Aa

Thị trường bất động sản không quá xấu, nhưng cần được “khơi thông”

Thứ Tư, 01/01/2020 - 06:35

Khó khăn của thị trường hiện nay chỉ có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường, mà nguyên nhân là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật.

Để thị trường được khơi thông, trước hết cần phải khơi thông về thủ tục.

Nhiều dự án bị “đứng hình” vì thủ tục

Trong 2 năm qua, thị trường bất động sản TP.HCM đã bị sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là tình trạng quá thiếu nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội; đã có nhiều dự án nhà ở bị “đứng hình” do không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng, hoặc bị dừng triển khai.

Từ ngày 10/12/2015 (ngày Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2014, có hiệu lực) đến tháng 8/2018, đã có 126 dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp bị “ách tắc” các thủ tục đầu tư, dù đã có “Quyết định chủ trương đầu tư” của UBND TP.HCM, nhưng không làm được thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 để làm các thủ tục đầu tư xây dựng tiếp theo.

Từ ngày 7/3/2017 (ngày ban hành Văn bản 342/TTg-V.I), đã có 158 dự án nhà ở liên quan đến sử dụng quỹ đất công, đã bị tạm dừng để được rà soát các thủ tục đầu tư đã được thực hiện trước đây. Đến tháng 3/2019, lãnh đạo cơ quan Trung ương và thành phố đã công bố cho phép 124 dự án được tiếp tục hoạt động, nhưng thực chất nhiều dự án đến nay vẫn chưa hoạt động bình thường. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền rà soát về pháp lý các dự án là rất cần thiết, để các chủ đầu tư chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư, kinh doanh và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, không để thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước. Nhưng quá trình rà soát, thanh tra cũng đã tác động đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các chủ đầu tư, người mua nhà, nhà đầu tư thứ cấp và cả môi trường kinh doanh.

Năm 2018, nguồn cung dự án nhà ở mới bị sụt giảm mạnh, giảm 42% số lượng dự án, giảm 40% về số lượng căn hộ so với năm 2017; Số lượng dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn giảm 16,31% về số lượng dự án và giảm 34,14% về số lượng căn nhà so với năm 2017. 

Để thị trường được khơi thông, trước hết cần phải khơi thông về thủ tục

Năm 2019, nguồn cung dự án nhà ở mới tiếp tục bị sụt giảm sâu, tương tự như năm 2018. Tình trạng thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở, dẫn đến giá nhà đất tăng đem lại lợi nhuận lớn cho các chủ đầu tư có dự án, nhưng lại làm cho khách hàng bị thiệt vì phải mua nhà giá cao hơn. Bên cạnh đó, phần lớn người tiêu dùng là người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập nhà ở hơn.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận thấy, thị trường bất động sản hiện nay về bản chất không xấu, chưa có nguy cơ bị khủng hoảng, vì vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng. Thị trường bất động sản TP.HCM rơi vào tình thế khó khăn hiện nay chỉ có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường, mà nguyên nhân là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật. 

Tuy nhiên, do thị trường bất động sản có "độ trễ", nếu Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương không có biện pháp xử lý sớm các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay, thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, làm cho “giấc mơ tạo lập nhà ở ngày càng xa vời” đối với đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, nhất là giới trẻ mới lập gia đình, mới lập nghiệp.

Làm gì để “khơi thông” thị trường?

Hiện nay, môi trường kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản vẫn chưa minh bạch, chưa công bằng, vẫn còn “tù mù”. Cùng mặt bằng pháp lý như nhau, tại sao các dự án nhà ở tại TP.HCM lại bị vướng, nhưng tại các địa phương khác thì không bị vướng? Các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp (xen kẹt đất nhà nước quản lý) như nhau, nhưng có một số dự án được phê duyệt đầu tư xây dựng, trong khi nhiều dự án khác lại chưa được phê duyệt, chưa đảm bảo tính công bằng.

Tình trạng trên bắt nguồn từ các nguyên nhân, sau đây: (i) Hệ thống pháp luật (công tác lập pháp, lập quy), chưa thật đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ; (ii) Phương thức xây dựng các Luật phổ biến theo kiểu "Luật khung; Luật ống", dẫn đến khó đấu tranh với các lợi ích cục bộ của Bộ, ngành đề xuất Luật; (iii) Khâu yếu nhất vẫn là công tác thực thi pháp luật, trong đó có việc quy định về các điều kiện, cơ chế của một số văn bản dưới luật; (iv) Quy trình, thủ tục hành chính nhìn chung vẫn còn rườm rà, bất cập; (v) Trách nhiệm và năng lực thi hành công vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức nhà nước còn hạn chế; tệ nạn nhũng nhiễu chưa được khắc phục.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan phân tích, đánh giá kỹ thực trạng, nguyên nhân các chỉ số tụt hạng, xếp hạng thấp và kiến nghị, đề xuất ngay các giải pháp tạo đột phá trong nâng hạng môi trường kinh doanh (ngày 2/11/2019); và Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo xác định việc tiếp tục cải cách thể chế là một đột phá chiến lược cần thiết (ngày 1/10/2019).

Trong lĩnh vực kinh tế, bao gồm lĩnh vực bất động sản, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Nhà nước (Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các địa phương) kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, minh bạch là yêu cầu hàng đầu, có tính quyết định nhất. Có minh bạch thì mới có công bằng, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh.

Do vậy, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị Nhà nước, trước hết là đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, đi đôi với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm đối thoại của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền với người dân và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản.

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ các vướng mắc, “điểm nghẽn” của thị trường bất động sản, để thị trường phục hồi và tăng trưởng trở lại, tạo điều kiện cho người dân có nhà ở: Trước mắt, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sửa đổi các Nghị định 43/2014/NĐ-CP; Nghị định 44/2014/NĐ-CP; Nghị định 47/2014/NĐ-CP; Nghị định 104/2014/NĐ-CP; Nghị định 01/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở; và sớm ban hành “Quy chuẩn xây dựng Việt Nam” để giải quyết ngay các vướng mắc về pháp lý đối với dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, xen kẹt đất thuộc Nhà nước quản lý, để làm tăng nguồn cung dự án nhà ở, nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội, trong đó có điểm nóng condotel.

Đối với các dự án nhà ở sử dụng quỹ đất công thuộc diện rà soát do cơ sở pháp lý để đề xuất ra quyết định chưa chính xác, Hiệp hội đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có). Đồng thời, Hiệp hội đề nghị cho phép chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thực hiện dự án, giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân.

Để cải cách thủ tục hành chính hiệu quả và thực chất, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương đẩy mạnh rà soát toàn diện và triệt để nhằm cải cách thủ tục hành chính thực chất, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, đảm bảo tính phục vụ và trách nhiệm giải trình. 

Bên cạnh đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm giải quyết, để ổn định trạng thái tâm lý sợ trách nhiệm, đùn đẩy, không dám đề xuất giải quyết hồ sơ, yêu cầu của doanh nghiệp của một số cán bộ công chức thuộc lĩnh vực đất đai, xây dựng, bất động sản, do có xuất hiện yếu tố “rủi ro” trong thi hành công vụ.

Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top