Aa

Thị thực "ngáng" đường du lịch

Thứ Bảy, 07/04/2018 - 07:40

Khoảng 3 tháng nữa, chính sách miễn thị thực (visa) cho công dân 5 nước châu Âu vào Việt Nam sẽ hết hạn nhưng đến nay vẫn chưa công bố có tiếp tục gia hạn chính sách này hay không, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Miễn 1 năm, chỉ hưởng lợi 6 tháng

Làm thủ tục xuất nhập cảnh ẢNH: ĐỘC LẬP

Làm thủ tục xuất nhập cảnh. Ảnh: Độc Lập

Sau khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng vào năm 2015, Chính phủ quyết định miễn thị thực 1 năm (từ 1.7.2015 - 30.6.2016) cho công dân 5 nước châu Âu là Anh, Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Sau 1 năm thí điểm, Thủ tướng Chính phủ quyết định gia hạn miễn thị thực cho công dân 5 nước trên thêm 1 năm nữa (đến hết ngày 30.6.2017).

Đáng chú ý, chính sách gia hạn có hiệu lực từ 1.7.2016 thì đến ngày 30.6, quyết định mới được ban hành. Thời điểm đó, rất nhiều doanh nghiệp (DN) đã lên tiếng bức xúc về việc công bố chính sách visa quá sát khiến họ không kịp trở tay, ảnh hưởng đến lợi ích toàn ngành. Tuy nhiên, trong lần thứ 2 gia hạn (từ 1.7.2017 - 30.6.2018), vấn đề này vẫn không cải thiện là mấy khi chỉ còn 24 ngày nữa là hết hạn, tức ngày 6.6.2017, chính sách gia hạn mới được công bố.

6 tháng đầu năm 2015, lượng khách quốc tế đến Việt Nam liên tục tụt giảm, tính chung 6 tháng đầu năm giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2014. Nhưng bắt đầu từ tháng 7 đến cuối năm, khi chính sách miễn visa cho 5 nước châu Âu có hiệu lực, đà tụt giảm đã được ngăn chặn và tăng trở lại. Cụ thể, tháng 7 khách quốc tế đến Việt Nam tăng 5,1%; tháng 8 tăng 7,5%; tháng 9 tăng 8,3%... đến tháng 12 tăng 15%, cả năm đạt gần 9 triệu lượt khách, tăng 0,9% so với năm 2014.

Ông Nguyễn Thiên Phúc, có nhiều năm hoạt động trong ngành du lịch, chuyên tour inbound (đưa khách vào Việt Nam) nhận định, chính sách quan trọng như visa mà công bố quá “sát nút” không chỉ gây rủi ro cho DN mà còn ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của khách. Các công ty lữ hành luôn phải xây dựng chương trình tour thường trước cả 6 tháng - 1 năm.

Nếu chính sách visa chưa “ngã ngũ” thì họ không dám và không thể hoàn thiện chương trình, mang đi quảng bá. Theo ông Phúc, trong nhiều lần tham dự các hội chợ du lịch tại châu Âu, các đối tác nước ngoài cũng thường xuyên phàn nàn về chính sách miễn thị thực của Việt Nam. Họ cho biết du khách thường đăng ký tour trước từ 4 - 5 tháng, trong khi chính sách miễn visa của Việt Nam lại chỉ được thông báo trước khoảng 1 tháng khiến DN lúng túng, du khách bị động. “Nhỡ đùng một cái Việt Nam ngưng gia hạn visa thì DN sao kịp trở tay?

Khách mua tour đến gần ngày đi lại phải cung cấp thủ tục làm visa, đóng phí. Việc này gây tâm lý khó chịu cho khách và sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh du lịch Việt Nam. Thông báo đã sát, thời gian gia hạn chỉ kéo dài 1 năm nên thực chất các công ty, du khách chỉ được hưởng lợi khoảng 6 tháng từ chính sách miễn visa”, ông nói.

Chính sách “ngăn sông cấm chợ”

Theo Báo cáo chỉ số cạnh tranh du lịch năm 2017 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), trong 136 nền du lịch trên thế giới được xếp hạng cạnh tranh, Việt Nam xếp thứ 34 về tài nguyên thiên nhiên du lịch, thứ 30 về tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ, thứ 37 về nguồn nhân lực du lịch nhưng mức độ cởi mở quốc tế chỉ xếp thứ 73.Chỉ so sánh với các nước trong khu vực đã thấy, chính sách visa của Việt Nam đã luôn bị đánh giá là không có sức cạnh tranh và kém hấp dẫn.

Như nói trên, sau nhiều lần “nới nhỏ giọt”, đến nay Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho công dân của 23 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi Philippines đã miễn thị thực cho 165 nước, Malaysia cho 164 nước, Singapore mở cửa cho gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, Thái Lan 61 nước.

Đặc biệt, để đạt mục tiêu đón 20 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2019, từ đầu tháng 3.2016, Indonesia đã miễn thị thực thêm cho công dân của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ, nâng tổng số quốc gia, vùng lãnh thổ được miễn thị thực lên 169.Chưa kể, thời hạn tạm trú chủ yếu chỉ áp dụng 15 ngày, ít hơn thời gian lưu trú trung bình của khách quốc tế khi đến Việt Nam.

Miễn đã ít, các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc diện được miễn thị thực khi vào Việt Nam còn bị làm khó bởi quy định người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 6 tháng và phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel, nhìn nhận Việt Nam đang thực hiện chính sách kiểu “ngăn sông cấm chợ”, đi ngược với xu thế và đóng cửa khách du lịch vào Việt Nam. Thay vì tạo cho du khách tâm lý luôn “được”, chúng ta đang lập nên những rào cản kỹ thuật khiến khách muốn đến Việt Nam phải đối mặt với loạt “bị”. Thực tế hiện nay, các nước ngày càng có nhiều chính sách mở, thông thoáng, khai thác triệt để thị trường Việt Nam nhưng định hướng về chính sách của ta lại khắt khe, làm hạn chế khai thác khách từ thị trường ngoại.

Ngay cả Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… vốn rất chặt chẽ về chính sách visa, an ninh nhưng một khi đã quyết định đẩy mạnh du lịch, họ ngay lập tức thực hiện nhiều chính sách linh động như miễn visa theo từng đợt, theo từng khu vực, từng nhóm du lịch. “Nhìn lại, cùng xuất phát điểm, du lịch Nhật Bản và Việt Nam năm 2011 là ngang nhau nhưng đến 2017, họ đã đón 19 triệu khách trong khi con số 12,9 triệu khách quốc tế đến Việt Nam đã được coi là kỳ tích.

Ngay cạnh chúng ta, Thái Lan đang đặt mục tiêu năm 2018 sẽ đón 35 triệu du khách, còn lượng khách quốc tế đến Việt Nam hiện nay mới chỉ ngang lượng khách đến Thái Lan cách đây hơn chục năm. Khoảng cách ngày càng xa, cũng có nghĩa là du lịch Việt Nam đang thụt lùi”, ông Kỳ nói thẳng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top