Aa

Thí điểm cơ chế đặc thù phát triển nhà ở xã hội: Phân quyền mạnh, rút ngắn 70% thủ tục, hoàn trả tiền sử dụng đất cho nhà đầu tư

Thảo Bùi
Thảo Bùi Buithao021197@gmail.com
Thứ Sáu, 25/04/2025 - 22:49

Chiều 25/4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển nhà ở xã hội. Đây là nội dung nhận được sự quan tâm lớn khi nhằm gỡ điểm nghẽn trong phát triển phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp, lực lượng vũ trang và công nhân.

Phân quyền cho địa phương, bộ, ngành trung ương chấp thuận chủ trương đầu tư

Tại phiên họp, Chính phủ trình bày đề xuất thí điểm trao quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời giao chủ đầu tư đối với các dự án xây dựng nhà ở xã hội không sử dụng vốn đầu tư công. Mục tiêu là đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giảm thủ tục hành chính và tăng tính chủ động cho địa phương.

Tương tự, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cũng được trao quyền quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và giao chủ đầu tư thực hiện các dự án xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, với điều kiện các dự án này không sử dụng vốn đầu tư công.

Ngoài ra, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ có thẩm quyền giao chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội được triển khai bằng nguồn tài chính công đoàn.

Thí điểm cơ chế đặc thù phát triển nhà ở xã hội: Phân quyền mạnh, rút ngắn 70% thủ tục, hoàn trả tiền sử dụng đất cho nhà đầu tư- Ảnh 1.

Phân quyền cho địa phương, bộ, ngành trung ương chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội. (Ảnh minh họa)

Giao chủ đầu tư không qua đấu thầu nếu chỉ có một nhà đầu tư đủ điều kiện

Dự thảo quy định cụ thể cơ chế giao chủ đầu tư: Nếu chỉ có một nhà đầu tư nộp hồ sơ đề xuất và đáp ứng đầy đủ điều kiện làm chủ đầu tư theo quy định, cơ quan có thẩm quyền được phép giao thẳng mà không qua đấu thầu.

Trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên cùng nộp hồ sơ và đáp ứng điều kiện, cơ quan có thẩm quyền sẽ chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư theo thứ tự ưu tiên, bảo đảm minh bạch và đúng pháp luật.

Thời gian thực hiện toàn bộ quy trình giao chủ đầu tư không qua đấu thầu được rút gọn tối đa còn 75 ngày – tiết kiệm khoảng 200 ngày, tương đương 70% thời gian so với quy trình hiện hành có đấu thầu.

Rút gọn hàng loạt thủ tục hành chính

Cùng với việc phân quyền, dự thảo Nghị quyết cũng đề xuất rút gọn hàng loạt thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho triển khai dự án nhà ở xã hội. Cụ thể:

Không yêu cầu lập, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết, giúp rút ngắn được 65 ngày. Bỏ thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi tại cơ quan chuyên môn về xây dựng, rút ngắn 15 - 35 ngày (giảm 100% thời gian so với quy định hiện hành). Áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình, miễn giấy phép xây dựng, tiết kiệm thêm 20 - 30 ngày. Đơn giản hóa thủ tục xác định giá bán, giá thuê, thuê mua nhà ở xã hội, có thể cắt giảm từ 30 - 90 ngày.

Việc đồng thời rút ngắn nhiều đầu mục thủ tục giúp đẩy nhanh tiến độ toàn bộ vòng đời dự án, từ chuẩn bị đầu tư đến triển khai thực tế.

Cơ chế hoàn trả chi phí đất đai, hạ tầng cho chủ đầu tư

Một điểm mới đáng chú ý là cơ chế hoàn trả tài chính cho nhà đầu tư. Theo dự thảo, đối với các dự án nhà ở xã hội:

Nếu chủ đầu tư đã thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thì Nhà nước sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền đã chi trả.

Trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án mà chủ đầu tư đã ứng trước kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì kinh phí này được hoàn trả hoặc khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

UBND cấp tỉnh cũng có trách nhiệm sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài ranh giới dự án, cũng như thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng.

Làm rõ điều kiện được mua - thuê mua nhà ở xã hội

Dự thảo cũng quy định rõ về điều kiện nhà ở đối với các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ.

Đối với các địa phương được sắp xếp lại địa giới hành chính, điều kiện để xác định đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội sẽ căn cứ theo phạm vi hành chính của tỉnh, thành phố nơi có dự án trước thời điểm sắp xếp lại.

Với người lao động có địa điểm làm việc cách xa nơi cư trú, điều kiện để được mua, thuê mua nhà ở xã hội tại nơi làm việc là: chưa từng được mua, thuê mua hoặc hưởng chính sách nhà ở xã hội dưới mọi hình thức; chưa có nhà ở thuộc sở hữu; nếu có thì nơi ở hiện tại phải cách địa điểm làm việc tối thiểu 30km.

Với hàng loạt đề xuất mạnh mẽ từ phân quyền, rút ngắn thủ tục đến cơ chế tài chính, dự thảo Nghị quyết được kỳ vọng sẽ tạo ra bước chuyển mới trong phát triển nhà ở xã hội - lĩnh vực đang rất cần nguồn cung nhưng đang gặp vướng mắc pháp lý và thiếu động lực thu hút đầu tư.

Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết này tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025) theo quy trình rút gọn để sớm đưa chính sách vào thực tiễn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top