Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài nguyên & Môi trường diễn ra sáng ngày 14/10, cơ quan này đã có câu trả lời về hiện tượng nước sạch sông Đà có mùi lạ, gây khó chịu.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho hay, một cá nhân, tổ chức nào đó đã đổ trộm dầu thải vào khe núi xã Phú Minh, Kỳ Sơn (Hòa Bình), sau đó dầu lan vào kênh dẫn của Nhà máy nước sạch sông Đà.
"Người dân phản ánh phát hiện xe tải 2,5 tấn đổ trộm dầu ra khe núi thuộc xã Phúc Tiến tối 8/10. Sau đó địa bàn có mưa to dẫn đến dầu từ khe núi chảy xuống suối Trâm xã Phú Minh và lan đến kênh dẫn nước vào nhà máy nước sạch sông Đà", ông Thức thông tin tại buổi họp báo.
Đây chính là nguyên nhân khiến nước sạch sông Đà có mùi lạ xuất hiện từ ngày 10/10 theo phản ánh của người dân.
Câu chuyện này đã làm dấy lên nỗi băn khoăn về chất lượng của nước sạch, liệu nước sinh hoạt hàng ngày của người dân có đảm bảo sạch? Và vì sao khi nguồn nước chuyển đi các nơi không đảm bảo, có chất lượng kém như vậy mà đơn vị cung cấp vẫn không nắm được cho tới khi có phản ánh của người dân?
Thế nào là nước sạch?
Nước sạch có thể được định nghĩa là nguồn nước trong, không màu, không mùi, không vị và không chứa các độc chất, vi khuẩn gây bệnh cho con người.
Theo quy chuẩn quốc gia, nước sạch là nước đáp ứng các chỉ tiêu theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt - QCVN 02:2009/BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 17/6/2009.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì nguồn nước trong, không màu, không mùi, không vị chưa hẳn là nguồn nước sạch. Đồng thời, nước máy là nguồn nước có tỷ lệ mẫu nước đạt tiêu chuẩn vệ sinh cao nhất nhưng cũng chỉ ở mức 65,2%.
Ngoài ra, các nguồn nước khác như nước mưa, nước mặt và nước giếng khoan cũng bị ô nhiễm và chỉ đạt tương ứng 27,3%, 13,8%, 7,7% số mẫu đạt tiêu chuẩn vệ sinh.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Duy, Giảng viên khoa Hóa học trường Đại học Khoa học tự nhiên Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: “Quy trình công nghệ xử lý nước ngầm thường trải qua 4 giai đoạn: Làm thoáng - Lắng tiếp xúc - Lọc cát - Sát trùng. Quy trình này xử lý tốt Sắt, tuy nhiên thực tế nhiều trạm xử lý không tốt do thiết kế sai, chỉ xử lý được một phần Asen (60 - 80 %), Mangan, phần nhỏ Amoni do hấp phụ trên cặn sắt. Vì thế chất lượng nước máy cấp tới các hộ gia đình hiện nay nhiều nơi không được đảm bảo".
Theo Báo cáo “Điều tra chất lượng nước sinh hoạt” của Cục Y tế Dự phòng Việt Nam (QĐ 09/2005/BYT/QĐ) về tiêu chuẩn vệ sinh thì nước máy cũng chỉ đạt 65,2% độ an toàn. Đó là chưa kể việc đường ống dẫn nước thường xuyên vỡ nứt khiến vi khuẩn, kim loại nhiễm vào nguồn nước.
Chưa dừng lại ở đó, hệ thống nước thải tại các nhà máy công nghiệp không được xử lý được thải trực tiếp vào môi trường, hàng chục ngàn độc tố, các ion kim loại nặng từ nước thải đang xâm nhập vào nguồn nước ngầm. Hệ thống nước ngầm này lại trở thành nguồn nước cấp cho các nhà máy nước sạch thành phố hay khu đô thị.
Nếu như việc xử lý các chất hại trong nước không đảm bảo thì các chất độc này sẽ dễ dàng ngấm vào cơ thể qua đường nước ăn uống, sinh hoạt trong các gia đình.
Số liệu công bố bởi Tổ chức Y tế thế giới cho hay, hiện nay, đến 80% bệnh tật ở các quốc gia đang phát triển có liên quan đến nguồn nước và môi trường. Còn tại Việt Nam, mỗi năm có đến 9.000 trường hợp tử vong, 200.000 người mắc bệnh ung thư mà có nguyên nhân chính bắt nguồn từ ô nhiễm nguồn nước.
Đối với người dân, bài toán tìm ra nguồn nước an toàn tin cậy để sử dụng thay thế nguồn "nước sạch" nhưng lại đang có nguy cơ gây hại bởi nhiễm dầu từ Công ty CP kinh doanh nước sạch sông Đà (Viwasupco) đang là vấn đề lớn và nan giải nhất. Khi mà doanh nghiệp vẫn loanh quanh cho rằng các chỉ số chất lượng nước vẫn đảm bảo thì người dân chỉ biết tự xoay sở bảo vệ quyền lợi của chính mình.