Thị trường bất động sản thời điểm này vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức và chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố: room tín dụng siết chặt, lãi suất ngân hàng cao, trái phiếu và thị trường chứng khoán vẫn biến động phức tạp. Tuy nhiên, năm 2023 hứa hẹn chứng kiến những điểm sáng đem lại cơ hội cho doanh nghiệp và nhà đầu tư địa ốc trên thị trường.
Loạt "ông lớn" vẫn trụ vững
Theo các báo cáo tài chính mới công bố, nhiều doanh nghiệp đầu ngành bất động sản vẫn lãi lớn từ hoạt động kinh doanh trong năm 2022, cho thấy dòng tiền vẫn duy trì hoạt động trong bối cảnh khó khăn. Điều này đã tạo ra động lực cho các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục tìm hướng đi phù hợp để thích nghi phát triển và vượt qua "sóng gió" trong năm 2023.
Mới đây, trong Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, Tập đoàn Vingroup đã công bố doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Tập đoàn đạt 41.168 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ và đạt kỷ lục cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản chiếm 71% với 29.153 tỷ đồng và hoạt động sản xuất đạt 3.601 tỷ đồng, đóng góp gần 9% vào tổng doanh thu Tập đoàn.
Vingroup cho biết doanh thu bất động sản trong quý chủ yếu đến từ các giao dịch bất động sản thấp tầng tại dự án Vinhomes Ocean Park 2 - The Empire. Bên cạnh đó, các mảng hoạt động khác như cho thuê bất động sản đầu tư, dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí, y tế và giáo dục đều tăng so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2022, Vingroup ghi nhận doanh thu thuần đạt 101.523 tỷ đồng, giảm 19% và lãi ròng 8.352 tỷ đồng, trái ngược với kết quả lỗ 2.514 tỷ đồng trong năm 2021. Trong đó, kinh doanh chuyển nhượng bất động sản vẫn là mảng mang về doanh thu chủ yếu của Vingroup với 54.861 tỷ đồng doanh thu thuần (chiếm 54% doanh thu thuần cả năm).
Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) công bố cũng cho thấy, lũy kế năm 2022, doanh nghiệp ghi nhận gần 11.152 tỷ đồng tổng doanh thu hợp nhất. Trong đó, doanh thu từ bán hàng đạt gần 9.221 tỷ đồng, được ghi nhận từ việc bàn giao tại các dự án như NovaWorld Phan Thiet, Aqua City, NovaWorld Ho Tram, NovaHills Mui Ne, Soho Residence và Victoria Village.
CTCP Tập đoàn C.E.O (CEO Group) công bố báo cáo cũng cho thấy lũy kế cả năm 2022, doanh nghiệp đạt 2.549 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 278 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt cao gấp 2,8 lần và gần 3 lần năm trước.
CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt ghi nhận doanh thu tài chính trong năm 2022 tăng đột biến lên 1.267 tỷ đồng, nhờ ghi nhận gần 1.249 tỷ đồng lãi chuyển nhượng hơn 72% cổ phần tại CTCP Địa ốc Sài Gòn KL.
Theo giới chuyên gia, dù còn nhiều khó khăn, đặc biệt về dòng tiền, nhưng các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư vẫn hy vọng vào sự phục hồi của thị trường trong năm 2023 khi lợi nhuận vẫn được duy trì.
FDI ồ ạt vào bất động sản
Trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường, FDI là nguồn vốn đáng tin cậy đối với các doanh nghiệp bất động sản trong nước, trở thành điểm sáng giúp thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của thị trường trong năm 2023.
Theo Bộ Xây dựng, FDI vào lĩnh vực bất động sản chủ yếu tập trung ở thị trường bất động sản công nghiệp và một số dự án bất động sản lớn. Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính từ đầu năm đến ngày 20/1/2023, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam (bao gồm cả vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 1,69 tỷ USD. Đáng chú ý, vốn đầu tư mới cũng như số dự án mới và số lượt dự án điều chỉnh vốn vẫn tăng so với cùng kỳ.
Cụ thể, có 153 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 48,5% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng hơn 3,1 lần so với cùng kỳ.
Đồng thời có 89 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 25,4% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 306,3 triệu USD, giảm 75,9% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó còn có 204 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tổng giá trị vốn góp đạt hơn 174,1 triệu USD.
Theo giới chuyên gia, sự quan tâm ngày càng lớn của các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài đã và đang góp phần tạo nên sự sôi động của hoạt động M&A trong ngành bất động sản, từ đó mang lại những tác động tích cực, hứa hẹn cho sự phục hồi của thị trường bất động sản trong năm 2023.
Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam, cho rằng thị trường Việt Nam vẫn có sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư bất chấp bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động. Nhà đầu tư coi Việt Nam là một nơi hấp dẫn để kinh doanh với dân số trong độ tuổi lao động lớn và nhiều chính sách hấp dẫn. Việt Nam còn là thị trường có mức tăng trưởng tích cực, phù hợp để kinh doanh, tiếp tục đầu tư trong thời gian dài với rủi ro thấp và tỷ lệ lạm phát được kiềm chế ở mức an toàn.
Cơ hội phía trước của thị trường bất động sản
Đánh giá tích cực về thị trường bất động sản năm 2023, PGS.TS. Trần Kim Chung, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, ngành địa ốc đang đứng trước cơ hội của chu kỳ 10 năm.
Đây là thời điểm hàng loạt bộ luật liên quan tới thị trường bất động sản như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở dự kiến sẽ được sửa đổi, thông qua và dần đi vào cuộc sống. Nhiều vấn đề vướng mắc kỳ vọng sẽ được giải quyết như tình trạng nhà siêu mỏng, phát triển hành lang công trình hạ tầng… hay nhiều vấn đề pháp lý liên quan tới nguồn cung thị trường.
Bài học tương tự đã từng diễn ra khi năm 2013, Luật Đất đai sửa đổi được thông qua cùng một số luật liên quan tới bất động sản. Tác động đã thấy rõ ngay sau đó khi thị trường đang ở giai đoạn đáy năm 2012 nhanh chóng phục hồi và liên tục phát triển từ đó tới nay.
Theo PGS.TS. Trần Kim Chung, thời điểm này, cơ hội còn nằm ở luồng dịch chuyển vốn trên thế giới đang hướng tới những nước có kinh tế và xã hội ổn định như Việt Nam.
"Nguồn vốn thế giới tuân theo quy luật ở đâu tăng trưởng ổn định, kinh tế xã hội ổn định, đất nước con người muốn vươn lên thì vốn đến. Trong khi thế giới chao đảo, xung đột, lạm phát cao, tăng trưởng thấp thì nước ta ngược lại", PGS.TS. Trần Kim Chung nhận định.
Ngoài vốn ngoại, nhiều dòng tiền theo chuyên gia này cũng sẽ đổ vào thị trường bất động sản như lượng kiều hối ổn định, vốn tín dụng, trái phiếu hay nguồn vốn từ chính các doanh nghiệp đầu tư bất động sản khi khó khăn qua đi…
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, bức tranh tương lai của thị trường bất động sản gắn với những cơ hội phát triển. Cơ hội đó đến từ việc kinh tế phục hồi khá (dự báo 6 - 6,5% năm 2023); quy hoạch được quan tâm; đầu tư cơ sở hạ tầng được coi là 1 trong 3 đột phá chiến lược; đầu tư công được thúc đẩy; chiến lược phát triển nhà ở 2021 - 2030; pháp lý đã và đang được tháo gỡ về phát triển thị trường bất động sản…
Cùng với đó là tốc độ đô thị hóa tăng (từ 35% năm 2019 lên 37% năm 2021, kế hoạch tăng lên 45% năm 2025, 50% năm 2030); chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ; các quỹ REITs (quỹ tín thác đầu tư bất động sản) được thành lập; thị hiếu khách hàng thay đổi sau dịch Covid-19.
Đặc biệt, chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023 với quy mô 350.000 tỷ đồng; đầu tư hạ tầng giao thông được chú trọng cũng là cơ hội tốt thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, cùng với cơ hội thì thách thức đối với thị trường bất động sản năm 2023 là nguồn cung còn khan hiếm, chưa dồi dào ngay; giá năng lượng, nguyên vật liệu tăng nhanh và còn ở mức cao; việc sửa đổi các luật liên quan (đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đấu giá tài sản công…) cũng sẽ có tác động nhất định đến thị trường bất động sản trong tương lai./.