Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II và 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam vừa trải qua giai đoạn khó khăn trong bối cảnh tác động mạnh của dịch Covid-19. Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2020 sẽ phụ thuộc vào khả năng khống chế bệnh dịch không chỉ ở trong nước mà còn trên thế giới.
Theo PGS. TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện VERP, những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng của Việt Nam ở giai đoạn cuối năm bao gồm: Kỳ vọng về phát triển kinh tế do việc hoàn tất ký kết Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU đem lại; tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh như mong đợi; chi phí nguyên, nhiên vật liệu duy trì ở mức thấp do suy giảm nhu cầu tiêu thụ và sản xuất; làn sóng dịch chuyển đầu tư nhằm phân tán rủi ro từ thương chiến Mỹ - Trung và tận dụng các ưu đãi đầu tư tại Việt Nam; môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát được ở mức trung bình, tạo điều kiện tốt cho việc thực thi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.
Tuy nhiên, vị Kinh tế trưởng Viện VERP cho rằng, Việt Nam đang gặp nhiều rủi ro và thách thức trong môi trường kinh tế thế giới bất ổn và tương lai bất trắc. Sự tái bùng phát của Covid-19 kèm theo các biện pháp phong toả kéo dài dẫn tới sự đứt gãy của chuỗi cung ứng; xung đột địa chính trị giữa các nước lớn có thể khiến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam đối diện những rủi ro bất ngờ.
Bên cạnh đó, nội tại nền kinh tế Việt Nam còn đang đối mặt với nhiều rủi ro từ mất cân đối tài khoá lớn; tốc độ và mức độ đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tầng bị chững lại; sức khoẻ hệ thống ngân hàng - tài chính tuy đã dần được củng cố nhưng còn dễ bị tổn thương…
Trong bối cảnh đó, báo cáo kinh tế vĩ mô quý II và 6 tháng đầu năm 2002 đưa ra 2 kịch bản cho triển vọng kinh tế Việt Nam. Cụ thể, về kịch bản cơ sở, bệnh dịch sẽ không tái phát trong nước và hoạt động kinh tế nội địa dần trở lại bình thường. Trong khi đó, bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới được giả định có một khả năng tái bùng phát hoặc các nước chưa đủ tự tin nên phải kéo dài thời gian phong toả sang nửa sau quý III/2020, ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam và nhu cầu du lịch, lưu trú tại Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế cả năm trong kịch bản này được dự báo ở mức 3,8%. Nhìn chung, tăng trưởng trong các ngành nghề sẽ khiêm tốn, trong đó các ngành bị ảnh hưởng nặng nhất bao gồm dịch vụ lưu trú và ăn uống, ngành khai khoáng và ngành kinh doanh bất động sản.
Ở kịch bản bất lợi, bệnh dịch trong nước dù vẫn được khống chế hoàn toàn trong thời gian còn lại của năm và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường, tuy nhiên, bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới tái bùng phát mạnh, các nước phải kéo dài thời gian phong toả sang quý IV/2020 dẫn đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng và không có khả năng hồi phục trong năm 2020, kéo theo đó là sản xuất trong nước tăng trưởng yếu và các ngành khai khoáng phục vụ công nghiệp có khả năng thu hẹp. Khi đó, tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 2,2%.
Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II và 6 tháng đầu năm 2020 đưa ra nhận định, khả năng cao nền kinh tế sẽ đạt mức tăng trưởng 3,8% cho cả năm 2020. Ở khả năng thấp hơn, nền kinh tế có thể chỉ tăng trưởng 2,2% do những diễn biến bất lợi của dịch bệnh.
Trả lời phỏng vấn bền lề Toạ đàm, PGS. TS. Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng Viện VERP cho rằng: "Nếu kịch bản tăng trưởng của nền kinh tế ở mức 2,2% trong bối cảnh bất lợi của dịch bệnh, đây vẫn là con số tăng trưởng dương đáng mừng của nền kinh tế Việt Nam. Trong khi đó, các nước trên thế giới và ngay cả các nước láng giềng như Thái Lan, tốc độ tăng trưởng được dự báo ở mức âm".