“Những con sâu làm rầu nồi canh”
Vấn đề nâng cao chất lượng của hoạt động môi giới đã được đặt ra trong nhiều năm qua. Nghề môi giới bất động sản là một nghề đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật với những yêu cầu rất nghiêm ngặt.
Cụ thể, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và Thông tư 11/2015/TT-BXD đã yêu cầu, người môi giới khi tham gia thị trường bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề thì mới được phép hoạt động.
Theo đó, nhân viên môi giới phải được đào tạo về kiến thức, chuyên môn sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, cũng như đòi hỏi nhiều kỹ năng, tiêu chuẩn khác nhau. Sau đó, các nhân viên môi giới sẽ phải trải qua kỳ thi sát hạch gắt gao để nhận chứng chỉ hành nghề.
Không dừng tại đó, sau khi có chứng chỉ, các môi giới phải luôn tự chủ động cập nhật kiến thức, kỹ năng và đặc biệt là có ý thức tuân thủ các bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Điều này cho thấy, nghề môi giới là một nghề khó, nhiều áp lực, đòi hỏi rất nhiều yêu cầu, chứ không giống với nhiều người suy nghĩ như hiện nay.
Hoa hồng vài chục triệu/giao dịch, quần là áo lượt, lúc nào cũng bóng bẩy, sang trọng, là hình ảnh bên ngoài thường thấy của nhiều môi giới, nhưng không nhiều người hiểu rằng, để có được điều đó là không dễ và số lượng môi giới đạt được thành quả trên không nhiều so với quy mô số lượng môi giới đang hoạt động trên thị trường.
Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), hiện cả nước có tổng cộng khoảng 200.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 100.000 người là môi giới chuyên nghiệp, tức là hoạt động thường xuyên tại các sàn, còn lại đa số là nghiệp dư. Nếu tính sát sao hơn theo quy định Thông tư số 11/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng, người môi giới phải qua khâu sát hạch và được cấp chứng chỉ, thì số lượng thực tế cũng ít hơn nhiều.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Trần Minh, chuyên gia về đào tạo môi giới bất động sản cho biết, số lượng môi giới ngoài kiểm soát quá lớn, do không được đào tạo về nghề, thường tay ngang chuyển hướng trong một vài năm trở lại đây khi thấy thị trường nóng lên, đồng thời không được huấn luyện về nghiệp vụ đạo đức, gây ra nhiều bức xúc, ảnh hưởng xấu tới nhiều môi giới chân chính.
Điều đáng lưu ý, sự gia tăng mạnh của số lượng môi giới trong thời gian gần đây, cũng đi kèm với những vụ tranh chấp và hiện tượng làm giá diễn ra tại nhiều thị trường trên cả nước. Điều này vô hình trung đã làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh ngành môi giới bất động sản, khiến người môi giới bất động sản chưa có được cái nhìn thiện cảm của mọi người, dù đây là một ngành rất quan trọng với thị trường bất động sản.
Có thể nói, người làm môi giới bất động sản tốt phải là người nắm vững thông tin thị trường, thông tin về dự án, nhu cầu bán, mua bất động sản cập nhật hàng ngày. Bên cạnh đó, họ cũng không ngừng cập nhật những thay đổi về pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp, nhất là trong bối cảnh khách hàng ngày càng khó tính hiện nay.
Thiết lập lại chuẩn mực mới cho nghề môi giới
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký VARS cho rằng, bối cảnh ngày nay hoàn toàn khác, khi chúng ta quen dần với việc ứng dụng công nghệ vào ngành kinh doanh địa ốc, thị trường dịch vụ môi giới cạnh tranh gay gắt hơn bao giờ hết. Điều này đồng nghĩa với việc phải năng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng bán hàng cho nhân viên tư vấn nhằm giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển tốt.
Người hành nghề môi giới bất động sản là bên kết nối những giao dịch lên tới hàng tỷ, thậm chí hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. Giao dịch có giá trị lớn vừa là cơ hội, nhưng cũng là thử thách lớn đối với người môi giới bất động sản trên phương diện cả về chuyên môn nghiệp vụ lẫn đạo đức nghề nghiệp.
Ở các nước phát triển, nghề môi giới bất động sản là một nghề danh giá, được xã hội coi trọng cũng như chịu sự giám sát chặt chẽ của quản lý nhà nước. Bên cạnh các quy định giám sát chặt chẽ đối với người hành nghề, thì sự tuân thủ các giá trị đạo đức hành nghề luôn được đề cao và được các hiệp hội nghề nghiệp xem như một bộ luật về “lương tâm và trách nhiệm” mà bất cứ nhà môi giới nào cũng cần tuân thủ và tôn trọng.
Với sự hội nhập với thế giới của ngành bất động sản Việt Nam, người hành nghề môi giới bất động sản tại Việt Nam cũng ngày càng nhận ra tầm quan trọng của chữ tín, việc hành xử minh bạch, trung thực, có đạo đức trong kinh doanh chính là chìa khoá thành công giúp môi giới thăng tiến trong nghề nghiệp.
Do đó, theo ông Đính, để bắt nhịp với thông lệ chung của ngành môi giới bất động sản trên thế giới, sau thời gian nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng, VARS quyết định công bố, ban hành bộ “Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của nhà môi giới bất động sản” làm cơ sở định hướng về chuẩn mực đạo đức mà bất cứ người hành nghề môi giới bất động sản nào tại Việt Nam cũng cần phải phấn đấu và hướng tới.
Việc công bố bộ “Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của nhà môi giới bất động sản” là một bước tiến quan trọng của ngành môi giới bất động sản Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh hình ảnh của người môi giới bất động sản đang chưa nhận được thiện cảm của người tiêu dùng do tai tiếng từ những vụ việc do giới cò đất, môi giới không chuyên gây ra.
"Việc ra mắt bộ ‘Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của nhà môi giới bất động sản’ sẽ là một điểm tựa tinh thần và định hướng phấn đấu cho người hành nghề môi giới bất động sản chân chính muốn thành công và thành danh trong nghề", ông Đính nhấn mạnh.
Đánh giá về cao về việc nâng cao chuẩn mực môi giới, ông Nguyễn Quốc Huy, Phó chủ tịch HĐQT CTCP Bất động sản Hải Phát (Hải Phát Land) cho biết, môi giới không chỉ cần hoàn thiện chứng chỉ nghề, mà còn phải tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ một cách thường xuyên, nếu thực sự muốn gắn bó với nghề và thành công.
Sự phát triển của thị trường bất động sản, sự góp mặt của khối ngoại cả trong lĩnh vực môi giới và việc khách hàng ngày càng có những yêu cầu cao hơn, đòi hỏi môi giới giờ đây phải có kiến thức chuyên môn tốt. Không chỉ là cầu nối giữa bên mua và bên bán, môi giới ngày nay còn phải tư vấn, hỗ trợ khách hàng trong việc định giá sản phẩm, pháp lý…
“Bản thân chúng tôi đang xây dựng hệ sinh thái bất động sản, bao gồm nhiều mắt xích trong một hệ thống tuần hoàn, khép kín, từ đầu tư, tư vấn phát triển dự án, tiếp thị và truyền thông, phân phối và chăm sóc, đến quản lý, vận hành và khai thác bất động sản. Trong đó, công tác nhân sự giữ vai trò quan trọng và Học viện Bất động sản Hải Phát (Hải Phát Academy) chính là bệ đỡ”, ông Huy nói và cho biết, công tác đào tạo đội ngũ nhân sự theo hướng chuyên nghiệp, từ kiến thức sản phẩm, kỹ năng tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ khách hàng, cho đến dịch vụ hậu mãi sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng được một đội ngũ môi giới chuyên nghiệp, đông đảo và có sự gắn kết dài lâu với đơn vị.