Aa

Thị trường bất động sản: Tìm lối thoát cho nhà ở công nhân

Chủ Nhật, 05/01/2020 - 06:30

So với nhu cầu, nguồn cung nhà ở cho công nhân hiện nay như muối bỏ biển. Để giải quyết bài toán chênh lệch cung - cầu này, cần có thêm nhiều giải pháp và sự chung tay của nhiều thành phần.

Muối bỏ biển

Nhu cầu về nhà ở cho công nhân hiện đang rất bức bách. Là đối tượng cần ưu tiên chăm lo, nhất là chăm lo về nhà ở nhằm đảm bảo sự ổn định về công việc, nhưng thực tế cho thấy, các chủ doanh nghiệp sản xuất lại không chú ý đến việc xây nhà ở, hoặc nếu có thì các khu nhà ở do Nhà nước và doanh nghiệp xây dựng không cạnh tranh được với nhà cho thuê của các hộ gia đình.

Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, đa số công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất là người ngoại tỉnh, nhưng đa phần công nhân, người lao động hiện nay khó khăn về nhà ở. 

Để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở cho công nhân, cũng như người thu nhập thấp, năm 2011, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, mục tiêu chính là đến năm 2020 xây dựng thêm ít nhất 12,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, hướng tới tầng lớp dân cư có mức thu nhập thấp tại các khu vực đô thị; đáp ứng khoảng 80% số sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp dạy nghề và khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở; hỗ trợ khoảng 500.000 hộ gia đình (theo chuẩn nghèo mới) tại khu vực nông thôn cải thiện nhà ở.

Mẫu căn hộ nhà ở xã hội diện tích nhỏ

Từ năm 2014, Bộ Xây dựng đã đưa mô hình nhà lưu trú, nhà ở cho công nhân vào diện nhà ở xã hội để được hưởng hỗ trợ về vốn ngân sách, quy hoạch, xây dựng, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân, để giải quyết bài toán nhà ở cho công nhân tại các đô thị lớn, nhất là các đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP.HCM, hay một số tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bình Dương, Long An…

Thế nhưng, với một bộ phận lớn người lao động có thu nhập thấp, việc sở hữu một chỗ ở ổn định và đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu vẫn đang là một ước mơ rất xa xỉ.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay đã hoàn thành 100 dự án nhà công nhân, quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn, đủ để bố trí cho khoảng 330.000 người lao động.

Tuy nhiên, con số này hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 28% so với nhu cầu, đồng nghĩa với việc 72% trong khoảng 4,8 triệu công nhân, người lao động vẫn chưa được đáp ứng các nhu cầu về nhà ở. Ngoài ra, hiện có tới 226 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai với quy mô khoảng 182.200 căn. Trong đó, hầu hết dự án đều đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công vì nhiều lý do.

Cần có thêm nhiều giải pháp khác

Với một số bất cập và khó khăn trong quá trình triển khai dự án, nên các nhà đầu tư chưa thực sự mặn mà với nhà ở cho công nhân. Do đó, các nhà hoạch định chính sách cần từng bước tháo gỡ các khó khăn để khuyến khích doanh nghiệp tham gia.

Đầu tiên là công tác giải phóng mặt bằng, cần thực hiện công tác tuyên truyền sâu, rộng và đi đến từng người dân để dân thấu hiểu được tầm quan trọng, sự cần thiết của dự án, cũng như những hệ luỵ từ việc gia tăng dân số cơ học quá lớn đối với cộng đồng dân cư hiện hữu nếu các dự án nhà ở xã hội không sớm được triển khai.

Nhà ở cho công nhân, nhưng phải đảm bảo chất lượng và đầy đủ tiện ích thiết yếu

Chính quyền cùng nhà đầu tư cũng cần nghiên cứu để có những chính sách phù hợp hơn nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân trong diện giải phóng mặt bằng (giá đền bù, hỗ trợ chuyển đổi công việc, bố trí các công việc phù hợp trong dự án…).

Thực tế cho thấy, tại một số dự án nhà ở cho công nhân, đa số người dân đều đồng thuận, chỉ một số ít đối tượng cố tình không hiểu hoặc vì mục đích cá nhân nào đó đã kích động, gây khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Với các trường hợp này, chính quyền ngoài các biện pháp tuyên truyền, giải thích cũng cần có các biện pháp mạnh theo quy định của pháp luật để đảm bảo dự án có thể triển khai được theo tiến độ đề ra.

Về mức hỗ trợ, để giá nhà phù hợp với khả năng chi trả của công nhân, chính quyền địa phương cần dành một phần ngân sách hỗ trợ chủ đầu tư trong việc giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, xây dựng các cơ chế ưu đãi bao gồm cả thuế và tín dụng cho các chủ đầu tư, cũng như công nhân mua nhà.

Chính quyền cũng cần có cơ chế tạo điều kiện cho chủ doanh nghiệp được thuê nhà ở xã hội để bố trí chỗ ở cho công nhân của họ, hoặc cho họ làm nhà đầu tư thứ cấp, thuê đất thuộc dự án nhà ở xã hội đã có hạ tầng để họ tự xây nhà ở bố trí cho công nhân của họ.

Mặt khác, hiện nay có nhu cầu rất lớn của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, họ có một lượng lớn các chuyên gia và cả công nhân người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại các khu công nghiệp, nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc bố trí chỗ ở ổn định với giá thành phù hợp (vì họ không thuộc các thành phần được mua/thuê nhà ở xã hội theo quy định). Đo đó, Nhà nước cũng cần tạo hành lang pháp lý để các dự án nhà ở xã hội có thể đáp ứng được nhu cầu thực tế này, tạo điều kiện cho các chuyên gia, công nhân nước ngoài được ổn định, yên tâm công tác.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần đồng hành cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án. Các khoản chi phí nằm trong thành phần tổng mức đầu tư cần được cơ quan chức năng thẩm định trước khi chủ đầu tư thực hiện để sau này khi quyết toán dự án, quyết định giá bán/thuê nhà ở xã hội được rõ ràng, minh bạch và chủ đầu tư tránh được các rủi ro tiềm ẩn.

Về phía chủ đầu tư, để thu hút công nhân mua/thuê nhà ở xã hội, các chủ đầu tư cũng cần thay đổi quan niệm rằng nhà ở xã hội là dạng nhà ở giá rẻ với chất lượng thấp, tiện ích không đầy đủ. Chủ đầu tư cần làm dự án với chất lượng tốt, các tiện ích, hạ tầng xã hội phục vụ sinh hoạt cho người dân cần đầy đủ, đồng bộ (nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế, chợ, siêu thị, công viên vui chơi thể thao...), nhưng vẫn phải có giá thành rẻ để người lao động có thể tiếp cận được.

Để làm được như thế, thay vì việc bố trí các căn hộ có diện tích 60 - 70m2 với giá từ 1 - 1,5 tỷ đồng/căn hộ, các chủ đầu tư cần xây dựng thành các modul có diện tích 25 - 30m2/căn (căn hộ 1 phòng ngủ, 1 WC và 1 phòng ăn/khách) với giá chỉ khoảng 300 - 500 triệu đồng/căn hộ. Khi các gia đình có nhu cầu ở rộng hơn, thì có thể dễ dàng ghép 2 hoặc 3 modul lại thành một căn hộ.

Như vậy, sản phẩm sẽ rất linh hoạt và đáp ứng được nhiều phân khúc, nhu cầu của người ở. Việc giảm giá thành công trình cần được thực hiện trong tất cả các khâu của quá trình triển khai dự án (khảo sát, thiết kế, thi công, vận hành...) bằng việc sử dụng các thiết kế điển hình, kiểu dáng kiến trúc các khối nhà cần không quá khác biệt, nhiều góc cạnh để có thể tận dụng, khấu hao được công tác ván khuôn, chuyên môn hoá và tự động hoá trong quá trình thi công, ứng dụng các công nghệ, vật liệu tiên tiến... đẩy nhanh tiến độ, giảm các chi phí trong quá trình triển khai dự án.

Các tiện ích, hạ tầng xã hội (nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, trạm y tế...) cũng cần được chủ đầu tư lưu ý triển khai sớm, tránh việc chỉ chú trọng đến việc xây dựng nhà để bán, thu lời mà không tập trung đến các hạng mục này (hoặc có thể để đầu tư sau cùng), dẫn đến người mua nhà gặp rất nhiều bất lợi trong quá trình sinh sống.

Thực tế, tại một số quốc gia như Luxembourg, Singapore, Trung Quốc, Sri Lanka…, thông qua các tổng công ty xây dựng lớn, có vốn nhà nước, Chính phủ cho xây dựng những khu nhà ở xã hội hoàn chỉnh có quy mô dân số lên đến vài vạn người, cung ứng các dịch vụ cần thiết về giáo dục, y tế, rèn luyện sức khỏe, giao thông công cộng, mua sắm… Nhà nước có vai trò quyết định trong việc phân bổ đất đai, đưa ra các chính sách ưu đãi tài chính, cũng như đặt ra các tiêu chuẩn cho đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội. Tiêu chuẩn tiện ích nhà ở được nâng cao liên tục để đáp ứng với nhu cầu xã hội hiện đại.

Ngoài ra, các nước có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người có nhu cầu nhà ở thay vì tập trung hỗ trợ cho đơn vị xây dựng và các nhà cung cấp nhà ở xã hội.

Điểm cuối cùng, việc trong dự án nhà ở xã hội có quỹ đất 20% đất thương mại cũng cần được các cơ quan chức năng quản lý, giám sát chặt chẽ hơn để chủ đầu tư sử dụng đúng mục đích của chính sách ưu đãi này, là dùng lợi nhuận của quỹ đất này để nhằm giảm giá bán/cho thuê nhà ở xã hội. Hiện một số chủ đầu tư nhầm tưởng họ được hưởng toàn bộ phần lợi nhuận của phần quỹ đất thương mại này, nên tính toán, quyết định đầu tư, thậm chí còn có tư tưởng đầu tư, kinh doanh trước phần đất thương mại này để thu lợi nhuận, còn phần nhà ở xã hội để lại tính sau.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top