Trong 5 năm trở lại đây, thị trường bán lẻ điện máy Việt Nam chứng kiến hàng loạt tên tuổi lớn biến mất khỏi thị trường. Cụ thể, các đại gia ngã ngựa gồm Trần Anh, Viễn Thông A, Topcare, Việt Long… và mới đây nhất, sau gần 5 năm ra mắt thị trường và tròn một năm mua lại Viễn Thông A, hệ thống siêu thị điện máy VinPro giải thể vào tháng 12/2019.
Ngoài ra, một số đơn vị khác như Pico, HC, MediaMart… cũng đang cố gắng bám trụ thị trường nhưng với quy mô nhỏ, chật vật trong cuộc đua thị phần.
Hiện nay, thị phần bán lẻ điện máy chủ yếu tập trung ở ba ông lớn là Điện Máy Xanh, Nguyễn Kim và Điện máy Chợ lớn. Trong đó, theo hãng nghiên cứu thị trường GFK, hệ thống Điện Máy Xanh của Thế Giới Di Động bỏ xa các đối thủ còn lại với hơn 40% thị phần.
Điện Máy Xanh bước vào thị trường chỉ từ năm 2010 với quy mô rất khiêm tốn. Trong giai đoạn 5 năm đầu (2010-2015), hệ thống này mới chỉ có 30 cửa hàng, kể từ 4 năm về sau (2015-2019), Điện Máy Xanh có bước chuyển mình với hành trình phát triển nhanh, chạm mốc 1.000 shop vào tháng 12/2019, tăng 33 lần so với giai đoạn trước.
Năm 2019, Điện Máy Xanh đạt doanh thu 2,5 tỷ USD, tăng trưởng 12,6 lần so với năm 2015 và thị phần hơn 40%, tăng trưởng mạnh so với con số 8% của 4 năm trước đó.
Lý giải về sự tăng trưởng thần tốc của Điện Máy Xanh, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc Thế Giới Di Động cho biết, Điện Máy Xanh tham gia thị trường muộn hơn, nhưng nhanh chóng nắm bắt được thời cơ và tăng tốc nhờ kinh nghiệm vốn có trong lĩnh vực bán lẻ. Bí quyết thành công của Điện Máy Xanh là luôn coi khách hàng là trọng tâm, nên luôn mang đến cho khách hàng sự hài lòng bằng cung cách phục vụ tốt nhất, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Ông vua bán lẻ vẫn tham vọng tăng thêm 10% thị phần nữa trong khoảng một năm tới. Không dừng lại ở thị trường Việt Nam, Điện Máy Xanh vươn ra thị trường khu vực với việc khai trương cửa hàng đầu tiên tại thủ đô Phnompenh (Campuchia) vào cuối năm nay.