nổ tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây, Việt Nam tiếp tục đón thêm nhiều các nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang liên tục đổ vào nền kinh tế quốc gia, góp phần đảm bảo sự tăng trưởng bền vững. Đặc biệt nhất, việc trở thành chủ nhà của Hội nghị APEC Việt Nam 2017 đã đem lại cơ hội cho Việt Nam thể hiện điểm mạnh và tiềm năng đầu tư trong năm 2018 phía trước.
Năm 2017 vẫn chưa kết thúc nhưng thị trường đã chứng kiến số lượng và giá trị giao dịch đáng kể từ các nhà đầu tư nước ngoài, tiếp tục cộng thêm vào con số đầu tư đã khá ấn tượng được thực hiện trong nhiều năm qua kể từ khi Việt Nam mở cửa với hội nhập toàn cầu.
Hơn bao giờ hết, chúng ta phải biết nắm bắt thời cơ và sử dụng cơ hội đang có theo chiến lược cụ thể. Chúng ta nên tận dụng toàn bộ sự chú ý của quốc tế trong kỳ APEC Việt Nam 2017 và biến tiềm năng thành hành động cụ thể, phát triển du lịch, kinh tế và xã hội. Chính phủ cũng cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời cho các nhà đầu tư bằng cách tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, sách lược đầu tư rõ ràng, để đảm bảo tính phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.