Kinh tế Lào Cai đang phục hồi
Ông Hà Đức Mậu, đến từ huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đang hoàn thiện căn nhà vừa mua tại dự án tại phường Bắc Lệnh, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Ông Mậu cho biết, dự án này mở bán thời điểm tháng 9/2022 khi thị trường bất động sản rơi vào suy thoái. Phải đến giữa năm nay, một số chủ căn hộ mới hoàn thiện và dọn đến ở.
Theo bà Hoàng Thị Lan, phụ trách một sàn giao dịch bất động sản lớn trên địa bàn tỉnh Lào Cai, nguyên nhân khiến thị trường bất động sản khu vực Tây Bắc trầm lắng thời gian qua là xu hướng chung của cả nước.
Về câu hỏi Chính phủ đã có nhiều giải pháp tháo gỡ từ cuối quý I, nhưng đến nay thị trường bất động sản chưa khởi sắc trở lại, bà Lan cho rằng, chính sách khi đi vào cuộc sống thường có độ trễ nhất định và các nhà đầu tư phải dần thích ứng. Bên cạnh đó, lượng tồn kho bất động sản còn nhiều. Đây là sản phẩm đầu tư của những người trước đây vay tiền ngân hàng mua vào, chờ giá lên sẽ bán ra.
Theo giới kinh doanh bất động sản dự báo, đến quý IV/2023, thị trường bất động sản sẽ nhích dần lên. Thị trường bất động sản phản ánh rất rõ bức tranh kinh tế của từng địa phương. Tại Lào Cai, kinh tế bắt đầu phục hồi, hoạt động xuất - nhập khẩu những tháng gần đây sôi động. Lượng khách du lịch cũng tăng mạnh so với cùng kỳ, các cơ hội đầu tư kinh doanh tăng lên.
Khi người dân huy động được nguồn vốn, họ sẽ có dòng tiền đầu tư vào bất động sản. Thị trường bất động sản ở Lào Cai cũng từ đó tốt lên và kỳ vọng sẽ tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2023 đầu năm 2024.
Trung tâm của vòng cung Tây Bắc
Qua khảo sát, Lào Cai là điểm trung chuyển giao thương quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam); là điểm kết nối Việt Nam và các nước ASEAN với thị trường Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc.
Nằm ở vị trí trung tâm của vòng cung Tây Bắc, có cảnh quan tự nhiên đa dạng, văn hóa tộc người đặc sắc, phong phú, tỉnh Lào Cai hội tụ điều kiện thuận lợi về tài nguyên nhân để thúc đẩy du lịch phát triển. Lào Cai đã thành công trong việc thu hút khách quốc tế từ các thị trường Tây Âu (Pháp, Đức, Hà Lan…), Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), ASEAN (Thái Lan, Singapore, Malaysia) và khách nội địa từ các địa phương trong cả nước, đặc biệt từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cũng như vùng đồng bằng sông Hồng đến tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, chinh phục đỉnh cao.
Thống kê mới nhất cho thấy, Lào Cai đã thu hút được hơn 40 dự án đầu tư lớn vào du lịch, với tổng mức đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng. Định hướng đầu tư, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng du lịch, bảo đảm Khu Du lịch quốc gia Sa Pa và đô thị du lịch Y Tý có thể cơ bản đi vào hoạt động sau năm 2030.
Theo định hướng, tỉnh Lào Cai sẽ phát triển du lịch, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đột phá, từng bước trở thành ngành kinh tế chủ đạo, là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Điểm nhấn là hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa, là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, cạnh tranh được với các trung tâm du lịch lớn trong nước và khu vực, đáp ứng các tiêu chuẩn du lịch quốc gia và quốc tế.
Với mục tiêu đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối của vùng và cả nước, kết nối trực tiếp với thị trường Trung Quốc, các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, quy mô lớn đang được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông, có tính kết nối cao, sức lan tỏa, tạo đột phá và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Các chuyên gia nhận định, dự địa cho phát triển bất động sản của Lào Cai vẫn còn lớn và là điểm đến của những nhà đầu tư uy tín, có đủ tiềm lực tài chính cũng như dự án chất lượng. Trong dòng chảy đầu tư đó, việc quản lý tốt quy hoạch cộng với nhiều dự án trọng điểm được xây dựng, đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy sự phát triển của Lào Cai về nhiều mặt và thị trường bất động sản thời gian tới sẽ có nhiều khởi sắc.
Ông Đỗ Quang Huy, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai cũng chia sẻ, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đảm bảo nguồn vốn tín dụng phục vụ các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Trên tinh thần chỉ đạo, các ngân hàng đã tiết giảm tối đa chi phí để có dư địa thực hiện giảm lãi suất cho vay, trong đó có người mua nhà, các dự án bất động sản đã hoàn thành thủ tục pháp lý, có khả năng trả nợ và đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Bên cạnh đó, thực hiện đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tiềm năng từng dự án và loại hình phân khúc bất động sản phù hợp với thu nhập của người dân, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, bất động sản công nghiệp, du lịch… để có chính sách tín dụng phù hợp với từng dự án, phân khúc bất động sản. Tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận vốn tín dụng khi đáp ứng đầy đủ điều kiện tín dụng theo quy định.