Thế hệ doanh nhân liêm chính sẽ thực hiện khát vọng Việt Nam hùng cường
Hình ảnh đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, vững vàng sau 35 năm đổi mới không chỉ là ví dụ điển hình cho công cuộc thoát nghèo vĩ đại của Việt Nam. Đây chính là thế hệ doanh nhân sẽ chung tay với đất nước, dân tộc thực hiện khát vọng hùng cường.
***
Năm 2011, trong buổi làm việc với cộng đồng doanh nhân tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Trong lịch sử 81 năm của Đảng, lần đầu tiên chúng ta có một nghị quyết về phát huy vai trò doanh nhân”.
Chỉ vài ngày trước cuộc gặp này, ngày 9/12/2011, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Tôi vẫn nhớ câu nói của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm đó rằng, vai trò của doanh nhân đã và đang được đánh giá ngày càng quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước. Nếu trong văn kiện Đại hội IX của Đảng, vị trí của doanh nhân còn đứng sau công nhân, nông dân và phụ nữ, người cao tuổi, thì đến Đại hội XI đã xác định cần tạo điều kiện xây dựng, phát triển vững mạnh hơn nữa.
Có thể nói, sau Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 hằng năm được Chính phủ ký quyết định lựa chọn, Nghị quyết 09 là dấu mốc quan trọng, xác định rõ vai trò, vị trí và định hướng phát triển cho đội ngũ doanh nhân, cùng với giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức đóng vai trò quan trọng trong khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Sau đó, vào năm 2013, lần đầu tiên doanh nhân được ghi danh trong Hiến pháp. Điều này hàm chứa một thông điệp chính trị và định hướng chính sách để xây dựng, phát huy vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc giai đoạn mới, mà ở đó nhiệm vụ xây dựng kinh tế là trung tâm và doanh nghiệp, doanh nhân là đội quân xung kích.
Kể từ đó đến nay, sau 10 năm, nền kinh tế Việt Nam đã có một thế hệ doanh nhân lớn mạnh hơn, vững vàng hơn trong sân chơi nền kinh tế thị trường.
Nhìn lại, rõ ràng doanh nhân Việt Nam có trải nghiệm không phải ở nền kinh tế nào cũng có được.
Chúng ta mới có gần 17 năm tôn vinh doanh nhân Việt, nhưng những người kinh doanh ở Việt Nam đã có một hành trình dài, đầy vinh quang, nhưng cũng thăng trầm, đầy mồ hôi và cả nước mắt.
Trước Đổi mới, từ doanh nhân không có trong từ điển. Mọi hoạt động kinh doanh cá nhân đều được quy là gian thương.
Thậm chí, trong lịch sử xa xưa của đất nước ta, truyền thống kinh doanh rất yếu. Kho tàng phản ánh đời sống kinh doanh xã hội chỉ có 2 câu chuyện nói về doanh nhân, nhưng đều là những câu chuyện xấu.
Trong Truyện Kiều, doanh nhân là hình ảnh phá hoại gia đình Thuý Kiều. Còn doanh nhân trong thời kỳ kế hoạch hóa sản xuất tập trung thì bị coi là con buôn, con phe. Hình ảnh doanh nhân khá xấu, không đẹp trong tiềm thức của người Việt Nam, doanh nhân bị coi là tiểu nhân, không được coi trọng. Nhưng nếu nhìn nhận một cách khách quan, không có họ chúng ta sẽ không thể duy trì cuộc sống bình thường.
Nhờ có Vua tàu thủy Bắc kỳ Bạch Thái Bưởi, mới có danh tiếng đội tàu của người Việt lan khắp Đông Dương, lan từ Hồng Kông tới Singapore; nhờ có sơn dầu của cụ Nguyễn Sơn Hà mà các hãng sơn của người Pháp, người Hoa phải e dè, chùn bước…
Các cụ đã bắt đầu phá đi tâm lý vốn không trọng người buôn bán, trong xã hội trọng học hành, thi cử…
Điều quan trọng, họ đã khẳng định và lan tỏa khát vọng làm giàu và tính cách độc lập, tự chủ của dân tộc. Nhiều văn bản có ghi lại câu nói của cụ Bạch khi bị các hãng tàu nước ngoài chèn lấn rằng, mình là người Việt, kinh doanh trên đất nước mình, phục vụ cho đồng bào mình thì cớ sao người Việt Nam lại không ủng hộ mình? Trong vòng 6 năm, Tàu Bưởi đã bắt các đối thủ bỏ cuộc…
Họ là những doanh nhân dân tộc, là những người kinh doanh đặt lợi ích của dân tộc, của đất nước lên trên hết. Đó là lớp doanh nhân muốn gánh vác một phần trách nhiệm lớn của đất nước và cùng đất nước đứng trước những thử thách của thời đại.
Chính Bác Hồ là hiện thân cho tư tưởng đúng đắn, phù hợp với thời đại nhất của doanh nhân Việt Nam. Từ Việt Bắc về, Bác đã ở nhà của một doanh nhân, viết bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam. Bác tiếp xúc với giới doanh nhân, kêu gọi giới doanh nhân đóng góp cho ngân sách xây dựng đất nước. Như ông Trịnh Văn Bô đóng góp đến hơn 5.000 lượng vàng. Chính quyền cách mạng đã có ngân sách để xây dựng đất nước, giới doanh nhân là ân nhân với chính quyền cách mạng.
Ngày 13/10 là ngày Công thương đoàn thành lập, đó là tuyên ngôn đầu tiên của Cách mạng ta về doanh nghiệp, doanh nhân. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng chính là nền công thương thịnh vượng. Bác Hồ đã nói: Chính phủ và tôi sẽ tận tâm xây dựng thị trường để phát triển giới doanh nhân.
Tôi luôn coi ngày 13/10/2004 là ngày khai sinh ra giới doanh nhân Việt. Sau quyết định của Chính phủ, cộng đồng doanh nhân mới chính thức có tên gọi cho chính mình. Hiện nay cộng đồng doanh nhân đang ở sinh nhật thứ 17, độ tuổi trăng tròn, độ tuổi đẹp nhất.
Giới doanh nhân đã xúc động tuôn trào khi diễu hành qua Quảng trường Ba Đình trong ngày Quốc khánh, đội ngũ doanh nhân, lần đầu được xác lập vị trí của mình trong cộng đồng.
Nói về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân, Bác Hồ đã nói xây dựng nền kinh tế là vai trò của doanh nhân. Giữa Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp có sự tương đồng, vị khách đầu tiên của Bác ở Phủ Chủ tịch là doanh nhân, còn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bức thư cuối cùng Đại tướng để lại là cho giới doanh nhân. Đại tướng đã căn dặn doanh nhân là nhạc trưởng tiên phong trong quá trình phát triển đất nước.
Đến nay, vị thế của doanh nhân đã được xác định, khuôn khổ pháp lý dành cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đang hình thành.
Thế hệ doanh nhân đầu tiên của Việt Nam có thể tính từ sau Đổi mới, sau năm 1986. Phần lớn họ trở thành doanh nhân bởi sự thúc ép tự cứu mình, từ đó góp phần đưa gia đình, đất nước thoát nghèo. Nhiều người ra đời trong chiến tranh, lớn lên trong bao cấp, thế hệ doanh nhân đầu tiên này là nhân chứng trong cuộc của gần như toàn bộ quá trình đổi mới, hội nhập kinh tế của Việt Nam. Không ít trong số này đã trở thành tên tuổi doanh nhân thành công nhất Việt Nam.
Hiện tại, thế hệ doanh nhân thứ hai đang xuất hiện. Một phần là những người kế nghiệp, nhưng phần lớn là người chọn kinh doanh làm sự nghiệp, được đào tạo bài bản, tiếp cận với tư duy kinh doanh hiện đại, chuyên nghiệp... Trong nhóm này có thế hệ doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo đang bừng dậy với nhiều khát vọng được trải nghiệm, được cống hiến.
Những bước hội nhập của nền kinh tế cùng với những thay đổi căn bản về tư duy kinh tế, thể chế kinh tế thị trường tiếp tục mở rộng cánh cửa cho những người làm kinh doanh ở Việt Nam. Đây cũng chính là thế hệ sẽ thực hiện các mục tiêu phát triển đầy tham vọng của nền kinh tế trong 5 năm, 10 năm tới và khát vọng 2045.
Những trải nghiệm của cộng đồng doanh nhân Việt, cộng với những chuyển dịch cả nền kinh tế trên con đường đi cùng với thế giới đã hình thành nên những phẩm chất mà ở nhiều quốc gia, phải mất nhiều thế kỷ mới đúc rút được.
Đó là tinh thần quyết liệt, khắc khổ, dũng cảm của người lính chiến trong chiến tranh. Đó là sự trăn trở giữa cái mới và cái cũ, giữa lạc hậu, bảo thủ và đòi hỏi sáng tạo của thời đổi mới. Đó là những lấn cấn, chồng lấn cảm xúc giữa văn minh lúa nước, giữa văn hóa Việt Nam, văn hóa phương Đông và kinh tế thị trường hiện đại của thế giới. Đó là sự va chạm giữa công nghệ hiện đại và sự phát triển thuận thiên...
Giá trị, phẩm chất này đang thể hiện rõ trong nỗ lực của doanh nhân chung tay cùng Chính phủ, người dân trong bối cảnh Covid-19 diễn biến hiện tại.
Năm ngoái, khi đợt dịch đầu tiên bùng phát, nhiều doanh nghiệp gần như bị đứt gãy hoạt động cho các chuỗi sản xuất trên toàn cầu ngừng đột ngột, nhưng họ chọn giữ người lao động, chứ không chọn sa thải để được hưởng các gói hỗ trợ tài chính khi đó.
Trong đợt dịch thứ tư đang diễn biến rất phức tạp trên cả nước, đặc biệt trong các khu công nghiệp, trong rất nhiều đề nghị, đề xuất từ doanh nghiệp tới Chính phủ, tiêm vắc xin cho người lao động liên tục được đưa ra ở hàng ưu tiên, bên cạnh các khoản đóng góp tài chính vào Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19... Phần lớn doanh nghiệp đang cố giữ vững, bảo đảm công ăn, việc làm, thu nhập cho người lao động, tìm kiếm cơ hội, thị trường mới....
Tôi thấy chưa bao giờ doanh nhân Việt lại bàn nhiều và thực sự đau đáu về các mô hình phát triển, về quản trị rủi ro, về tái cấu trúc và cả về phát triển bền vững như bây giờ. Chưa bao giờ nỗ lực khẳng định thương hiệu Việt, doanh nghiệp Việt lại mãnh mẽ và hiện thực đến như vậy.
Tôi có dịp đọc nhiều cuốn sách giới thiệu của doanh nghiệp Việt Nam quy mô lớn. Họ nói đến con người, nói đến trái tim, nói đến cộng sự, người lao động, nói đến khách hàng trước khi nói đến lợi ích của cá nhân, của cổ đông. Họ nói đến chinh phục những người đi cùng doanh nghiệp, những lao động cống hiến cho sự phát triển của doanh nghiệp, nói đến chinh phục khách hàng... Họ cũng nói đến cảm xúc hạnh phúc khi mang lại hạnh phúc cho người khác....
Tôi cảm nhận được khát vọng thực sự của các doanh nhân về sự vượt lên, thay đổi và về nhu cầu phụng sự xã hội, thay vì mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận thuần túy. Khi chọn phát triển trên nền tảng hạnh phúc, tuân thủ các tiêu chí phát triển bền vững, thuận với tự nhiên, sự nghiệp kinh doanh của doanh nhân, doanh nghiệp của họ có thể đi chậm hơn, nhưng chắc chắn sẽ đến thành công...
Hơn thế, thế giới sẽ còn bất thường, có thể sẽ không còn cuộc chiến tranh giữa con người, mà đại họa của môi trường, dịch bệnh, mà Covid-19 có thể là một chỉ báo, chọn con đường phát triển bền vững, dựa trên nền tảng hạnh phúc sẽ tạo nên những doanh nhân, doanh nghiệp có sức chống chịu cao, linh hoạt, nhưng đầy sức sáng tạo.
Tất nhiên, trong sự thành công của doanh nghiệp có phần công lớn từ môi trường kinh doanh, thể chế chính sách, điều hành kinh tễ vi mô. Trong những năm qua, nền kinh tế duy trì được sự ổn định, cơ chế, chính sách được hoàn thiện, các nỗ lực bắt tay với những nền kinh tế lớn nhất thế giới, tham gia những sân chơi đẳng cấp toàn cầu của Đảng, Nhà nước đã tạo nền tảng quan trọng để doanh nhân, doanh nghiệp yên tâm làm ăn, kinh doanh, tạo ra các giá trị thực tế, đóng góp vào tăng trưởng của đất nước. Nhưng, trong sự ổn định và phát triển của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua, cũng có công trạng của những doanh nhân dũng cảm, kiên cường.
Tôi tin đây sẽ là hình ảnh của doanh nhân Việt trong những năm tới mà các nhà hoạch định chính sách, các địa phương cần phải lưu tâm khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới.
Tôi muốn nhắc lại câu nói của Tổng bí thư sau khi Nghị quyết 09 được ban hành. Ông nói: “Đội ngũ doanh nhân của chúng ta mang bản sắc riêng, bản sắc Việt Nam. Doanh nhân Việt Nam là những người mang tinh thần người lính làm kinh tế, có quyết tâm, ý chí của người lính để thực hiện tốt nhiệm vụ xã hội giao phó, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước”.
Sau 35 năm cộng đồng doanh nhân Việt Nam đã cùng đất nước, dân tộc làm nên câu chuyện vượt nghèo vĩ đại, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng quốc tế thì trong chặng đường phát triển tới, thế hệ doanh nhân có trách nhiệm xã hội, thế hệ doanh nhân liêm chính, hội nhập quốc tế của Việt Nam sẽ cùng dân tộc, đất nước thực hiện khát vọng Việt Nam giàu mạnh, hùng cường./.