Tạp chí Chính sách đối ngoại (Foreign Policy) đã có cuộc trao đổi khá thú vị với nhiều học giả về các khía cạnh khác nhau sau đại dịch, bài viết dưới đây giới thiệu phần về tương lai các đô thị trên thế giới.
95% số người nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đang sống ở các đô thị, và có vẻ như điều này sẽ khiến người ta cân nhắc lại về làn sóng đô thị hoá trong hơn một thế kỷ qua.
Đô thị hoá ngược
Cho dù bệnh dịch hạch đã tàn phá các thành phố châu Âu suốt thời Trung cổ và các thành phố châu Á đến đầu thế kỷ 20, dịch cúm Tây Ban Nha đã giết chết hơn 50 triệu người hồi năm 1918, nhưng các đô thị lớn vẫn trỗi dậy sau đó. GS. Richard Floria ở Đại học Toronto cho rằng, đô thị rồi sẽ lại trỗi dậy sau đại dịch, vì cơ hội việc làm nhiều hơn và thu nhập tốt hơn, có những dự đoán rằng các đô thị sẽ lụi tàn sau những cú sốc này, nhưng sức sống của các đô thị luôn mạnh mẽ hơn bệnh dịch.
Dù vậy, sẽ có những làn sóng dịch chuyển từ đô thị về ngoại ô, đặc biệt của các gia đình có trẻ em và những người dễ tổn thương, do những sợ hãi về mật độ và giao thông công cộng. “Nhưng có những lực hút khác, thu hút những người trẻ nhiều tham vọng đến các đô thị để tìm kiếm cơ hội cá nhân và nghề nghiệp”.
Đại dịch đang biến đổi cuộc sống ở các đô thị, nó phá huỷ thương mại, hạn chế quyền tiếp cận không gian công cộng, đe dọa các bệnh viện, gây căng thẳng cho hạ tầng kỹ thuật số, gia tăng thách thức về sức khoẻ tâm thần khi người dân buộc phải ở nhà trong suốt thời gian dài.
Chính quyền của các thành phố cũng phải đối mặt với sự thiếu hụt ngân sách trong khi những đòi hỏi chi tiêu tăng cao hơn để đối phó với bệnh dịch. Khi các đô thị đóng cửa trong thời gian dài, việc làm của cư dân cũng sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
Chỉ tính riêng ở Mỹ, có hơn 32 triệu việc làm trong lĩnh vực khách sạn, du lịch, giải trí và bán lẻ, và tất nhiên, hầu hết trong số họ đang gặp rất nhiều khó khăn. GS. Edward Glaeser ở Đại học Harvard dẫn một cuộc khảo sát hồi mùa hè, cho thấy 70% các nhà hàng sẽ phải đóng cửa nếu đại dịch kéo dài từ 4 tháng trở lên, và hàng chục triệu công việc trong các đô thị sẽ biến mất.
“Cơ hội duy nhất để ngăn chặn thị trường lao động sụp đổ là đầu tư vào hạ tầng chăm sóc sức khoẻ”, Edward Glaeser khuyến nghị.
Cùng chia sẻ ý tưởng đó, Robert Muggah, người sáng lập Viện Igarape cho rằng các phương tiện vận tải công cộng sẽ chật vật để duy trì lượng hành khách khổng lồ hiện tại nếu không có những điều chỉnh để đáp ứng việc giãn cách xã hội. Ô tô không người lái sẽ trở nên quan trọng.
“Đại dịch đang bộc lộ chất lượng quản trị và quy mô bất bình đẳng trong các thành phố trên toàn cầu, nhưng cũng tạo cơ hội để các nhà quy hoạch đô thị, chính quyền và doanh nhân xây dựng trở lại tốt hơn”, Robert đánh giá.
GS. Rebecca Katz từ Đại học Georgetown thì nhận định, mật độ cao ở các đô thị sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn cùng với sự lây truyền liên tục của virus corona, các căn hộ trở nên ngột ngạt cho những người trẻ tuổi vốn đang đổ xô đến các đô thị lớn tìm kiếm cơ hội công việc và học tập.
Trong khi đó, những người giàu có hơn vốn đã sống xa hoa ở các đô thị, sẽ trốn về ngôi nhà nghỉ ngoại ô. Nhiều người trong số họ sẽ có thể tính toán lại các lựa chọn lâu dài, nhất là khi giải pháp cho công việc như họp trực tuyến trở nên phổ biến. Rebecca cho rằng, có vẻ như sẽ có quy trình đô thị hoá ngược, cho dù rất khó để dự đoán liệu “bình thường mới” sẽ thế nào.
Thay đổi mô hình kinh tế
GS. Chan Hen Chee ở Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore nhắc đến trường hợp của một đô thị thiếu nông thôn như Singapore, khi bị đe dọa cả về chuỗi cung ứng y tế và thực phẩm dễ bị tổn thương, lẫn thách thức với việc đảm bảo sức khoẻ cho lượng lớn lao động nhập cư.
Có tới hơn 1 triệu người trong số 5,7 triệu dân số Singapore là người lao động bán kỹ năng và lao động phổ thông, bao gồm người giúp việc và khoảng 300 nghìn lao động nhập cư đang sống chủ yếu trong các ký túc xá có quy mô lớn.
Cộng đồng chật chội này đã trở thành nguồn lây nhiễm lớn trong đại dịch, thúc đẩy nhu cầu thiết kế ký túc xá có tiêu chuẩn tốt hơn để có thể ứng phó với đại dịch. “Và gần như chắc chắn mô hình kinh tế hiện tại phụ thuộc nhiều vào lao động nhập cư và tăng trưởng kinh tế sẽ được xem xét lại, thúc đẩy công nghệ để tăng năng suất, một chủ trương được chính phủ (Singapore) thúc đẩy từ lâu sẽ được đẩy mạnh hơn và cấp thiết hơn để giảm bớt sự phụ thuộc vào nhân lực để tăng năng suất”.
Joel Kotkin, Giám đốc Viện Cải cách và Đô thị, Đại học Chapman, cho rằng nhà ở đô thị sẽ rẻ hơn khi thực tế là dịch bệnh đã bùng phát nặng nề hơn ở những đô thị có mật độ cao, sẽ có những khuyến khích làm việc từ xa, phát triển giao thông cá nhân phù hợp, giảm bớt phụ thuộc vào các chuyến tàu điện đông đúc.
Joel nhắc đến việc Manhattan (New York) đã giảm dân số từ 2,5 triệu người vào năm 1920 còn 1,5 triệu vào năm 1970 sau các đại dịch đầu thế kỷ. “Sự phân tán dân cư sẽ lan rộng và làm giảm chi phí nhà ở đô thị, đồng thời các thành phố sẽ an toàn và vệ sinh hơn. Tuy nhiên, thế hệ kế tiếp của các vùng ngoại ô sẽ cần đến các thiết kế phù hợp để giảm thiểu khí thải, cho phép làm việc ở nhà nhiều hơn và quãng đường di chuyển đến chỗ làm việc ngắn hơn”./.